5 món ăn đường phố khi lang thang phố núi Ban Mê dịp nghỉ lễ 30/4

Bún chìa, bún đỏ, bánh mì nướng muối ớt... là những món ăn đường phố nhất định bạn nên thử khi đến phố núi Ban Mê dịp nghỉ lễ 30/4.

Bún đỏ

Đến Ban Mê (Đắk Lắk) hỏi bất kỳ người lái taxi, xe ôm.. bạn sẽ được chỉ cho những món ăn mang đậm chất phố núi cao nguyên, trong đó có bún đỏ. Đây là món ăn bình dân của người Đắk Lắk và đã trở thành món ăn đặc sản hút hồn khách du lịch. Bạn dễ dàng tìm thấy từ gánh hàng vỉa hè cho đến quán ăn sang trọng.

Nguyên liệu để chế biến món ăn này cũng rất đơn giản, gồm bún sợi lớn, chả viên, trứng cút luộc và rau cải. Nhiều nơi còn cho thêm tóp mỡ để tăng mùi vị.


Nguyên liệu chế biến đơn giản nhưng vị của nước dùng rất ngon, khác lạ. Ảnh: I.T

Bún đỏ là tên được gọi theo màu của sợi bún. Bản thân sợi bún ở đây trông đã khác lạ so với sợi bún ở nơi khác, bởi nó to cỡ chiếc đũa, ăn dai dai giòn giòn. Người chế biến sẽ trụng sợi bún trong một nồi nước có pha hạt điều khiến cho bún có màu đỏ đẹp mắt. Nhưng ngon nhất phải kể đến cách chế biến nước dùng. Nước dùng của bún được ninh từ xương với nước cua, tạo nên một vị ngọt thanh mát. Khi có khách, chủ quán mới trụng bún, sau đó cho thêm miếng gạch cua băm, trứng cút, thêm một chút rau cải ngọt, giá đỗ trần, thịt heo rồi chế nước dùng vào. 

Món ăn thường được bán từ xế chiều đến tối muộn, giá trung bình từ 20.000 đồng. Bạn có thể tìm ăn ở các quán trến đường Lê Hồng Phong, Phan Đình Giót hay Phan Bội Châu.

Bún chìa

Bún chìa ngon tuyệt không thể lẫn với bất cứ nơi đâu. Bún chìa (bún giò chìa) có nước dùng khá giống với bún bò Huế, sự khác biệt lớn nhất là ở phần nguyên liệu. Thay vì sử dụng thịt bò, người dân vùng cao nguyên này sử dụng phần tảng thịt phía chân sau của con lợn. Thịt được chọn đem về rửa sạch, sau đó ninh cho chín nhừ trong nồi nước dùng, tiếp đó vớt ra để nguội. Mỗi khi có khách gọi món, chủ quán lại lấy từng khúc giò chìa đem thả vào nồi nước dùng cho nóng, sau đó cho vào tô bún đã có sẵn chút mắm ruốc, sau cùng là cho hành lá, hành tây và chan nước dùng nóng hổi vào bát.


Một trong những món ăn nổi tiếng ở "thủ phủ cà phê Việt Nam" mà bất cứ du khách nào cũng nên thưởng thức là món bún chìa.

Nước dùng nóng hổi thơm lừng, đậm đà và thanh dịu cộng với chút vị thơm nồng của mắm ruốc, những khúc giò chìa được ninh nhừ béo ngậy... khiến ai nấy đều tỉnh táo sau một chuyến hành trình dài. Món bún giò chìa được ăn kèm với rau sống giúp thực khách cảm thấy ngon miệng và không bị ngấy.

Bánh mì nướng muối ớt

Món ăn này cũng được bán ở nhiều con phố. Đây là món ngon khá hấp dẫn và đơn giản mà bạn không nên bỏ lỡ.  Công đoạn khó nhất là ép dẹp bánh mì. Sau đó, bánh được nướng sơ trên vỉ với than hồng. Trong lúc nướng, bánh được phết lên lớp bơ mỏng, nước sốt sa tế, trở hai mặt cho vàng rồi gắp xuống. Bánh sẽ được nướng và phủ thêm lớp nướng sốt sa tế một lần nữa trước khi mang ra cho khách. 

Chim cút quay

Chim cút được làm sạch sẽ rồi ướp các loại gia vị như đường, mắm, muối… trước khi quay trên bếp than hồng. Để kích thích vị giác, người ở đây còn ướp thêm sa tế trước khi quay. Giữa đường phố, những chiếc xe đẩy toả khói nghi ngút thu hút nhiều người. Một con chim cút thường được bán với giá 15.000 đồng.

Bánh cam

Bánh cam thoạt nhìn khá giống bánh rán, được làm từ bột nếp và bột gạo. Nhân bánh thường là đậu xanh quết nhuyễn, trên mặt bánh được phủ một lớp đường dẻo được thắng vàng óng như mạch nha và mè thơm. Bánh thường được bán trên đường bởi những người phụ nữ. Quanh chợ trung tâm Buôn Ma Thuột bạn sẽ dễ dàng tìm thấy. Chiếc bánh có màu vàng, óng ánh của mật, giá chỉ 3.000 đồng.


Chiếc bánh có hình dạng gần giống bánh rán.

Theo Dân Việt


món ngon đặc sản

Tin tức mới nhất