Nguyên nhân gây ra nếp nhăn khi ngủ
Nếp nhăn xuất hiện là do mất collagen, độ đàn hồi và giảm thể tích da. Khi ngủ lưu lượng máu trên da tăng lên, nhờ đó có thể giúp tái tạo collagen, sửa chữa những tổn thương do ban ngày tiếp xúc với tia cực tím, tạo ra các tế bào da mới, giúp làn da tươi trẻ, từ đó giúp giảm nếp nhăn và quầng thâm.
Tuy nhiên, một vài thói quen khi ngủ có thể làm tăng nguy cơ tạo thành nếp nhăn trên khuôn mặt:
- Tư thế ngủ.
- Chất lượng và kiểu dáng vỏ gối.
- Không dùng kem dưỡng ẩm.
Ngoài ra, việc thức khuya, thiếu ngủ cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến hình thành nếp nhăn trên khuôn mặt.
Các cách ngăn ngừa nếp nhăn khi ngủ
Tư thế nằm ngủ
Tư thế nằm ngủ cũng ảnh hưởng đến việc hình thành các nếp nhăn trên khuôn mặt. Việc tạo áp lực lặp đi lặp lại (như ngủ với một bên mặt trên gối) tại cùng một vị trí có thể dẫn đến các nếp nhăn trên mặt.
Ngủ sấp hoặc nằm nghiêng sẽ tạo áp lực liên tục lên khuôn mặt. Theo thời gian, thói quen này có thể tạo ra những nếp nhăn không mong muốn.
Ảnh minh họa
Nên: Nằm ngửa khi ngủ để không tạo bất kỳ áp lực nào lên mặt. Có thể luyện tập và làm quen cách ngủ ngửa bằng việc sử dụng gối chèn xung quanh: Dưới đầu gối, lưng dưới, hai bên sườn… để tránh di chuyển sang tư thế ngủ nghiêng/sấp..
Sử dụng gối đặc biệt
Sử dụng gối được thiết kế đặc biệt với các đường viền để giúp việc ngủ nằm ngửa thoải mái hơn, tránh nằm nghiêng, nằm sấp.
Ngoài ra, có thể giúp ngăn ngừa những nếp nhăn trên khuôn mặt bằng cách sử dụng vỏ gối mềm mại bằng lụa hoặc sa tanh. Với vỏ gối bằng lụa/sa tanh, da mặt sẽ không phải chịu nhiều áp lực khi ngủ, từ đó giảm hình thành các nếp nhăn.
Dùng kem chống lão hóa
Retinol (một chất dẫn xuất vitamin A thuộc nhóm retinoid) có thể giúp thu nhỏ kích thước lỗ chân lông, làm sạch da dễ bị mụn trứng cá, làm săn chắc làn da xỉn màu, chảy xệ, bằng cách thúc đẩy sản xuất collagen.
Ánh sáng mặt trời làm bất hoạt retinol, làm tăng độ nhạy cảm của da với các tia UV có hại, vì vậy nên sử dụng kem chứa retinol trước khi đi ngủ là tốt nhất.
Ngoài ra, có thể dùng dùng kem dưỡng ẩm axit hyaluronic để làm chậm các dấu hiệu lão hóa. Axit hyaluronic là chất giữ ẩm cho da rất tốt, là chìa khóa để có được làn da sáng khỏe.
Làn da có xu hướng bị khô khi ngủ, do đó, việc sử dụng axit hyaluronic trước khi ngủ sẽ giúp da không bị khô, giảm hình thành nếp nhăn.
Ngủ sớm, đủ giấc
Thức khuya là một thói quen khiến da mặt trở nên khô sạm, sần sùi và nhiều nếp nhăn. Các nghiên cứu cho thấy, thời gian từ 23h đến 2h00 sáng hôm sau là lúc làn da được tái tạo. Nếu tình trạng thức khuya kéo dài, da sẽ không được tái tạo trong thời gian dài, sẽ xuất hiện các nếp nhăn. Do đó nên ngủ trước 11h đêm để đảm bảo da có thời gian để tái tạo.
Thiếu ngủ là tình trạng ngủ không đủ giấc. Với người trưởng thành, thời gian ngủ cần thiết là 7-8 tiếng mỗi đêm. Nhiều nghiên cứu cho thấy, một giấc ngủ kém chất lượng sẽ ức chế sự sản xuất hormone tăng trưởng, sản xuất collagen bị giảm, khiến da mất đi độ căng, mịn, săn chắc và hình thành các nếp nhăn.
Một người thiếu ngủ thường có biểu hiện: Quầng thâm dưới mắt, mắt sưng, nếp nhăn xung quanh mắt…
Do đó, để tránh hình thành các nếp nhăn, tăng nguy cơ lão hóa da, nên ngủ 7-8 tiếng một ngày.
Đặt máy tạo độ ẩm trong phòng
Khi ngủ, làn da bị mất nước nhiều nhất. Nguyên nhân là sự chênh lệch nhiệt độ, cũng như độ ẩm giữa ban đêm và ban ngày khác nhau. Ban đêm nhiệt độ thấp hơn, khiến cho hàng rào lipid bảo vệ da bị phá vỡ, độ ẩm tự nhiên trong da cũng bị thất thoát ra ngoài dễ dàng, da không giữ được lượng nước cần thiết và trở nên khô hơn.
Do đó, cách tốt nhất để giảm thiểu tình trạng khô da trong khi ngủ là sử dụng máy tạo độ ẩm.
Việc ngăn ngừa nếp nhăn có thể thực hiện được ngay cả khi bạn ngủ. Hình thành thói quen tốt khi ngủ giúp giảm các nếp nhăn trên khuôn mặt, cải thiện làn da, giúp da săn chắc, sáng mịn hơn.
Theo Gia đình Việt Nam