Trình diễn Quốc phục ở mỗi cuộc thi nhan sắc là phần thi được khán giả mong chờ nhất. Bởi lẽ, Quốc phục là trang phục thể hiện rõ nhất những tinh hoa văn hóa dân tộc của mỗi đất nước. Ngày nay, các thiết kế lại ngày càng sáng tạo đem đến cho khán giả những cái nhìn mãn nhãn và không khỏi trầm trồ.
Tuy nhiên, bên cạnh những tác phẩm gây được tiếng vang với sự đầu tư, sáng tạo phong phú thì cũng có những thiết kế gây nên tranh cãi gắt gao. Điển hình nhất là mới đây, bản vẽ Quốc phục "Cầu Tõm" dự thi Miss International Queen - Hoa hậu Chuyển giới Quốc tế của Trân Đài bị "ném đá" không ngớt.
Tác phẩm "Cầu Tõm" gây tranh cãi
Chủ nhân bản vẽ - Út Lành (sinh năm 2004) cho hay cô muốn truyền tải một nét văn hoá rất riêng trong đời sống của người Việt Nam từ xa xưa đến nay:
"Tôi biết ý tưởng này táo bạo nhưng 'Cầu Tõm' là một phần ký ức của những người dân sinh sống vùng quê, đặc biệt ở miền Tây. Chưa kể, 'Cầu Tõm' từng đi vào thơ ca ở khu vực Hà Nam Ninh (nay là Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định) và gắn liền với giai thoại '9 củ thành 10' vẫn lưu truyền đến ngày nay".
Về hình thức, trang phục sử dụng một mô hình bằng gỗ. Bên dưới là phần tà được xử lý như dòng nước với các chú cá, tái hiện đúng hình ảnh "cầu tõm" ở thôn quê. Khi trình diễn, người mặc tháo gỡ phần mô hình, để lộ bodysuit gợi cảm bên trong.
Nhìn tổng thể, trang phục cũng khá độc đáo nhưng ý nghĩa thì bị phản đối kịch liệt. Đa phần cho rằng bộ trang phục trông kém duyên, thậm chí là khá "mất vệ sinh", "đi ẻ mà cũng thành văn hóa dân tộc". Không phải cái gì cũng lên ý tưởng để mang đi trình diễn ở một cuộc thi nhan sắc quốc tế được.
Trước đó, cũng có một thiết kế bị cộng đồng mạng bàn tán xôn xao chính là "Bàn Thờ" mang dự thi Miss Universe 2019. Ngay khi bản vẽ trình làng, nhiều người cũng tỏ ra "hốt hoảng", khá sợ sệt.
Tác giả của "Bàn Thờ" là Phạm Quang Minh cũng phải thừa nhận bộ trang phục hơi lố nhưng vẫn khẳng định nó vẫn mang nét đẹp truyền thống của dân tộc Việt Nam.
Về phía Hoàng Thuỳ - đại diện Việt Nam dự thi Miss Universe, cô cho biết: "Ngay khi nhìn thấy thiết kế trang phục Thuỳ đã rất sốc".
Ngoài ra, một bộ Quốc phục khác cũng gây xôn xao cõi mạng mang tên "Miss Cai Lậy". Thiết kế được lấy cảm hứng từ hiện tượng mạng xã hội đình đám tên là Minh Hiếu, hay còn được gọi là "Cô Ba Minh Hiếu". Cô thuộc giới LGBT và nổi tiếng nhờ clip đeo vàng, cầm tiền múa đường quyền được nhiều sao Việt "cover".
Bộ trang phục với điểm nhấn là 7 quyển sổ đỏ tượng trưng cho 7 miếng đất mà cô Minh Hiếu sở hữu. Thiết kế cũng có tông màu vàng chủ đạo với phụ kiện vòng vèo xung quanh. Ý tưởng khá mới mẻ song thực sự vẫn chưa thể hiện được nét đẹp văn hóa Việt.
LIM
Theo Vietnamnet