Phép màu không xảy ra 

Tối 4/1, ông Đoàn Tấn Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp thông tin, nguyên nhân chính khiến bé Thái Lý Hạo Nam tử vong là do kẹt trong lòng ống trụ bê tông 4 ngày và bị đa chấn thương, thiếu dưỡng khí, nhiệt độ thấp…

Theo ông Bửu, trước đây lực lượng tại hiện trường vừa ưu tiên cứu hộ, vừa tìm cách để duy trì cho bé. Tuy nhiên, đến cuối giờ chiều qua, các cơ quan chức năng tại hiện trường dựa trên nhiều thông tin, xác định cháu bé Thái Lý Hạo Nam (10 tuổi) đã tử vong.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, với việc xác định bé đã tử vong, các lực lượng thay đổi biện pháp cứu hộ đưa em bé lên để gia đình lo hậu sự.

100 giờ cứu hộ cháu Thái Lý Hạo Nam-1
Hiện trường lực lượng cứu hộ vào ngày 1/1.

100 giờ cứu hộ với nhiều phương án

Trước đó, trưa 31/12/2022, bé Hạo Nam cùng 3 người bạn vào công trình cầu Rọc Sen ở xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình để nhặt sắt và bé gặp nạn khi rơi vào ống trụ bê tông đường kính 25cm, đã đóng sâu 35m xuống dưới lòng đất.

Ban đầu khi vừa phát hiện, cha của bé và lực lượng địa phương định giải cứu theo phương án tại chỗ là thả dây xuống. Tuy nhiên, phương án này không hiệu quả khi đường kính ống trụ bê tông quá nhỏ, bé trai không xoay xở luồn dây vào người được. Do đó, lực lượng địa phương đã đưa nước uống xuống nhằm duy trì sự sống cho bé.

Khi nhận tin báo, lực lượng cứu hộ, cứu nạn chuyên nghiệp có mặt. Nước uống và ô-xy được bơm truyền xuống để Hạo Nam cầm cự nhưng không nhận được sự phản ứng.

Lực lượng tại chỗ ban đầu tính đến phương án dùng máy khoan làm mềm đất ở khu vực xung quanh, rồi dùng cẩu kéo ống cọc bê tông lên để giải cứu Hạo Nam. Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu, việc cứu hộ, cứu nạn chỉ huy động được máy khoan giếng.

Hai ngày sau khi Hạo Nam gặp nạn, lực lượng Công binh của Quân khu 9 mang theo thiết bị chuyên dụng đến hiện trường, tham gia công tác cứu hộ.

100 giờ cứu hộ cháu Thái Lý Hạo Nam-2
Lực lượng cứu hộ nỗ lực làm xuyên đêm nhưng không thể cứu được bé Hạo Nam. 

Theo một thành viên ban chỉ huy cứu hộ tại hiện trường, các bộ ngành, các chuyên gia đã đưa ra khoảng 10 phương án để chạy đua với thời gian, giải cứu bé Hạo Nam. Cuối cùng, ban chỉ huy họp bàn, chọn phương án được xem là tốt nhất, đó là đóng xuống một lồng thép đường kính 1,6m, dài 19m bọc quanh ống cọc bê tông.

Lực lượng dùng khoan guồng xoắn làm tơi xốp bùn đất bên trong lồng thép, để bơm hút ra ngoài, làm giảm lực ma sát cho ống trụ khi kéo lên. Khi đạt đến độ sâu cần thiết, lực lượng cứu hộ sẽ tròng cáp vào 3 đoạn ống bê tông, dùng thiết bị chuyên dụng kéo ống cọc bê tông lên theo hướng thẳng đứng.

Với phương án trên, sau khi kéo được ống trụ lên mặt đất, lực lượng cứu hộ sẽ cưa, cắt ống bê tông để cứu bé Hạo Nam.

Tại hiện trường, lực lượng cứu hộ đã triển khai theo phương pháp khoan guồng xoắn, sau đó kết hợp cùng phương pháp khoan xoáy nước áp lực lớn. Tuy nhiên, càng xuống sâu, đụng phải nền địa chất rắn chắc, lớp đất sét liên kết chặt nên phương án này gặp khó khăn.

Và sau hơn 100 giờ cứu hộ chạy đua với thời gian, với nhiều phương án được triển khai, đã không có phép màu nào xảy ra. 

100 giờ cứu hộ cháu Thái Lý Hạo Nam-3
Máy khoan xoắn đào sâu đất bên cạnh cọc bê tông. 

Tình huống hi hữu và trách nhiệm thi công

Suốt những ngày qua, vợ chồng anh Thái Văn Tấn Tài (40 tuổi) - chị Nguyễn Thị Mỹ Linh (34 tuổi) thức trắng chờ tin, chờ phép màu đưa con về. Nhưng rồi, điều kỳ diệu đã không xảy ra.

Khi thông tin chính quyền xác nhận con đã tử vong, chị Linh chỉ biết ngồi lặng người trong căn nhà cũ nát ở xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình. Giờ chị chỉ hi vọng, “mong anh chị, cô chú đưa bé về nhà càng sớm càng tốt, chứ đêm lạnh lắm…”.

Chính quyền và chuyên gia pháp y đã có buổi gặp gỡ gia đình để thông báo tình hình. Anh Tài, cha của bé đồng ý với biên bản ghi nhận vụ việc bé Hạo Nam đã tử vong và các phương án cứu nạn bé trai ra khỏi lòng ống trụ bê tông.

Ông Đoàn Tấn Bửu, Phó Chủ tịch tỉnh khẳng định, các lực lượng cứu hộ sẽ đưa bé Hạo Nam lên bằng mọi cách, trong thời gian sớm nhất để lo hậu sự cho cháu. 

Trong quá trình giải cứu, dù nhiều lực lượng nỗ lực, các đơn vị tham gia cứu hộ chạy đua với thời gian, nhưng vẫn gặp khó khăn để xác định vị trí bé Hào Nam mắc kẹt trong đoạn ống trụ bê tông dài 35m.

Nhiều lần cơ quan chức năng đưa ra dự kiến rút ống trụ bê tông lên mặt đất, nhưng thực tế triển khai vẫn có những khó khăn trong công tác cứu hộ khiến việc rút ống chưa thực hiện được.

Giờ đây, sau khi xác định rõ cháu bé đã tử vong, các phương pháp cứu hộ tập trung theo hướng làm sao đưa được cháu lên. 

100 giờ cứu hộ cháu Thái Lý Hạo Nam-4
Công tác cứu hộ gặp khó khăn do nền đất chặt 

Tại hiện trường, các phóng viên cũng đã đặt câu hỏi với ông Đoàn Tấn Bửu, Phó Chủ tịch tỉnh Đồng Tháp về vấn đề trách nhiệm của các đơn vị thi công công trình.

Trả lời, ông Bửu cho biết, chính quyền và các lực lượng đang tập trung các biện pháp cứu hộ, để kết thúc sớm các khâu tại hiện trường và giải quyết khó khăn cho gia đình. Còn về trách nhiệm của cơ quan liên quan đến sự cố công trình này, theo ông Bửu, sẽ được giải quyết theo quy định của luật pháp.

Tuy nhiên, ông Bửu cũng nói thêm, từ khi xảy ra tai nạn, đại diện của chủ đầu tư, đơn vị thi công luôn có mặt tại hiện trường, phối hợp một cách tích cực, điều động lực lượng, thiết bị phục vụ công tác giải cứu.

“Về đảm bảo an toàn công trình, chúng tôi có tìm hiểu và thấy các đơn vị liên quan có che chắn, rào, có gắn cảnh báo, có người trông coi… Tuy nhiên, đây là trường hợp rất hi hữu, rủi ro ngoài ý muốn. Nói gì thì nói, để xảy ra rủi ro này thì phải có trách nhiệm, trước mắt là của đơn vị thi công”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp nói.

Theo Vietnamnet