Sau thành công rực rỡ từ Em là bà nội của anhTháng năm rực rỡ, điện ảnh Việt Nam chính thức bước vào thời kỳ hoàng kim của phim remake. Không khó để khán giả điểm mặt đặt tên hàng loạt dự án phim Việt chuyển thể từ kịch bản nước ngoài đang khởi chiếu như Ông ngoại tuổi 30, Yêu em bất chấp…..

Tuy nhiên, sự xâm lấn của phim remake không phải lúc nào cũng mang đến kết quả tốt đẹp.

Sắc đẹp ngàn cân


Bộ phim "Sắc đẹp ngàn cân" thu hút rất nhiều sự quan tâm từ công chúng ngay từ khi còn ở giai đoạn dự án

Khởi động ngay sau khi tác phẩm remake đình đám Em là bà nội của anh trở thành "cơn bão" phòng vé, Sắc đẹp ngàn cân lập tức trở thành dự án phim chuyển thể Việt - Hàn được kỳ vọng nhất thời điểm đó.

Hàng loạt tên tuổi được dự đoán sẽ đảm nhận vai nữ chính Hanna (Kim Ah Joong thủ vai) – một cô gái mập nhưng lại sở hữu giọng ca trời phú, do bị phụ tình nên đã tìm đến công nghệ thẩm mỹ hòng thay đổi nhan sắc. Cuối cùng, cái tên Minh Hằng được lựa chọn khiến công chúng thở phào. Bởi lẽ khả năng diễn xuất của Minh Hằng từ lâu đã được kiểm định qua hàng loạt dự án điện ảnh và truyền hình thành công.

Tuy nhiên, Sắc đẹp ngàn cân đã không nhận được phản hồi tích cực của khán giả ngay từ ngày đầu tiên công chiếu. Sự thất bại của phim bắt nguồn từ việc êkip bám quá sát kịch bản gốc của Hàn Quốc nhưng lại quên mất kịch bản đó đã được viết từ hơn 1 thập kỷ trước.

Từ bối cảnh, cách cư xử của nhân vật trong phim Việt theo đó đều mang phong cách... rất Hàn Quốc. Nếu chỉ coi hình mà không nghe tiếng, khán giả khó lòng tìm ra bối cảnh phim được thực hiện ở quê nhà mà sẽ đinh ninh tác phẩm được quay ngay tại xứ sở Kim Chi xa xôi.

So với Em là bà nội của anh, Sắc đẹp ngàn cân đã hoàn toàn thất bại trong việc đưa chất liệu Việt Nam vào kịch bản Hàn. Không cần nói cũng biết, vấn đề Việt hóa kịch bản chính là bài toán làm đau đầu mọi đạo diễn phim remake, từ trong nước đến quốc tế. Tiếc rằng, "chiếc chìa khóa" then chốt này của thể loại phim remake đã bị êkip Sắc đẹp ngàn cân bỏ ngỏ.


Trong "Sắc đẹp ngàn cân", Minh Hằng đóng cặp với nam diễn viên điển trai Rocker Nguyễn

Điểm cộng đồng thời cũng là điểm trừ của bộ phim là khả năng diễn xuất của Minh Hằng. Không dưới 1 lần nhận giải thưởng lớn về diễn xuất, người đẹp đã không để khán giả phải thất vọng khi lột tả mạch cảm xúc cũng như diễn biến nội tâm của một Hà My ngây thơ bị phụ bạc, quyết thay đổi bản thân để rồi một ngày đánh mất chính mình.

Tuy nhiên với kinh nghiệm trong nghề, Minh Hằng đã vô tình tạo nên sự khác biệt quá lớn trong kỹ thuật diễn của cô và Rocker Nguyễn. Khán giả vừa kịp cảm động khi Hà My bật khóc trước sự thay đổi của bản thân thì lại ăn ngay một gáo nước lạnh từ biểu cảm "đơ" của Rocker Nguyễn.

Tất nhiên, Rocker Nguyễn rất tài tử và ăn hình nhưng anh vẫn còn quá non trẻ để đảm nhận vai diễn một người đàn ông trưởng thành và già đời như nhân vật Khang. Là một phim remake tiếp nối ngay sau Em là bà nội của anh, Sắc đẹp ngàn cân trở thành "món ăn" phụ mờ nhạt và nhàm chán trong toàn bộ "bữa tiệc" phim remake đầy sắc, hương, vị.  

Yêu

Từ năm 2015, dòng phim remake đã chính thức manh nha len lỏi vào điện ảnh Việt bằng bộ phim Yêu của đạo diễn Việt Max. Yêu chính là phiên bản Việt hóa làm lại từ bộ phim nổi tiếng The love of Siam của Thái Lan.

Yêu đề cập đến một vấn đề khá nhạy cảm khi những người thuộc giới tính thứ 3 vẫn chưa hoàn toàn được xã hội hiện đại chấp nhận rộng rãi. Sở hữu nội dung hấp dẫn, quy tụ những tên tuổi trẻ và có sức ảnh hưởng, thừa hưởng thành công từ bản gốc The love of Siam nhưng Yêu vẫn không đủ sức thuyết phục khán giả phải bỏ hầu bao đến phòng vé.

Kịch bản lủng củng, không liền mạch khiến người xem không khỏi chưng hửng mỗi khi phim chuyển cảnh. Nguyên nhân chính xuất phát từ sự tham lam của đội ngũ biên kịch khi cố nhồi nhét quá nhiều thông điệp về tình yêu, tình bạn, khát vọng và sự hy sinh vào một bộ phim chưa tới 2 tiếng đồng hồ.

Quá nhiều câu hỏi được đặt ra xuyên suốt mạch phim: Nhân vật Miến (Phở Đặc Biệt thủ vai) lần đầu gặp được Tú – tình yêu sét đánh của đời mình nhưng chỉ vài ngày sau, chính anh lại tìm ra chỗ Tú đang làm thêm ngay lập tức mà không mất quá nhiều công sức.

Nhân vật của Bê Trần được xây dựng là một chàng trai nhà giàu, bảnh bao, nhan sắc thuộc hàng soái ca khiến bao cô gái phải khao khát. Cớ sao anh lại đem lòng yêu Nhi – một cô gái bình thường không có gì nổi bật?


Tên tuổi đình đám thời điểm ấy của Chi Pu và Gil Lê cũng không đủ để cứu vãn "Yêu"
 

Đó là chưa kể đến việc tình cảm giữa 2 nhân vật nữ chính bị đốt cháy giai đoạn và đẩy nhanh đến mức chóng mặt. Người xem chưa kịp rung động trước tình yêu thuần khiết nảy nở giữa giữa 2 cô gái trẻ thì cả Tú và Nhi đã vội trao nhau nụ hôn đầu dưới mưa, khiến toàn bộ phân cảnh trở nên vô cùng gượng ép.

Khán giả không cách nào đưa mạch cảm xúc của bản thân theo kịp chuyện tình phát triển nhanh như hệ thống truyền tải điện quốc gia này.

Chưa hết, Nhi vốn dĩ là một cô gái “thẳng”, lần đầu rung động trước một cô bạn cùng giới. Theo đúng logic tâm lý, lẽ ra Nhi phải bị đẩy vào tâm trạng hoang mang và phân vân. Tuy nhiên, giai đoạn chuyển biến tâm lý đáng giá này lại bị ekip phim Yêu cắt bỏ một cách vô lý.

Tất cả những điểm trừ trên của Yêu đã khiến bộ phim vốn dĩ rất được mong chờ trở thành bản sao không hoàn hảo của The love of Siam.

Dư luận chưa kịp ấn tượng bởi màn chào sân điện ảnh của Chi Pu và Gil Lê thì đã bị choáng ngợp bởi lổ hổng logic khổng lồ của kịch bản Việt hóa. Tuy nhiên, Yêu là một bộ phim được quay rất đẹp; đẹp từ bối cảnh, diễn viên chính, diễn viên phụ đến dàn diễn viên nhí. Nhưng phim ảnh cũng như một người phụ nữ: nếu chỉ đẹp mà không có nội hàm thì cũng sẽ nhanh chóng bị lãng quên và trở thành quá khứ.

Không nói được

Không nói được là một bộ phim chuyển thể làm lại từ kịch bản ăn khách của Thái Lan – My name is Love. Kịch bản gốc của My name is Love là câu chuyện kể một chàng trai trẻ từng có thời trung học lẫy lừng. Khi được cô bạn nhà bên béo ú tỏ tình, anh ngay lập tức từ chối và buông lời trêu ghẹo ngoại hình khiến cô gái bật khóc nức nở.

Tuy nhiên càng lớn, cô gái béo ú ngày nào càng trở nên xinh đẹp hơn trong khi nam nhân vật chính lại càng đánh mất hào quang lẫy lừng của một hot boy trung học. Cuộc sống của chàng trai trẻ một lần nữa bị xáo trộn khi anh đem lòng thầm yêu cô bạn mập mạp mà trước đó anh từng từ chối phũ phàng.

Nếu từng theo dõi phim Thái, khán giả đã quá quen thuộc với một đặc sản của thể loại tình cảm hài đến từ xứ sở Chùa Vàng: những tình tiết gây cười đặc trưng đôi khi có phần lạc quẻ và hơi lố.

Tất cả những đặc điểm đó đã được êkip biên kịch tổng hợp, xào nấu và nén hết vào Không nói được mà không mảy may cân nhắc gia giảm liều lượng cũng như tần suất để phù hợp hơn với thị hiếu khán giả Việt.

Ngoài ra, kịch bản gốc My name is love căn bản chứa rất nhiều từ ngữ nhạy cảm. Tuy nhiên, êkip biên kịch bản Việt đã không thực sự giải quyết tốt bài toán khó này khiến phần thoại của diễn viên nhiều lần bị chèn đè tiếng “beep” do không qua khỏi khâu kiểm duyệt chặt chẽ trước khi được chiếu trên màn hình lớn.

Điều này khiến sức hút của bộ phim bị giảm sút đi rất nhiều vì không đẩy được mạch cảm xúc lên cao như ở bản gốc, khiến khán giả vô cùng thất vọng.  

Nhìn chung, Không nói được là một tác phẩm mờ nhạt trong "cơn bão" phim remake thời gian gần đây. Nếu chưa bao giờ xem bản gốc Thái Lan, công chúng cũng không hề biết Không nói được là một sản phẩm remake. "Đến không ai hay, đi không ai biết" chính là ấn tượng duy nhất mà khán giả có thể nhớ được khi nhắc đến Không nói được.

Ngày mai Mai cưới

Làm lại từ bộ phim điện ảnh ăn khách của Indonesia – Get married, Ngày mai Mai cưới là câu chuyện kể về 4 người bạn thân cùng nhau lớn lên ở miền biển: Mai (Diệu Nhi), Mành (Huỳnh Phương), Bến (Vinh Râu) và Gừng (Thái Vũ).

Cuộc sống của bộ 4 bạn thân bỗng bốc bị xáo trộn khi bố mẹ Mai không yên tâm đứng nhìn con gái mình cô đơn lẻ bóng nên quyết định tìm chồng cho con gái. Các ứng cử viên lần lượt xuất hiện mang theo hàng loạt câu chuyện dở khóc dở cười đến với Mai, nhưng rồi mọi chuyện đã thay đổi khi cô rung động trước Phong (Minh beta) – một cậu ấm đến từ Sài Gòn.  


Một cảnh trong phim "Ngày mai Mai cưới"

Ngày mai Mai cưới là một bộ phim hài nhẹ nhàng. Lấy bối cảnh gần gũi với khán giả Việt, không phải một ngôi trường quốc tế với những chiếc siêu xe đắt tiền hay những biệt thự bóng loáng chói mắt, Ngày mai Mai cưới nắm bắt “quốc nạn” ế mà đa số giới trẻ hiện nay đều đau đáu trong lòng mỗi khi nhắc đến.

Bên cạnh đó, tạo hình của dàn nhân vật chính cũng vô cùng gần gũi và giản dị khi tất cả đều là những người trẻ vừa tốt nghiệp đại học, mang nhiều hoài bão và hy vọng về tương lai.


Tạo hình của Diệu Nhi trong nhân vật Mai của "Ngày mai Mai cưới"

Tuy nhiên, chất hài trong phim lại không được khai thác một cách triệt để và tinh tế. Bộ phim khiến khán giả liên tưởng đến những video hài đặc trưng trên kênh Youtube nhưng kéo dài tận… 2 tiếng đồng hồ. Đương nhiên, lối diễn kiểu Youtube thì hoàn toàn không phù hợp để đem lên màn ảnh rộng.

Những tình tiết hài gượng ép cộng với việc dàn diễn viên chủ yếu chọc cười khán giả bằng biểu cảm quá lố theo phong cách sitcom đã trở thành điểm trừ lớn của Ngày mai Mai cưới. Thêm vào đó, cốt truyện một màu, không có điểm nhấn đã làm mạch cảm xúc của người xem trôi tuột theo những tràng cười nhạt nhẽo. Để rồi sau gần 2 tiếng ở rạp, khán giả cũng không nhớ được bất kỳ điều gì.

Nhìn chung, Ngày mai Mai cưới chỉ dừng lại ở một bộ phim hài mà các “mọt phim” có thể cân nhắc đi xem nếu đang “rủng rỉnh” hầu bao đầu tháng và cần thoải mái xả stress. Bởi lẽ nếu đem lên bàn cân so sánh, Ngày mai Mai cưới khó lòng có thể đấu lại các đối thủ được đầu tư kỹ lưỡng và bài bản.
 

Như Ng
Theo Vietnamnet