Hạt hướng dương được rất nhiều người quen dùng như một thức quà để nhấm nháp cho vui miệng trong những ngày Tết. Loại hạt này không chỉ bùi bùi, béo ngậy mà còn chứa nhiều vitamin E và magie, rất tốt cho xương, da và thậm chí còn có thể phòng ngừa các bệnh ung thư hiệu quả. Tuy nhiên, ăn nhiều hạt hướng dương thường dễ bị ho, khàn giọng bởi đa số mọi người chỉ bóc lớp vỏ ngoài mà vẫn sử dụng cả lớp vỏ lụa - lớp vỏ gây kích thích niêm mạc họng.
Vậy làm thế nào để có thể thoải mái nhấm nháp thức quà béo ngậy, bùi bùi này mà không lo gặp các vấn đề về họng? Cùng điểm qua một số cách giúp bạn hạn chế ho, khàn giọng trong dịp Tết nguyên đán này ngay sau đây nhé.
Sử dụng gừng
Gừng là loại thảo dược có công dụng rất tốt trong việc chữa ho và mất tiếng. Ăn gừng giúp kích thích thanh quản tiết chất nhầy, làm giảm cảm giác ngứa và ho, đồng thời làm sạch các độc tố khỏi thanh quản. Bạn có thể sử dụng loại thảo dược này bằng nhiều cách khác nhau như:
- Gừng rửa sạch, thái gừng thành nhiều lát mỏng và ăn đều đặn 2 - 3 lần mỗi ngày (có thể đem ngâm với mật ong hoặc ăn kèm chanh và muối)
- Gừng rửa sạch, giã nhuyễn, cho vào ấm nước đun sôi khoảng 20 phút rồi thêm mật ong, khuấy đều và uống trực tiếp.
Ngoài ra, kẹo gừng hay trà gừng cũng có tác dụng chữa ho rất hiệu quả.
Lưu ý, nếu bạn thuộc những đối tượng dưới đây thì không nên ăn nhiều gừng để trị ho:
Người bị viêm loét dạ dày, tá tràngNgười mắc các bệnh về gan, sỏi mật. Người bị cao huyết áp, mắc các bệnh về tim, phụ nữ mang thai, người mắc bệnh tiểu đường.
Sử dụng giấm táo
Không chỉ là một gia vị quen thuộc trong bếp, giấm táo còn có khả năng chữa viêm họng, ho rất hiệu quả. Giấm táo có tác dụng chống viêm, kháng khuẩn cho thanh quản bởi nó chứa hàm lượng axit cao.
Cách sử dụng giấm táo trị ho: Lấy 2 thìa giấm táo trộn đều với mật ong, nước chanh. Sau đó, nhâm nhi hoặc súc miệng ngày từ 2 - 3 lần.
Sử dụng mật ong
Nói đến vị thuốc chữa ho, khản tiếng thì chắc chắn không thể thiếu mật ong. Mật ong nguyên chất có vị ngọt dịu, được xem như một loại kháng sinh tự nhiên có thể khắc phục tình trạng ho, đau rát cổ họng, khàn giọng, mất tiếng… Ngoài kết hợp với gừng để chữa trị các vấn đề về họng thì mật ong còn được sử dụng theo một số cách khác như sau:
- Trộn đều với nước cốt chanh tươi và uống từ 3 - 4 lần mỗi ngày.
- Pha mật ong với nước ấm và uống trực tiếp.
Sử dụng nước muối
Nếu bạn đang tìm kiếm phương pháp trị ho, khản tiếng, mất tiếng nhanh chóng và hiệu quả thì nước muối là một sự lựa chọn hoàn hảo. Muối là vị thuốc dân gian đã được lưu truyền từ lâu và có tác dụng diệt khuẩn, chống viêm rất tốt. Súc miệng bằng nước muối ấm không chỉ làm giảm kích ứng cổ họng mà còn giúp thanh quản chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn.
Cách thực hiện:
- Pha một thìa cà phê muối với một ly nước ấm
- Khuấy tan và sử dụng dung dịch này để súc miệng từ 2 - 4 lần một ngày.
Sử dụng tỏi
Tỏi có khả năng giảm đau rát cổ họng và ngừa viêm hiệu quả do trong tỏi chứa nhiều nguyên tố vi lượng và chất kháng sinh acillin. Ngoài là gia vị quen thuộc của gian bếp thì tỏi cũng có thể được sử dụng để trị ho, khản tiếng theo các cách sau:
- Tép tỏi để cả vỏ, đập dập rồi hấp cách thủy trong khoảng 15 phút, sau đó uống trực tiếp (mỗi ngày 2 - 3 lần, mỗi lần 2 thìa cà phê)
- Tỏi đem nướng đến khi vỏ cháy xém, nghiền nhỏ và dùng với một chút nước ấm
- Tép tỏi bóc bỏ vỏ ngoài, đun sôi với một chén nước và vài viên đường phèn trong khoảng 15 phút, sau đó chờ nguội và uống trực tiếp.
Uống nhiều nước
Bổ sung đủ 2 lít nước cho cơ thể mỗi ngày không chỉ có lợi cho sức khỏe mà còn là giải pháp tuyệt vời làm dịu những cơn đau rát cổ họng hay khản tiếng do ăn nhiều hạt hướng dương đấy. Nước giữ ẩm dây thanh quản của bạn, làm dịu cơn ho và giúp bạn thoát khỏi cảm giác khô, ngứa cổ họng. Vào những ngày Tết, trời có chút se lạnh, bạn nên uống nước ấm thay vì nước lạnh. Ngoài ra, ăn nhiều rau, hoa quả cũng là những phương pháp hay để bổ sung nước cho cơ thể.
Theo Helino