Diễn viên đóng hai vai (sinh đôi, cha con, mẹ con) trong một phim rất phổ biến nhưng nhiều diễn viên Hoa ngữ tự đóng nhiều vai hơn thế với các vai không cùng huyết thống, không mối liên quan. Lưu Hiểu Khánh là ví dụ điển hình.
Trong phim dã sử Lửa Thiêu Cung A Phòng, bà thể hiện ba nhân vật: công chúa Di Cát, kỹ nữ Nhậm Khương, kiếm khách Từ phu nhân (từ trái qua).
Nhờ bàn tay tài nghệ của chuyên gia hóa trang Mao Qua Bình, Lưu Hiểu Khánh năm ấy 41 tuổi dễ dàng hóa thành công chúa ngây thơ tuổi đôi mươi, kỹ nữ tuổi ngoài 30 sành sỏi có cặp mắt sắc, bờ môi gợi cảm hay nữ kiếm khách lão luyện tóc bạc trắng.
Tờ Sina bình luận: "Nếu không nói rõ, khó ai nhận ra ba nhân vật này do cùng một người đóng".
Lưu Hiểu Khánh còn có màn biến hóa đặc sắc hơn nữa ở phim Phượng Hoàng Lửa. Về bản chất, bà chỉ đóng duy nhất vai tiểu thư nhà giàu Phương Doanh Doanh. Nhưng vì nhân vật phẫu thuật gương mặt và cải trang thành nhiều thân phận giả để chạy trốn cuộc truy sát của chồng, Lưu Hiểu Khánh thay hình đổi dạng liên tục thành bảy nhân vật: Phương Doanh Doanh xấu xí vụng về (trái, trên), A Đào xinh xắn dịu dàng (trái, dưới), chị họ San San trải đời (phải, trên), ca kỹ Phượng Hoàng quyến rũ (phải, giữa), Long thiếu gia ngạo nghễ (phải, dưới), ngoài ra còn có Phương Doanh, mẹ Phan.
Với mỗi thân phận, Lưu Hiểu Khánh thay đổi kiểu tóc, cách trang điểm, phục trang, dáng đi, giọng nói, cử chỉ. Bộ phim có 1.000 phân đoạn, mình Lưu Hiểu Khánh chiếm hơn 600 phân đoạn.
Năm 1988, ngôi sao Hong Kong Trần Ngọc Liên cùng lúc đóng ba vai trong phim Anh Hùng Xạ Điêu: Hoàng Dung, Phùng Hoành (mẹ của Hoàng Dung) và Phùng Diễn (em sinh đôi của Phùng Hoành). Bản phim có nhiều biến tấu so với nguyên tác của KIm Dung, hai tuyến vai Phùng Hành - Phùng Diễn là sáng tạo của biên kịch.
Trong Thiên Long Bát Bộ 1997, ngoài vai Vương Ngữ Yên (phải), Lý Nhược Đồng còn đóng Tề Ngự Phong (trái, bà ngoại của Vương Ngữ Yên) và Lý Thanh La (giữa, mẹ của Vương Ngữ Yên). Tề Ngự Phong và Vương Ngữ Yên cùng mang khí chất thần tiên thoát tục, riêng Lý Thanh La sắc sảo và già dặn khác biệt nhất.
Hình ảnh của Lý Thanh La và Vương Ngữ Yên được Lý Nhược Đồng quay riêng rồi ghép chung khung hình. Khí chất khác nhau khiến hai nhân vật như do hai diễn viên đảm nhận.
Vì kinh phí eo hẹp, phim Tây Du Ký 1986 dùng một diễn viên đóng nhiều vai. Ngoài vai Trư Bát Giới, nghệ sĩ Mã Đức Hoa đóng Độc Giác Quỷ Vương, người dân nhà Đường... Nghệ sĩ Diêm Hoài Lễ đảm nhận vai Sa Tăng, Ngưu Ma Vương, Thái Thượng Lão Quân, Thiên Lý Nhãn...
Ở phim A Seven-Faced Man (làm lại từ phim 'Heal Me, Kill Me' của Hàn Quốc), Trương Nhất Sơn đóng nhân vật mắc bệnh đa nhân cách, có bảy nhân cách cùng tồn tại. Mỗi nhân cách một hình hài, cá tính được anh thể hiện rành mạch. Thú vị nhất là nhân cách chàng trai ẻo lả. Xem phim, nhiều người bày tỏ nể phục và ngưỡng mộ nam diễn viên.
Trong Tam Sinh Tam Thế Thập Lý Đào Hoa bản điện ảnh, Lưu Diệc Phi đóng ba vai: Ty Âm mạnh mẽ quả cảm, Bạch Thiển uy nghi lạnh lùng, Tố Tố dịu dàng (từ trái qua).
Tương tự ở Tam Sinh Tam Thế Thập Lý Đào Hoa bản truyền hình, Dương Mịch một mình đảm đương bốn vai: Bạch Thiển (trái, trên), Ty Âm (phải, trên), Tố Tố (trái, dưới) và Huyền Nữ (phải, dưới). Trong đó, Ty Âm bản chất là Bạch Thiển cải trang nam nhi để đi học. Ngoài ra, cô còn thể hiện hình ảnh tượng gỗ giống y hệt Bạch Thiển.
Trong Tiên Kiếm Kỳ Hiệp Truyện 3, Hồ Ca đóng bốn vai: Cảnh Thiên (trái, trên), Phi Bồng (phải, trên), Long Dương (trái, dưới) và Lý Tiêu Dao. Tuy tạo hình không khác nhau nhiều, mỗi nhân vật được khắc họa cá tính, khí chất khác biệt.
Tuy chưa từng đóng nhiều vai trong một phim, Thư Sướng tám lần đóng hai vai giống hệt nhau trong tám phim Long Châu Truyền Kỳ Chi Vô Gian Đạo, Cung Tỏa Châu Liêm, Điện Thoại Ma Ám 2, Kê Tường Như Ý, Đầu Bếp Làm Quan, Khi Tình Yêu Đến, Song Thành Luyến Tấu, Mùa Gió Thổi Tuyết Bay. Nổi bật nhất là phim Cung Tỏa Châu Liêm, cô đóng hai chị em sinh đôi một ác (trái) một tốt (phải). Trang KK News ví Thư Sướng như có hai nhân cách trong một con người mới có thể phân chia diễn xuất như vậy.
Theo Ngôi Sao