Hành vi phạm tội làm mất niềm tin trong nhân dân

Tại phần đối đáp phiên xét xử vụ án "chuyến bay giải cứu" sáng 21/7, đại diện Viện kiểm sát (VKS) đánh giá hành vi phạm tội của Phạm Trung Kiên, cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế, trong thời điểm dịch Covid-19 đã làm mất đi ý nghĩa tốt đẹp, chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước trên các chuyến bay giải cứu, chuyến bay combo, làm mất niềm tin trong nhân dân, ảnh hưởng nghiêm trọng uy tín cơ quan nhà nước. 

VKS cho rằng, trước khi Kiên khai nhận tiền của Phạm Hồng Quang và Phạm Thị Thanh Nhã, cơ quan điều tra đã tiến hành sao kê toàn bộ tài khoản của những người này và biết được dòng tiền chuyển vào tài khoản của Kiên chứ không phải chờ Kiên khai ra, do vậy không thể áp dụng tình tiết giảm nhẹ (tự thú) đối với Kiên.

Trong suốt quá trình điều tra, Kiên không thừa nhận hành vi phạm tội của mình, gây khó khăn cho hoạt động điều tra, giải quyết vụ án. Kiên một mực cho rằng số tiền nhận của doanh nghiệp là vay mượn cá nhân. 

Trong 13 buổi đối chất với 13 doanh nghiệp, Kiên vẫn khẳng định đây là tiền vay mượn cá nhân còn doanh nghiệp khai nhận đây là số tiền hối lộ cho Kiên. 

Sau này, khi Viện kiểm sát vào làm việc, động viên Kiên mới khai nhận hành vi phạm tội của mình như cáo trạng đã nêu, do vậy không có căn cứ để áp dụng tình tiết giảm nhẹ là tích cực phối hợp với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án.

253 lần nhận hối lộ, cựu thư ký Thứ trưởng cãi là vay mượn cá nhân-1
Đại diện Viện kiểm sát trong phiên xét xử "chuyến bay giải cứu" (Ảnh: Nguyễn Hải).

Về quan điểm của các luật sư cho rằng Phạm Trung Kiên không có chức vụ, quyền hạn, không rõ được làm gì khi vụ án xảy ra nên cần xem xét giảm nhẹ hình phạt, Viện kiểm sát đối đáp như sau: Ngày 19/12/2019 Văn phòng Bộ Y tế có văn bản số 1268 gửi Vụ Trang thiết bị và công trình y tế về việc biệt phái Thạc sĩ Phạm Trung Kiên đảm nhiệm công tác thư ký giúp việc Thứ trưởng.

Tại biên bản làm việc ngày 13/3/2022, Văn phòng Bộ Y tế có cung cấp thông tin do chức danh giúp việc cho Thứ trưởng chưa được quy định chính thức nên nhiệm vụ của Phạm Trung Kiên chủ yếu là tiếp nhận văn bản thông thường của bộ phận văn thư để chuyển báo cáo Thứ trưởng và làm các nhiệm vụ khác do lãnh đạo phân công trực tiếp. 

Trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 Thứ trưởng Bộ Y tế là một trong các Phó trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19.

Trong tổ công tác bốn bộ, năm bộ thì Bộ Y tế đóng vai trò rất quan trọng, khi cho ý kiến về việc cấp phép các "chuyến bay giải cứu" theo đề nghị của Bộ Ngoại giao. 

Vì vậy Kiên là người có chức vụ, quyền hạn và trực tiếp tham gia vào chuỗi quy trình cấp phép chuyến bay; nếu Kiên không thực hiện đúng quy trình hoặc khi có phê duyệt của Thứ trưởng nhưng giữ lại chậm đóng dấu gửi Bộ Ngoại giao sẽ ảnh hưởng lớn đến thời hạn cấp phép chuyến bay của doanh nghiệp. 

"Chỉ cần chậm 1-2 ngày thì doanh nghiệp đã không thực hiện được chuyến bay, chưa nói đến việc giữ văn bản lại không đóng dấu sẽ khiến doanh nghiệp mỏi cổ chờ mong", đại diện Viện kiểm sát nói.

Thủ đoạn che giấu hành vi phạm tội

Trong vụ án này rất nhiều bị cáo là doanh nghiệp sợ nếu không gặp gỡ đưa tiền thì Kiên sẽ gây khó khăn trong việc trả văn bản và trên thực tế cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế đã gây sức ép buộc doanh nghiệp đưa tiền theo yêu cầu.

253 lần nhận hối lộ, cựu thư ký Thứ trưởng cãi là vay mượn cá nhân-2
Bị cáo Phạm Trung Kiên được dẫn giải đến phiên xét xử (Ảnh: Nguyễn Hải).

Quan điểm của luật sư về việc không đồng tình với VKS khi cho rằng Kiên nhận hối lộ với thủ đoạn công khai, trắng trợn, gây khó khăn cho doanh nghiệp là chưa phù hợp, căn cứ vào đâu, dựa vào chứng cứ nào?

Đối với nội dung này VKS đối đáp: Phạm Trung Kiên không chỉ có hành vi yêu cầu, đòi hỏi, thỏa thuận với các doanh nghiệp phải đưa tiền mà sau khi vụ án bị khởi tố Kiên đã gọi điện nhờ một số doanh nghiệp xác nhận tiền chuyển cho Kiên là vay mượn dân sự nhằm che giấu hành vi phạm tội.

Theo tài liệu điều tra có tổng cộng 19 doanh nghiệp đưa tiền cho Kiên. Trong đó, 12/19 doanh nghiệp bị Kiên yêu cầu đưa tiền từ 150 đến 200 triệu đồng/chuyến bay được cấp phép và 1 đến 2 triệu đồng/khách lẻ về nước.

Trên sao kê tài khoản của Kiên về số tiền 12 tỷ đồng chuyển lại cho các doanh nghiệp khi hành vi phạm tội bị phát hiện thì tất cả các khoản đều ghi là trả nợ hoặc chuyển khoản trả tiền vay.

Song trên thực tế số tiền này là Kiên đã nhận hối lộ, không phải có quan hệ hợp tác, kinh doanh hay vay mượn. 

"Với những chứng cứ mà Viện kiểm sát đã nêu thì hành vi nhận hối lộ của Kiên có phải là thủ đoạn công khai, trắng trợn hay không, gây khó khăn hay không thì chúng tôi nghĩ rằng các luật sư ngồi đây và bị cáo đều rõ vấn đề này. Do đó Viện kiểm sát vẫn giữ nguyên đánh giá này đối với bị cáo Kiên", đại diện VKS nói.

Tại phần luận tội trước đó, Viện kiểm sát khẳng định, bị cáo Phạm Trung Kiên, cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế nhận hối lộ trắng trợn nhất và nhiều nhất với 253 lần nhận, tổng số 42,6 tỷ đồng.

Đại diện Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Kiên tử hình về tội "Nhận hối lộ", đồng thời buộc bị cáo Kiên nộp lại toàn bộ số tiền đã nhận hối lộ.

Theo Dân Trí