167 bệnh được thông cấp chuyên sâu, cơ bản, người dân chỉ cần đi tay không

Bộ Y tế ban hành 167 bệnh được thông cấp cơ bản, chuyên sâu mà không cần giấy chuyển tuyến. Bệnh nhân có thể đi tay không đến cơ sở khám chữa bệnh 2 cấp này vẫn được 100% mức hưởng BHYT trong phạm vi quy định.

Bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế), nhấn mạnh tại Hội nghị triển khai Thông tư 01 về bảo hiểm y tế, diễn ra ngày 2/1.

Chia sẻ về những điểm mới của Thông tư này, bà Trang cho biết điểm đáng chú ý của Thông tư là 3 danh mục gồm: 62 bệnh, nhóm bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao được lên thẳng bệnh viện cấp chuyên sâu; 105 bệnh, nhóm bệnh được khám chữa tại cơ sở cấp cơ bản.

Theo bà Trang, tổng cộng có 167 bệnh được thông cấp cơ bản. "Người bệnh chỉ cần cầm điện thoại, thậm chí ai có trí nhớ tốt chỉ cần ghi nhớ mã số thẻ BHYT, có thể đi tay không đến cơ sở khám chữa bệnh, vẫn được hưởng tối đa quyền lợi BHYT trong phạm vi được hưởng như đi đúng trình tự", bà Trang nói.

Hiện người tham gia BHYT có 3 mức hưởng gồm: 80%-95% và 100%. Nếu được hưởng 100% trong phạm vi quy định thì người bệnh vẫn phải đồng chi trả 20%-5%.

Vì sao chỉ lựa chọn 62 bệnh được thông cấp chuyên sâu?

Lãnh đạo Vụ Bảo hiểm y tế cũng giải thích nguyên tắc chỉ lựa chọn 62 bệnh thuộc nhóm bệnh hiếm, hiểm nghèo, bệnh cần phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao được lên thẳng cấp chuyên sâu.

Theo đó, một số bệnh đáp ứng nằm trong nhóm bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, nhưng cơ sở khám chữa bệnh cấp cơ bản, ban đầu chưa thể triển khai chủ động, toàn diện, đặc biệt là với điều kiện về trang thiết bị, nhân lực, kinh nghiệm điều trị, khi đó mới được lên cấp chuyên sâu. 

Bên cạnh đó, việc lựa chọn các bệnh được lên cấp chuyên sâu cũng cần đảm bảo tránh tình trạng quá tải cấp cao hơn và cân đối Quỹ BHYT.

Theo bà Trang, nếu toàn bộ danh mục bệnh ung thư, hay bệnh không lây nhiễm (tăng huyết áp, đái tháo đường) được thông toàn bộ lên cấp chuyên sâu thì “bảo đảm chắc chắn quá tải tuyến trên vì chỉ có ít bệnh viện chuyên sâu, trong khi mặt bệnh đó có hàng nghìn mã bệnh" (ví dụ bệnh ung thư có khoảng 1.000 mã bệnh theo ICD-10 chi tiết tới 4 ký tự).

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, Việt Nam hiện có khoảng 354.000 người sống chung với ung thư. Trong khi đó, bệnh lý đái tháo đường có gần 5 triệu người Việt mắc phải.

Nếu "thông cấp chuyên sâu" toàn bộ các bệnh này mà không phân luồng theo mức độ, tình trạng, tính chất chuyên môn theo đại diện Bộ Y tế sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của hàng nghìn bệnh nhân nặng khác.

167 bệnh được thông cấp chuyên sâu, cơ bản, người dân chỉ cần đi tay không-1
Thầy thuốc Bệnh viện K, cơ sở cấp chuyên sâu, giải thích, chia sẻ với người nhà bệnh nhân ung thư. Ảnh: Thạch Thảo

 Do đó, với bệnh lý đái tháo đường, bệnh nhân để được lên thẳng cấp chuyên sâu phải đáp ứng một số điều kiện.

Đơn cử, người bệnh phụ thuộc insuline (mã E10.7) có biến chứng loét bàn chân độ 2 hoặc có bệnh thận mạn giai đoạn 3 trở lên hoặc có ít nhất 2 trong số các biến chứng: tim mạch, mắt, thần kinh, mạch máu.

Bệnh nhân không phụ thuộc insuline (mã E11.7) có biến chứng loét bàn chân độ 2 hoặc có bệnh thận mạn giai đoạn 3 trở lên.

 141 bệnh, nhóm bệnh được chuyển viện trong thời hạn 1 năm kể từ ngày ký phiếu

Thông tư 01 cũng quy định chi tiết danh mục 141 bệnh, nhóm bệnh được chuyển cơ sở khám chữa bệnh trong thời hạn 1 năm kể từ ngày ký phiếu chuyển thay cho việc giấy chuyển hết giá trị sử dụng khi kết thúc năm dương lịch. Trường hợp hết thời hạn của phiếu chuyển cơ sở mà người bệnh vẫn đang trong lần khám chữa bệnh và cần tiếp tục điều trị tại cơ sở thì phiếu chuyển có giá trị sử dụng đến hết đợt điều trị đó.

Theo bà Trang, trước đây danh mục bệnh chuyển tuyến 1 năm/lần gồm 62 bệnh, nay danh mục này bao gồm 141 bệnh, tăng 79 bệnh. Ngoài ra, nếu trước đây giấy chuyển cơ sở khám chữa bệnh này có giá trị hết năm dương lịch, nghĩa là nếu người bệnh xin giấy chuyển tuyến ngày 1/12 hay 1/1 của năm đó thì đến ngày 31/12 giấy chuyển tuyến đã hết hiệu lực, người dân phải xin cấp lại.

Theo quy định mới, giấy chuyển viện này sẽ có giá trị trong vòng 12 tháng kể từ ngày ký. "Nghĩa là nếu người bệnh xin giấy chuyển viện năm từ ngày 1/12 thì được dùng đến hết ngày 1/12 năm sau", bà Trang giải thích và cho rằng quy định mới này giúp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh các tuyến, người bệnh được tiếp cận và điều trị kịp thời một số bệnh cần chuyên môn sâu mà cơ sở cấp cơ bản, cấp ban đầu chưa đủ điều kiện triển khai.

Bệnh nhân tăng huyết áp (mã I10) sẽ được hưởng quyền lợi này với điều kiện có chỉ định phẫu thuật hoặc can thiệp hoặc giai đoạn nặng hoặc có từ 2 biến chứng; bệnh nhân thoái hóa khớp háng/ khớp gối hay khớp cổ - bàn ngón tay cái phải ở giai đoạn 3, giai đoạn 4 mới được hưởng quyền lợi.

Trong khi đó, bệnh vảy nến, lupus ban đỏ, viêm da dạng herpes, hen (suyễn)... không cần điều kiện, tình trạng bệnh đi kèm vẫn được hưởng quyền lợi. 

Theo Vietnamnet

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vietnamnet.vn/167-benh-duoc-thong-cap-co-ban-chuyen-sau-nguoi-dan-chi-can-di-tay-khong-2359232.html

bộ y tế

Tin tức mới nhất