Khoảng 18h ngày 25/5, tại căn nhà 7 tầng, 1 tum cho thuê ở số 12 ngõ 523 Kim Mã, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình (Hà Nội) xảy ra vụ tai nạn thang máy khiến 2 thợ sửa chữa thang máy là anh P.Q.K. (SN 1984, ở xã Tòng Bạt, Ba Vì, Hà Nội) và anh N.D.C. (SN 1993, ở xã Sơn Đà, Ba Vì) tử vong.
Tại thời điểm cứu nạn, cứu hộ, công trình đang trong quá trình cải tạo, sửa chữa. Theo thông tin ban đầu từ Công an quận Ba Đình, sự cố xảy ra là do trượt cáp trong quá trình sửa chữa thang máy tại công trình khiến cabin rơi xuống hố pit.
Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCN có mặt tại hiện trường vụ rơi thang máy khiến 2 công nhân tử vong tại quận Ba Đình, Hà Nội
Sau khi vụ tai nạn thang máy xảy ra, nhiều người băn khoăn về trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong sự việc.
Về vấn đề này, TS. luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, đây là một vụ tai nạn đáng tiếc, cơ quan chức năng sẽ vào cuộc xác minh, làm rõ nguyên nhân sự việc, làm cơ sở xác định trách nhiệm pháp lý của các bên có liên quan theo quy định của pháp luật.
Theo luật sư Cường, cơ quan chức năng sẽ làm rõ việc sửa chữa nhà và lắp đặt thang máy của chủ nhà có giấy phép hay không, có theo đúng thiết kế hay không, để xem xét trách nhiệm của chủ đầu tư trong vụ việc này.
"Trường hợp việc sửa chữa, lắp đặt thang máy không đúng với thiết kế, việc sửa chữa không có giấy phép theo quy định pháp luật, chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Còn việc sửa chữa nhà, lắp đặt, sửa chữa thang máy không vi phạm pháp luật về xây dựng, thực hiện đúng thiết kế, có sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền, cơ quan chức năng sẽ xem xét trách nhiệm của đơn vị thi công", ông Cường phân tích.
Luật sư Cường cũng cho rằng, cần làm rõ các công nhân này có hợp đồng lao động hay không, việc thực hiện nhiệm vụ có đúng chuyên môn hay không.
Trường hợp có căn cứ cho thấy có hành vi vi phạm quy định về an toàn lao động như người lao động không có chuyên môn, chứng chỉ phù hợp, không được tập huấn kỹ năng cần thiết để thực hiện công việc, không được trang bị các thiết bị đảm bảo an toàn, dẫn đến vụ tai nạn xảy ra, cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự về tội "Vi phạm quy định về an toàn lao động" theo điều 295 Bộ luật Hình sự.
Khi đó, tổ chức cá nhân vi phạm quy định về an toàn lao động sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Cụ thể, phạm tội thuộc trường hợp làm chết 2 người sẽ bị phạt tù từ 3- 7 năm.
"Trường hợp kết quả xác minh của cơ quan chức năng cho thấy vụ tai nạn xảy ra là nguyên nhân khách quan, không thể lường trước được thì sẽ không khởi tố vụ án hình sự. Tuy nhiên, dù có xử lý hình sự hay không thì đơn vị sử dụng lao động cũng phải có trách nhiệm thực hiện các thủ tục để bồi thường thiệt hại cho người thân của 2 nạn nhân theo quy định về tai nạn lao động", luật sư Cường nêu quan điểm.
Nếu hai nạn nhân tham gia bảo hiểm xã hội, cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm chi trả chế độ trợ cấp tai nạn lao động theo quy định tại Điều 53 Luật Bảo hiểm xã hội 2014.
Theo đó, thân nhân người lao động được hưởng trợ cấp một lần bằng 36 lần mức lương cơ sở tại tháng người lao động bị chết và được hưởng chế độ tử tuất theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội khi người lao động đang làm việc bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Hồ sơ hưởng chế độ tử tuất trong trường hợp người lao động bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 111 của Luật Bảo hiểm xã hội.
Theo Giao Thông