Chương trình Trường Teen số mới nhất được phát trên kênh VTV7 đưa ra chủ đề "Có cần hình tượng siêu anh hùng” nhận được sự quan tâm của nhiều bạn trẻ.
Trong đó, các học sinh của trường THPT Kim Liên, Hà Nội thuộc phe ủng hộ quan điểm: “Chúng tôi tin rằng thế hệ trẻ cần những hình tượng siêu anh hùng”.
Đội còn lại gồm 3 học sinh đến từ THPT chuyên Hùng Vương, Phú Thọ đi theo ý kiến phản đối.
Câu nói của Nguyễn Khánh Huyền - thành viên đội phản đối: "Thử hỏi xem, một bên là những siêu anh hùng trải qua bao mùa mưa nắng để giữ sạch đẹp cho đường phố, còn một bên giải cứu thế giới khỏi bàn tay của Thanos. Bạn nghĩ bên nào mới thực tế và đem lại lợi ích cho chúng ta?" đang trở thành tâm điểm chú ý trên mạng.
Theo nữ sinh Phú Thọ, giới trẻ mải mê, yêu thích những siêu anh hùng trên phim mà quên mất ngoài kia còn rất nhiều “anh hùng” thầm lặng đang cống hiến cho đất nước như cô lao công, anh chiến sĩ hay những cầu thủ bóng đá.
Họ cho rằng những hình tượng siêu anh hùng trên màn ảnh khiến thế hệ trẻ mơ mộng và xa rời thực tế, trong khi đời sống cần những tấm gương anh hùng đời thực, người thật việc thật, dù chỉ làm công việc nhỏ bé nhưng có ích cho xã hội.
Câu nói của Nguyễn Khánh Huyền khiến nhiều người nhận xét là so sánh khập khiễng.
Quan điểm của Nguyễn Khánh Huyền hiện nhận nhiều ý kiến trái chiều trong cộng đồng mạng.
Không ít người “ném đá”, cho rằng việc nữ sinh so sánh giữa nghệ thuật và đời thực, đặt các siêu anh hùng và người lao công quét rác lên cùng một bàn cân là khập khiễng.
Alex Pham nói muốn so sánh điều gì thì phải đưa ra những vấn đề trong cùng hệ quy chiếu, cùng một góc nhìn, còn không thì rất khiên cưỡng.
“Nghe luận điểm đưa ra thì có vẻ là lý tưởng sống cao đẹp đấy nhưng đang sai về phương pháp luận trong đặt vấn đề tranh luận”, tài khoản này viết.
“Không bao giờ đánh giá con cá bằng khả năng leo cây. Avengers (biệt đội siêu anh hùng) được tạo ra không phải với mục đích quét rác”, tài khoản King Hoàng nói.
Hồng Hải đồng quan điểm: “So bấp bênh thế nhỉ. So phim viễn tưởng với đời sống, phi thực tế thế. Nếu mà lao công quét rác không có tiền thì liệu họ có quét?".
Khánh Vũ cho rằng phim làm ra để giải trí, vốn đã không có thực. Việc nâng nhân vật đời thực lên để hạ siêu anh hùng trong phim xuống là việc vô nghĩa.
Không chỉ Khánh Huyền, những ví dụ các thành viên khác của THPT Hùng Vương cũng bị cho là "nói hay nhưng xa rời thực tế".
Bên cạnh đó, một số người ủng hộ quan điểm "thẳng thắn", "mới mẻ" cùng cách trình bày tự tin của nữ sinh Phú Thọ.
Nhiều ý kiến cho rằng những người đang công kích 10X cần theo dõi toàn bộ chương trình để thấy được quan điểm, cách tranh luận của hai bên, không nên dựa vào một câu nói được cắt ra mà có cái nhìn thiên lệch.
“Thật buồn khi đứa trẻ có suy nghĩ tiến bộ, trưởng thành lại bị ném đá”, Hùng Thế Vũ bày tỏ.
Tiêu Lập Duy tỏ ý bênh vực: “Chỉ là chương trình hùng biện thôi mà mọi người, thoải mái đi. Nhiều anh hùng vào dạy đời em nó quá. Em nó còn nhỏ mà suy nghĩ được vậy là quá tốt rồi”.
Phan Hoàng Linh nhận định mọi người đang không hiểu ý của Khánh Huyền.
Người này cho rằng nữ sinh Phú Thọ chỉ đang muốn nhấn mạnh vấn đề thanh thiếu niên thần tượng những cái phù phiếm mà không quan tâm đến những điều thực tế ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của mình. Điều đó không có nghĩa nữ sinh có ý công kích những bộ phim hay nhân vật điện ảnh.
Theo Zing