Những người có hệ tiêu hóa nhạy cảm cần lưu ý không uống nước chanh hàng ngày, nhất là lúc bụng đói vì ảnh hưởng trực tiếp đến dạ dày.
Chanh tươi là loại quả được khuyến khích dùng, đặc biệt là trong ngày hè nắng nóng bởi nó chứa nhiều vitamin C và vitamin khác rất cần thiết cho sức khỏe.
Chanh rất giàu chất chống oxy hóa là vitamin C, được biết đến với vai trò hỗ trợ chức năng miễn dịch khỏe mạnh, giúp kích thích não bộ và thần kinh chức năng, đồng thời kiểm soát huyết áp.
Nước chanh có thể làm giảm nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp, ngăn ngừa cúm và cảm lạnh bởi acid ascorbic (vitamin C) tìm thấy trong chanh có tác dụng chống viêm và được sử dụng để hỗ trợ bổ sung khi điều trị các triệu chứng bệnh đường hô hấp và bệnh hen suyễn…
4 điều cần tuyệt đối tránh khi sử dụng chanh tươi
- Không uống trực tiếp nước cốt chanh đậm đặc: Vì chanh có hàm lượng axit rất cao nên khi uống phải pha với nước, nếu uống trực tiếp có thể sẽ làm hại dạ dày, tăng nguy cơ viêm loét dạ dày và đường tiêu hóa.
- Không pha nước cốt chanh với nước quá lạnh hoặc quá nóng: Nước lạnh pha với chanh khi uống có thể gây sốc cho cơ thể.
Ngược lại, nếu pha với nước nóng có thể làm cho các enzym có lợi trong chanh bị phá vỡ, không đem lại hiệu quả khi uống. Bạn chỉ nên pha chanh với nước ấm vừa đủ, bằng với thân nhiệt của cơ thể mới có tác dụng giảm mỡ, không ảnh hưởng đến dạ dày.
- Không uống nước chanh khi đang đói: Nên uống nước chanh sau khi ăn khoản 30 phút để tiêu hóa thức ăn tốt hơn. Uống nước chanh khi đang đói dễ khiến cho đường tiêu hóa bị tổn thương, đặc biệt là gây đau quặn dạ dày.
- Ngoài ra, những người âm hàn (thiếu dương khí), bị lạnh trong người, người bị đau dạ dày... không nên uống nước chanh vì có thể khiến cho cơ thể thêm lạnh và dễ bị cảm hàn, hoặc có thể sẽ làm đau dây thần kinh, làm cứng các khớp ngón tay, nhiễu loạn đường tiêu hóa, gây đau bụng...
Nên uống nước chanh thế nào để tốt cho sức khỏe?
Các nhà dinh dưỡng khuyên bạn nên sử dụng từ 2-3 trái chanh (khoảng 4-6 muỗng canh nước cốt chanh) trong ngày nếu không có bệnh lý cần hạn chế.
Khi uống nước chanh nên pha loãng với nước ấm nhưng không quá 1,5 lít nước chanh mỗi ngày và uống rải rác trong ngày, xen kẽ với nước lọc và các loại đồ uống lành mạnh khác.
Nên uống nước chanh vào giữa các bữa ăn là tốt nhất. Chanh có tính axit cao, có thể ăn mòn men răng và làm hỏng răng của bạn. Vì vậy, hãy uống nước chanh qua ống hút để nước chanh tiếp xúc với răng của bạn ít hơn.
Những người có hệ tiêu hóa nhạy cảm cần lưu ý không uống nước chanh hàng ngày, nhất là lúc bụng đói vì ảnh hưởng đến dạ dày.
Lưu ý: Một lỗi phổ biến mà hầu hết mọi người đều mắc phải khi uống nước chanh là vứt bỏ vỏ. Trong khi, vỏ chanh là một trong những phần bổ dưỡng nhất của toàn bộ loại quả này.
Thay vì bỏ vỏ chanh, hãy thái lát chanh hoặc dùng máy sinh tố để nghiền cả quả khi pha chế.
Theo Sức Khỏe Đời Sống