Một bữa sáng chất lượng không chỉ đem lại cho chúng ta thể lực dồi dào, mà còn khiến tâm hồn thư thái, tinh thần phấn chấn. Không chỉ vậy, bữa sáng lành mạnh còn giúp chúng ta tăng cường hệ miễn dịch đồng thời có tác dụng kéo dài tuổi thọ.
Hầu hết chúng ta đều hiểu rõ, bữa sáng là bữa ăn trọng yếu trong ngày. Nhưng thưởng thức bữa sáng khoa học và hiệu quả nhất lại không phải là điều mà ai cũng biết.
Thậm chí, nếu ăn sai cách, bữa sáng sẽ phản tác dụng và kéo theo nhiều hệ lụy nguy hiểm.
1. Không ăn sáng quá sớm
Do cuộc sống quá bận rộn, không ít người có thói quen dậy sớm và thực hiện bữa ăn đầu tiên trong ngày từ lúc 5, 6h sáng và cho rằng cách ăn này có thể bổ sung năng lượng tốt nhất cho cơ thể sau một đêm tiêu hao dinh dưỡng.
Trên thực tế, đây lại là một thói quen không hề tốt. Khi cơ thể chìm vào giấc ngủ, các cơ quan bên trong cũng bắt đầu trạng thái nghỉ ngơi.
Đây cũng là lúc mức độ co bóp của dạ dày giảm đi rõ rệt, việc tái sinh tế bào trong niêm mạc dạ dày không diễn ra một cách thuận lợi.
Ăn đêm hay ăn sáng quá sớm đều khiến cho cơ quan này đi chệch với quỹ đạo sinh học. Việc ăn sáng lúc 5, 6h sáng hoặc sớm hơn sẽ làm ảnh hưởng đến khung giờ nghỉ ngơi của dạ dày, ép dạ dày làm việc quá sớm và lâu dài sẽ kéo theo những tổn thương nghiêm trọng.
Theo các chuyên gia sức khỏe, thời điểm lý tưởng nhất để ăn bữa sáng là khoảng thời gian từ 6:30 – 8: 30. Thưởng thức bữa sáng trong thời gian này đặc biệt có lợi cho sức khỏe, phù hợp với đồng hồ sinh học của cơ thể và hình thành cho chúng ta quy luật làm việc, nghỉ ngơi hợp lý.
Ăn sáng quá sớm là một trong những lý do khiến sức khỏe của bạn bị "rút lõi" nhanh chóng. (Ảnh minh họa).
2. Không bạ đâu ăn đấy
Ngày nay, với nhịp sống bận rộn và "vội vàng", nhiều người thường có thói quen "giải quyết" bữa sáng bằng những món ăn bán ở ven đường, sau đó tranh thủ ăn ngay trên đường đi làm.
Trong khi đó, họ không hề biết rằng hầu hết mọi bệnh tật đề "từ miệng mà vào", cũng không lường tới việc những món ăn đó khó có thể kiểm định vệ sinh an toàn.
Hơn nữa, trong quá trình vừa đi vừa ăn một cách vội vàng, những món ăn này có thể nhiễm các loại bụi, khói xe, thậm chí bị các chất độc hại trên túi nilon bám vào, gây nên nhiều mối nguy hại ngầm đối với sức khỏe.
Bởi vậy, các chuyên gia sức khỏe kiến nghị mọi người dù có bận rộn tới đâu cũng nên sắp xếp thời gian tự mình làm bữa sáng, ăn sáng ở những nơi vệ sinh, sạch sẽ.
Thưởng thức một bữa sáng như vậy không chỉ đảm bảo an toàn mà còn giúp chúng ta có cảm giác thư thái.
Tự chuẩn bị bữa sáng ở nhà vừa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm vừa đầy đủ chất dinh dưỡng.
3. Không lặp lại những bữa sáng giống nhau
Do những hiểu biết về dinh dưỡng và thói quen sinh hoạt khác nhau, không ít người có thói quen lặp đi lặp lại một bữa sáng giống nhau cho mọi ngày.
Người phương Tây cho rằng bánh kem và trứng gà là khẩu phần bữa sáng chứa hàm lượng dinh dưỡng cao nhất, người Trung Quốc lại thích ăn cháo và bánh bao để bắt đầu một ngày mới "thanh đạm", nên họ hình thành thói quen sáng nào cũng chỉ ăn một đến hai loại thực phẩm cố định.
Kỳ thực, việc ăn liên tục những món ăn giống hệt nhau vào buổi sáng không chỉ gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực, mà còn không đủ để thỏa mãn nhu cầu dinh dưỡng phong phú, đa dạng của cơ thể.
Chìa khóa cho một bữa sáng chất lượng không nằm ở hàm lượng dinh dưỡng cao bao nhiêu, mà cốt lõi là phải cân bằng dinh dưỡng. (Ảnh minh họa).
Các chuyên gia sức khỏe đặc biệt khuyên chúng ta cần chú ý phối hợp dinh dưỡng cân đối cho bữa sáng. Bên cạnh việc ăn các thực phẩm giàu protein, ta cũng nên bổ sung chất xơ từ rau quả cho bữa ăn đầu tiên trong ngày.
Hơn nữa, ta không nên lặp đi lặp lại vài món ăn mà cần thường xuyên thay đổi thực đơn cho bữa sáng để phù hợp với khẩu vị và làm phong phú nguồn dinh dưỡng cung cấp cho cơ thể.
Theo Trí thức trẻ