Hơn 1.000 ngày sống trong "địa ngục nô lệ", Huyên phải đánh đổi bằng máu, nước mắt và những phút giây tưởng như mình đã chết. Với cô, chuyến đi khỏi làng quê đầu tiên năm 18 tuổi đã cướp đi người thân, tình yêu và tuổi trẻ.
5 đứa chúng tôi cứ nắm tay nhau không buông, chạy miệt mài suốt con đường vô định. Không ai biết đã chạy được bao lâu, bao xa. Tới bờ, anh Vinh nắm tay chúng tôi lội từ từ qua sông.
Bên kia bờ, một người bạn của anh đã đợi sẵn rồi tống chúng tôi lên xe vội vã, lao đi vun vút, bỏ mặc lại những dãy nhà tồi tàn, tiếng ồn ào inh óc và cả gương mặt của Hai lúc nhìn tôi trào nước mắt.
Chúng tôi, lúc đó, chỉ nghĩ sau đêm ấy, cánh cửa tương lai sẽ mở ra với tất cả. Tôi, anh Vinh, chị Hường, chị Vân, Toàn,… mỉm cười suốt chặng đường.
Nhưng khi xe tắt máy, dừng lại hẳn. Tất cả nhận ra rằng: Ở nước Nga, không có một cánh cửa thiên đường nào mở ra cho chúng tôi.
Hôm đó, chúng tôi chỉ kịp mua cho mình vài dụng cụ cá nhân, đã bị bắt ngồi vào bàn đạp ngay lập tức. Trong cái đôm mới, tiếng bàn đạp lại vang lên bạch…bạch…bạch… buốt nhức cả đêm. Tôi rùng mình.
Công việc mới ư? Nó vẫn vậy, chỉ là cái "cổng địa ngục" được trang trí đàng hoàng hơn xíu. Chúng tôi cúi đầu làm việc 16 tiếng/ngày, thức dậy và đi ngủ lúc nước Nga tối đen như mực. Một tháng chạy cảnh sát 2 lần và sống chui rúc trong những cái hầm như bọn gián. Nhưng ông chủ ở đây trả lương đủ theo tháng, tôi vui hơn.
5 tờ (500 USD) đầu tiên tôi nhận được sau 8 tháng xa bố mẹ, qua gần 2 cái mùa đông ở Nga. Hôm đó, tôi nhảy cẫng lên vui mừng, tức tốc gửi về cho ba má. Bên điện thoại, ba tôi khóc ròng: "Khổ quá thì về nghen con", tôi phải vội cúp máy, gục xuống bàn, ri rỉ khóc.
14 tháng sau, công an lại ập vào lần nữa, lúc nửa đêm. Ở xưởng mới, công nhân đông hơn. Những người nhanh chân đã nêm chật kín tất cả cửa hầm, để lại bà bầu, tụi nhỏ con đứng trơ trọi.
Tôi cứ đứng như trời trồng giữa xưởng, nghĩ rằng hôm nay sẽ là ngày mình bị tóm. Vào trại dưỡng, rồi trả về Việt Nam khi đi hơn một năm, chỉ kiếm được 500 USD đầu tiên. Hàng xóm sẽ nói gì? Bố mẹ tôi sẽ thất vọng nhường nào? Tôi cứ đứng đó, quẩn quanh trong mớ hỗn độn cho đến khi anh Vinh, chị Hường chạy, kéo tôi chạy đi bằng một cánh cửa khác, "Mày bị ngu à" - anh Vinh thét lên.
Chúng tôi chạy thẳng ra cửa khi viên cảnh sát vừa đẩy vào, vùng ra ngoài rồi cả bọn lại cắm đầu gùi mặt chạy.
Ảnh: NVCC.
Tôi chạy. Chạy. Chạy. Chạy. Chạy cho đến khi hụt hơi, không thở được, đôi chân cứng ngắt. Nhìn xuống, tuyết đã ngập nửa bụng, tê tái. Tôi chẳng còn thấy thân thể này thuộc về mình nữa. Chân tôi giờ đã là hai que củi. Môi tôi giờ đập vào nhau canh cách như hai thanh đá. Tôi nhìn quanh, không ai ở cạnh tôi cả. Tuyết đằng trước, tuyết phía sau, tuyết trên đầu, tuyết trắng xoá cả một khoảng trời dài, chỉ tuyết.
Lúc đó, tôi mới biết rằng mình đã chạy lạc vào cánh đồng phủ tuyết. Dưới làn tuyết nhẹ nhàng, êm ái ấy, những lớp bùn nhão nhoẹt đang bắt đầu túa ra bám lấy tôi không buông. Tôi không còn đủ sức nhấc chân lên nữa. Tuyết càng rơi dày, lấp đầy người tôi mất rồi.
Tôi nghĩ mình sẽ chết lúc đó. Môi tôi. Vai tôi. Da thịt tôi. Cả nước mắt tôi cũng đông cứng trong tuyết. Lần đầu tiên sau một năm rưỡi yêu thích mùa đông ở Nga, tôi nghĩ mình có thể sẽ chết trong nó. Tôi lạnh quá rồi, não cũng tê dại lại. Đêm này, tôi sẽ chết. Cánh đồng rộng phủ đầy sự chết chóc chạy dài gần như vô tận.
Tôi cố dùng 2 bàn tay run rẩy chụm vào nhau để cầm điện thoại, hét lên: "Em ở đây… tới cứu em...". Giọng tôi tuyệt vọng vô cùng, môi đập vào nhau như 2 cục đá và không thể đáp trả tiếng gọi của anh Vinh: "Em ở đâu… Huyên. Em ở đâu… Ở đâu… Huyên, em ở đâu???", anh gần như gào khóc qua điện thoại.
Tôi bấm định vị điện thoại gửi đi rồi nằm vật ra lớp tuyết mềm.
Tôi không biết nữa. Tôi nhớ ba, nhớ má, nhớ chị Hai, nhớ Nam. Tôi chỉ muốn gào lên: "Con xin lỗi, con xin lỗi ba mẹ nhiều…", nhưng tuyết đã đông tôi luôn rồi. Lần đầu tiên tôi nhớ Việt Nam quá, nhớ cái con đường lầy lội trước nhà mỗi khi Nam đưa tôi về vẫn càu nhàu "Sao mãi chưa làm đường?", nhớ cái cổng rào dâm bụt nở hoa đỏ chót mà ba tôi chăm mỗi ngày chờ tôi đi học về.
"Con xin lỗi… Con xin lỗi… Con chết mất… Con muốn trở về Việt Nam để chết…".
Tuyết vẫn rơi, mềm mại, óng ả và tuyệt vọng.
30 phút sau, anh Vinh, chị Hường, chị Vân, Toàn cùng 5-6 người thanh niên tìm thấy tôi. Họ đào tuyết túm chân tôi kéo lên. Rồi họ khuân tôi lên vai, nhấc từng bước thật chậm rãi trên cánh đồng. Tôi mơ màng, thiếp đi.
Hôm đó, tôi được cứu sống. Nhưng cái chân của tôi thì phồng rộp lên vì bỏng tuyết. Tôi phải nghỉ làm cả tuần, quanh quẩn bên 4 bức tường. Vài hôm sau, tỉnh lại, tôi quyết định đi xăm trên cánh tay mình hình 2 con chim bồ câu với ý nghĩa: "Tôi muốn tự do".
Sau cái đêm cảnh sát ập vào, xưởng chúng tôi bị phá. Ông chủ bỏ trốn, quỵt luôn 3 tháng tiền lương cuối cùng của tôi. Tôi lại trở thành kẻ không quần áo, không giấy tờ, không tiền bạc,… vòng vèo đi trên những mùa đông nước Nga.
Một mùa Tết nữa lại trôi qua, tôi khoá facebook, tắt điện thoại, nằm vật ra giường khóc mỗi đêm. Qua Tết, tôi cố tình up vài tấm ảnh vui tươi chụp chỗ này chỗ nọ để chứng minh mình cũng đi chơi Tết. Bạn bè vào comment: "Vui vẻ quá!" , "Thích quá", "Nga đẹp quá", tôi gào lên khóc.
Tôi muốn trở về Việt Nam! Tôi muốn gặp ba má, gặp Lệ, Thảo, gặp Nam! Tôi muốn được ăn khoai lang, xoài xanh đến bội thực. Nhưng đi rồi về, 3 năm chẳng có chút tiền bạc, bố mẹ chắc sẽ đau buồn lắm! Tôi lại cắn răng, niệm chú: "Chừng nào xây nhà được cho ba rồi con về!".
Qua năm, tôi và Nam chia tay. Nam là tuýp người không chịu được cô đơn. Tôi biết điều đó, nên chưa bao giờ trách anh. Hơn một năm sau thì anh có người mới. Tôi cũng nhiều lần muốn nói chuyện với anh rõ ràng. Nhưng rồi thôi. Một đêm, cô gái cả 2 chúng tôi đều quen biết up tấm ảnh lên facebook, cánh tay ấy, lông mày ấy, quen thuộc ấy. Tôi khóc.
Nhưng chuyện tình yêu cũng qua mau thôi. Khi lành lặn vết thương, chúng tôi lại tiếp tục đi tìm xưởng mới, lại ngồi vào máy may 16 giờ/ngày như rô-bốt. Công an vẫn ập đến kiểm tra xưởng mỗi tháng và chúng tôi vẫn sống chui rúc trong hầm như gián.
Qua 3 năm, tôi không còn muốn bỏ chạy nữa. Một đêm, công an ập vào, tôi cứ ngồi chần ra giường, nửa buồn nửa vui… Buồn vì không có tiền đem về cho bá má, nhưng vui vì chỉ cần chịu ở trại vài tháng rồi tôi sẽ được về Việt Nam mà không tốn đồng bạc nào. Tôi ao ước họ bắt tôi đi. Tôi ao ước được trở về Việt Nam.
Nhưng rồi, viên cảnh sát lướt qua tôi như chưa từng thấy tôi tồn tại. Lúc đó, tôi hiểu rằng, họ - những người Nga xa lạ, cũng bắt đầu cảm thấy thương cảm cho cái thân hình ốm yếu, gầy sộp như con tép của tôi. Tối, chị Hường đề nghị với tôi cùng hành bộ sang Ba Lan làm nail. Nhưng tôi một mực từ chối. Tôi ao ước được trở về Việt Nam.
Một ngày cuối năm 2017, tôi gọi face-time về nhà cho ba. Hai ba con trò chuyện vui vẻ. Tôi hứa qua tháng sẽ gửi tiền về sớm để ba mua đồ chơi Tết. Ba khoe năm nay anh Hai ăn nên làm ra cho tiền ba má sắm thêm cái nọ cái kia, "con giữ lấy mà xài". Rồi tự nhiên đầu dây bên kia, ba oà lên khóc như một đứa trẻ.
"Ba nghe chị Hai nói hết rồi. Ba biết hết rồi. Nhưng ba sợ Huyên buồn. Ba không muốn nói. Con muốn về, ba xin Hai cho tiền con về. Con về đây đói khổ ở với ba. Ba không chịu được nữa rồi". Bố nấc lên từng hồi.
Hôm đó, tôi khóc. Khóc tức tưởi. Khóc nghẹn ngào. Khóc như cho trôi chảy hết đi hơn 1.000 ngày ở Nga, cho cơn ác mộng trốn chạy, cho những mùa đông tuyết êm ái, mềm mại từng cắt da cắt thịt tôi. Tôi gật đầu, không thể đáp lại lời nào với ba nữa.
25 Tết, chuyến bay từ Nga đưa tôi về Việt Nam. Háo hức tràn ngập. Trong hành lý của tôi vỏn vẹn 3 bộ đồ, ít bánh kẹo rẻ tiền tôi mua về quê làm quà. 26 Tết, tôi bay từ Hà Nội về sân bay Phù Cát.
Sân bay đông nghịt người thành phố về quê chơi Tết, tay nách xách mang nào quà nào bánh. Hoa mai nở vàng khắp nơi, câu đối đỏ chúc phúc treo lủng lẳng trên những bức tường trắng sáng. Ba đứng giữa dòng người, lọt thỏm.
3 năm, tóc ba đã bạc hết nửa đầu, lưng cong queo, khuôn mặt đã xô đẩy những vết chân chim… Nhưng ba không thể lẫn vào đâu được. Tôi chạy ào tới, ôm chầm lấy ba. Và cứ thế, 2 ba con tôi khóc nấc lên giữa sân bay, đông nghịt.
***
Qua năm sau, chị Hường và anh Vinh cùng nhau sang Ba Lan. Con đường hành bộ, nhồi nhét trên những chiếc xe thép hết ngày này tháng nọ. Nhưng tới cửa khẩu Pelarut họ bị bắt, trả về Việt Nam.
Sau lần ở Nga ấy, tôi và chị Hường vẫn giữ liên lạc. Giờ chị vẫn tiếp tục sang Nga, vẫn làm công nhân xưởng may, nhưng theo dạng trắng (có hợp đồng). Nhiều lần tôi hỏi chị tại sao đã chịu bao đau khổ ở cái bàn may xứ ấy, chị vẫn đi. Chị liền cười trừ: "Vì chị có 2 đứa con không cha". Rồi đứa ở Việt Nam, đứa đang Mát-xcơ-va xa xôi lại khóc.
* Tên nhân vật đã được thay đổi.
Theo Trí Thức Trẻ