Trong căn nhà nhỏ trên đường Ngọc Thuỵ, quận Long Biên, Hà Nội, vợ chồng ông Trần Công Thắng (74 tuổi, công binh lái máy ủi) và bà Nguyễn Thị Nguyệt Ánh (72 tuổi, chiến sĩ lái xe Trường Sơn) lần giở từng bức ảnh trắng đen của thời chiến.
Những năm tháng chiến tranh khốc liệt, dưới mưa bom bão đạn, sự sống cận kề cái chết, chiến trường gian khổ vẫn nảy nở và nuôi dưỡng nhiều mối tình đẹp.
Chuyện tình của ông Thắng và bà Ánh kéo dài 8 năm dọc tuyến đường Trường Sơn máu lửa. Trở về sau chiến tranh, hai ông bà may mắn tìm được nhau, đoàn tụ và kết hôn năm 1974, sống hạnh phúc đến nay.
Tình yêu chiến trường của chàng lính công binh và nữ thanh niên xung phong
Năm 17 tuổi, thiếu nữ Nguyễn Thị Nguyệt Ánh, quê Kim Động, tỉnh Hưng Yên, cùng người bạn đồng hương đăng ký nhập ngũ. Vào thanh niên xung phong, họ được điều động phục vụ trong Tổng đội Thanh niên xung phong 59 công trường Yên Bái, xây dựng sân bay dã chiến Yên Bái.
Trong khi đó, chàng thanh niên Hà Nội Trần Công Thắng, vốn là công nhân nhà máy y cụ Hà Nội, năm 1965 nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc đã xung phong đi bộ đội. Nhà máy khi đó tuyển chọn 10 công nhân nhiệt huyết nhất, mùa Xuân năm 1966 chính thức lên đường.
Ngày ông Thắng nhập ngũ, người thân không được phép đưa tiễn, lủi thủi một mình đi tàu điện hội quân tại quận đội Đống Đa. 10h đêm, cả đơn vị hành quân bộ đến làng Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội tập kết. Sau 3 tháng huấn luyện, các tân binh di chuyển lên Yên Bái, cùng các lực lượng khác xây dựng sân bay dã chiến.
Hai đơn vị, của anh và của em, cách nhau chỉ 500m.
Cuối năm 1966, trung đoàn công binh tổ chức hội diễn nghệ thuật quần chúng. Ông Thắng tuy hát không hay, nhưng là cây văn nghệ của đơn vị, nằm trong tốp ca nam.
Thấy các nữ thanh niên xung phong lấp ló phía ngoài hội trường muốn vào xem, ông đến hỏi chuyện, rồi nói khéo xin đồng chí cảnh vệ. Từ giây phút gặp gỡ đầu tiên, ông ấn tượng đặc biệt với cô thanh niên xung phong cao 1m68, đôi mắt sáng lấp lánh Nguyệt Ánh. Họ hẹn cuối tuần không phải sinh hoạt, sẽ gặp nhau tâm sự.
Sau 1-2 lần gặp gỡ và nói chuyện, ông Thắng cảm mến nữ thanh niên xung phong cao ráo. Tình cảm cứ thế phát triển, sau hơn một năm, ông ngỏ lời: 'Em có yêu anh không?'. Bức thư hồi đáp của cô gái Nguyệt Ánh chính thức mở ra một chuyện tình đẹp, giản dị giữa 2 người lính.
Mỗi cuối tuần, họ hẹn gặp nhau trong lán trại. Kỷ luật quân đội nghiêm ngặt, yêu cầu trong lán phải có 3-4 người trở lên, ngồi cách xa, không được tắt đèn. Hai người yêu nhau chỉ nói dăm ba câu, nhìn nhau để nguôi ngoai nỗi nhớ rồi chia tay. Ông Thắng ra khỏi lán, bà Ánh đứng bên trong, vẫy tay, không dám đi theo.
Trên Yên Bái, những ngày trời mưa, con đường chỉ toàn bùn đất. Một ngày Chủ nhật khi cơn mưa vừa dứt, bà xắn quần đến đầu gối, 'lội' đất sang đơn vị thăm người yêu. Đồng đội ông Thắng từ xa thấy bà, hét lớn: "Ôi Thắng ơi, người yêu đến chơi kìa".
Trông thấy người yêu bùn đầy bàn chân, ông Thắng buồn cười, nhận xét "sao mà ngộ nghĩnh thế".
"Đây là mối tình đầu, cũng là mối tình cuối của tôi. Tình yêu khắc khoải, da diết và nhớ mong", ông Thắng nhớ lại.
Dù một tuần gặp nhau 1-2 lần, nhưng người lính công binh thấy chưa đủ. Mỗi khi nghĩ đến người yêu, có lời hay ý đẹp, ông đều viết thư, nhờ đồng đội gửi cho bà Ánh.
Ngày chia xa
Đầu năm 1968, đơn vị ông Thắng chuyển gấp vào chiến trường Quảng Trị ác liệt. Trước khi lên xe hành quân, ông hẹn gặp người yêu ở rừng cọ. Dưới gốc cây, cặp tình nhân ngậm ngùi, mắt ngấn lệ, run run cầm tay nhau. Trên đầu, máy bay Mỹ đánh phá, thả pháo sáng, bà sợ, đứng nép chặt vào người ông.
Nữ thanh niên xung phong nghẹn ngào dúi vào tay người lính công binh một chiếc khăn quàng cổ, một chiếc bấm móng tay và một chiếc bật lửa, làm tín vật tình yêu với lời dặn: "Anh đi, anh cố gắng quay về".
Còn ông Thắng gửi lại bà Ánh cuốn sổ lưu bút ghi lại những bức thư tình dạt dào kỷ niệm, nỗi nhớ trong 2 năm yêu nhau. Trong một bức thư, ông liều gọi bà là "người vợ chưa cưới của anh".
"Ánh em thân yêu!
Mối tình của chúng ta đã được tròn hai xuân rồi nhỉ? Tình yêu của chúng ta đẹp thật, đẹp như mùa xuân vậy. Thế mà giờ đây chúng ta sắp phải xa nhau. Vì nhiệm vụ công tác nên anh không được sống gần em nữa.
Xa em, xa người vợ chưa cưới của anh, người mà bóng dáng anh đã ấp ủ sớm chiều. Xa mảnh đất thân yêu, nơi mà lần đầu chúng ta đặt chân tới và cùng nhau xây đắp nên mối tình trăm năm không hề phai nhạt.
Xa em, anh viết mấy dòng lưu niệm để nhớ mãi những kỷ niệm sâu sắc trong cuộc sống đã qua và triển vọng của cuộc sống tương lai đã hẹn.
Xa em, tâm hồn và dòng máu nóng của anh luôn gửi gắm vào trái tim và tâm hồn em. Anh không bao giờ quên em. Tiền tài và nhan sắc không thể nào quyến rũ được lòng anh, anh sẽ mãi mãi là của em.
Anh mong rằng với nghị lực của tuổi trẻ và lòng thuỷ chung của em, em sẽ vượt qua được mọi gian khổ và thử thách, luôn giữ trong lòng mình, giữ trọn lời thề ước xưa kia. Chúng ta sẽ cùng nhau vững bước đến ngày mai tươi sáng và hạnh phúc.
Anh chúc em luôn vui, khoẻ, trẻ mãi, nỗ lực đạt được nhiều thành tích trong học tập và công tác để xứng đáng là người vợ chưa cưới của anh.
Chúc em mau chóng thực hiện được ước mơ cao đẹp nhất của mình. Anh nhất định sẽ trở về, cùng em chung sống cuộc đời hạnh phúc nhất.
Siết chặt tay em,
Hôn em thật nhiều,
Anh yêu.
Trần Thắng
Xuân 1968".
"Sắp vào chiến trường, chưa biết sống chết thế nào, tôi cứ nói hết lòng mình. Yêu nhau, đích đến cuối cùng là thành vợ thành chồng. Giờ nghĩ lại mình thật liều, nhưng liều mới có được người vợ", ông Thắng nói.
30 phút sau, đơn vị thổi còi ra lệnh lên xe. Từ giây phút đó, hai người yêu nhau buộc phải chia xa, không hẹn ngày gặp lại. Sau này nghĩ lại, ông Thắng hối hận đã không ôm chặt, trao cho người yêu một nụ hôn. Tình yêu ông bà là như thế, không lời tán tỉnh, khi chia tay không biết nụ hôn có mùi vị như thế nào.
Anh vào chiến trường, em cũng lên đường lái xe Trường Sơn
Đơn vị hoạt động chủ yếu ở sâu trên đất Lào, nhiệm vụ của ông Thắng là lái máy ủi, san đường, lấp hố bom, đảm bảo giao thông không đứt mạch. Mỗi ngày, bữa cơm tối luôn là bữa cơm buồn nhất, anh em chỉ nhìn nhau mà ăn, không nói lời nào. Ai cũng nghẹn ngào, biết đâu sáng mai không quay về.
Ăn xong, những người lính mang cuốc xẻng ra trọng điểm làm nhiệm vụ. Đến 4-5h sáng hôm sau trở về, đồng đội mới ríu rít gọi tên nhau, điểm danh xem ai còn ai mất. Nếu không có tiếng đáp, thì biết rằng đồng đội đã ra đi.
Khoảnh khắc hạnh phúc nhất của người lính là không nghe tiếng bom đạn và máy bay. Khi đó, ông Thắng mở cuốn sổ lưu bút và thư tình, đọc lại và ngẫm nghĩ, trong đầu tái hiện lại từng chi tiết yêu đương.
"Người chiến sĩ vào chiến trường, ngoài tình yêu quê hương, đất nước, tình yêu gia đình, tình đồng đội, nếu có được tình yêu đôi lứa, là một nguồn động lực dũng cảm chiến đấu, thúc giục phải chiến thắng, mong chờ ngày trở về quê hương gặp lại người yêu", ông Thắng nói.
Một ngày, khi ông Thắng ra mặt đường san lấp hố bom, một trận bom khác đánh sập hầm. Chiếc ba lô bên trong chứa những kỷ vật tình yêu cùng bức ảnh chân dung người yêu, đều bị phá huỷ. "Những tín vật đó đã thay tôi chết, mất kỷ vật nhưng may mắn vẫn giữ được mạng sống", ông Thắng nhớ lại.
Lần khác, bom B52 đánh sập hầm, ông Thắng bị thương do sức ép, nhưng vẫn tỉnh táo. Đơn vị đào đất, khiêng ông đến đội điều trị. Tuy nhiên trên đường, khi đến suối cạn, chỉ cách đội điều trị 800-900m, trận B52 thứ hai khai hoả, ông rơi xuống suối, đau đớn.
"Tôi quả thực may mắn, giữa hàng nghìn đồng đội, đã được trở về", ông nói.
Vài tháng sau khi người yêu vào chiến trường, bà Ánh cũng tham gia trung đội nữ lái xe Trường Sơn. Từ những miền quê khác nhau, 40 nữ thanh niên xung phong tuổi từ 18-20 đã gặp nhau trong khoá huấn luyện cấp tốc 45 ngày tại trường lái 255 (nay là trường Trung cấp Kỹ thuật xe – máy Sơn Tây).
Đầu tháng 5/1968, trung đội nữ lái xe nữ chính thức được thành lập, nhận nhiệm vụ vận chuyển hàng hoá, vũ khí đạn dược chi viện miền Nam và đưa thương binh, cán bộ ra miền Bắc học tập, an dưỡng và điều trị. Ban đầu cứ hai người lái chung một xe để kèm nhau, sau quen dần, mỗi người tự đảm đương một chiếc.
Là bộ đội công binh chuyên mở đường, ông Thắng thấu hiểu sự khó khăn, vất vả của nhiệm vụ lái xe dọc tuyến Trường Sơn.
"Khi biết người yêu là nữ lái xe, tôi đã rất bàng hoàng và ngỡ ngàng. Người con gái sợ cả pháo sáng khi cầm tay nhau trong phút giây chia tay ở rừng cọ, thế mà lại vào chiến trường lái xe, liệu có vượt qua được gian khổ, ác liệt và ánh chớp của bom đạn Trường Sơn ác liệt hay không?".
Năm tháng trôi qua, sức chịu đựng của bà Ánh và đồng đội đã chiến thắng bất kỳ bom đạn nào, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Mỗi đoàn xe Trường Sơn đi qua trọng điểm, ông Thắng đều hỏi thăm tin tức về đội nữ lái xe, về người con gái tên Nguyệt Ánh với hy vọng sẽ được gặp cô trong một chuyến xe. Dù điều đó không xảy ra, nhưng cả hai vẫn nuôi hy vọng và chờ nhau.
Những lần đồng đội ra Bắc công tác hay có ai đi qua trung đội nữ lái xe, ông Thắng đều gửi lời hỏi thăm bà Ánh. Yêu xa từ hai mặt trận, họ trao đổi tình yêu thông qua những lời nhắn nhủ. Biết tin người yêu khoẻ mạnh, vẫn làm tốt nhiệm vụ, ông Thắng rất phấn khởi.
Có lần, ông tâm sự với đồng đội: Nếu phải hi sinh, tôi tiếc lắm, vì bao nhiêu năm có người yêu bên cạnh mà không biết trao cho cô ấy một nụ hôn. Trong trái tim người lính luôn đau đáu hình ảnh người yêu - nữ thanh niên xung phong cao ráo và ngộ nghĩnh!
Ngày gặp lại, 40 bức thư tình và 1 đám cưới giản dị
Trong những năm tháng chiến tranh, ông Thắng liên tục viết thư cho người yêu, tổng 40 bức, mở đầu luôn là 'em thương yêu', kết thúc bằng 'yêu em nhiều', 'hôn em'. Mỗi bức thư đều được viết nắn nót trong nhiều ngày, bằng ngôn từ mộc mạc, giản dị nhưng da diết.
Ngoài tâm sự, hỏi thăm và giãi bày nỗi nhớ nhung, chàng lính công binh còn kể cho người yêu nghe những khó khăn, gian khổ nơi chiến trận. Dù thế, ông vẫn chờ đợi, không biết bao giờ chiến tranh mới chấm dứt để hai người yêu nhau lại về bên nhau.
Những bức thư được gửi qua đường giao liên, không kỳ vọng đến được tay bà Ánh. Có những chuyến đi, người vận chuyển hi sinh do bị bom đánh dọc đường, bức thư đến với người nhận đã bị cháy sém. Mỗi lần trước khi gửi thư, ông Thắng đều chép lại nội dung vào cuốn lưu bút. Nếu người yêu không nhận được, thì sau này còn sống gặp lại nhau, bà sẽ phần nào hiểu được tấm lòng chung thuỷ của ông.
Đầu năm 1972, đồng đội dự đoán sắp có trận đánh lớn. Nỗi nhớ nhà, nhớ người yêu khắc khoải, ông Thắng viết một lá thư dài gần 10 trang giấy cho người yêu. Chiến tranh ác liệt, nhưng cả ông và bà đều sống bằng niềm tin và hy vọng sẽ được gần bên nhau. Ông cũng khuyên người yêu nếu có điều kiện nên tìm một đối tượng khác. Bởi chiến tranh còn kéo dài, mà tuổi thanh xuân của người con gái thì có hạn.
"Ngày 1/1/1972
Em yêu thương!
4 năm trường xa cách, song ở em, mặc dù vậy, vẫn nuôi 1 sự tin tưởng tuyệt đối, luôn nhen lên trong lòng mình một ngọn lửa tình yêu nồng đượm để sưởi ấm trái tim thơ trong chờ đợi xa xôi đối với anh.
Nhiều lúc anh rất khổ tâm và oán trách cho tình yêu 2 đứa mình sao éo le vậy nhỉ? 1 năm, 2 năm, rồi 3 năm, lại gần 4 năm rồi còn gì, không một giờ gặp mặt.
Mỗi lần Xuân tới, anh lại giật mình nghĩ tới một nỗi khủng khiếp về sự mất mát của tuổi đời trôi đi mà bao ước vọng thì chỉ thấy xa vời vợi. Riêng anh, anh có thể chịu đựng được tất cả (…) bởi vì anh có tình yêu của em động viên thúc giục tháng ngày.
Còn em? Ôi, thật là một nỗi lo âu to lớn trong lòng anh. Chính vì yêu em, thương em, mà anh không thể thờ ơ nghĩ tới 1 điều xa hơn nữa cho em. Đó là tuổi đời của người con gái.
Em yêu ơi, chính vì lẽ đó mà anh trằn trọc bao đêm không ngủ. Anh nghĩ nhiều về em và dường như chỉ nghĩ về tương lai cho em tất cả, anh không mong có 1 sự ích kỷ và cũng chẳng bao giờ muốn xa em. Song anh phải nói 1 lần nữa mới đủ, vì rất yêu em mà anh phải lo tới điều đó.
…
Anh vẫn tự hỏi không biết Ánh sẽ hiểu anh như thế nào? Có thực thấu nỗi lòng thương quý của anh không hay còn nghĩ về anh thế này thế khác. Thú thực với em, trái tim anh vẫn thắm nét hình ảnh của em duy nhất. Sống ở nơi chiến trường khói lửa trong những phút quyết liệt nhất, anh vẫn thầm gọi tên em. Cái tên hết sức gợi cảm mà anh vẫn tự hào là chỉ mình anh có… Ánh vẫn là cái tên đem lại cho anh niềm vui duy nhất.
Thú thực anh không thể ràng buộc em trong một hoàn cảnh xa cách mãi như thế này. Em phải tìm lấy một hạnh phúc xứng đáng với em hơn, vì tất nhiên tuổi đời không cho phép em chờ anh mãi được. (...) Bởi vậy, anh khuyên em hãy đừng vì anh mà lãng phí tuổi xuân, hãy tìm hạnh phúc tương lai trong hiện tại để cho anh được tự hào là người đã nâng bước em đi trong ước vọng của riêng mình.
Hôm nay một ngày đầu của năm mới, Xuân 72 lại tới rồi, mỗi một mùa xuân đến mang theo bao hy vọng cho mọi người. Riêng anh, nó còn mang sự hy vọng to lớn của anh đối với em nữa. Ngày gặp em chưa thể nào biết được, mong ước rằng chúng mình sẽ được gặp nhau, trong một ngày không xa tại quê hương yêu dấu.
Em mãi mãi vẫn là hình ảnh đẹp nhất trong ký ức của anh.
Anh".
Năm 1973, trong chuyến công tác từ Quảng Trị ra Bắc, ông Thắng về thăm nhà, hay tin bà Ánh đang ở Hà Nội, đóng quân tại sân bay Bạch Mai tập diễu binh mừng ngày thống nhất. Ông vội mượn xe của bố, đạp một mạch vào sân bay, xin cảnh vệ được gặp chiến sĩ Nguyễn Thị Nguyệt Ánh.
Sau 6 năm xa cách, gặp lại cô thanh niên xung phong, ngỡ tưởng ôm lấy nhau mà thủ thỉ, nhưng cũng như lần chia tay, hai người nhìn nhau không nói lời nào, mắt nhoà lệ. Ông Thắng hỏi: "Em còn yêu anh không?".
"Nếu như không yêu, em còn chờ đợi anh đến bây giờ làm gì?", bà Ánh đáp. Hoá ra, những lần có dịp về quê, bà vẫn thường xuyên ghé Hà Nội, hỏi thăm sức khoẻ gia đình người yêu.
Đám cưới của họ tổ chức giản dị vào một ngày mùa hè tháng 7/1974. Một đám cưới không hoa, không ảnh, chỉ có tiệc trà và bánh kẹo. Cô dâu chú rể đều diện áo sơ mi trắng và quần bộ đội. Mấy hôm sau, hai vợ chồng mặc quân phục, ra tiệm chụp ảnh trên phố Hàng Bài, chụp một bức ảnh lưu niệm. Sau một tháng, ông Thắng trở vào chiến trường Quảng Trị, tiếp tục chiến đấu.
Sau đám cưới, hai ông bà mặc quân phục, đến tiệm ảnh chụp một bức lưu niệm, xem như ảnh cưới
Sau hàng chục năm, tình yêu son sắt là điều tuyệt vời nhất ông bà dành cho nhau
Sau ngày đất nước thống nhất, bà Ánh phục viên, cuộc sống khó khăn khi bà lần lượt sinh con, một trai một gái. Năm 1977, bà vào Quảng Trị, xin đơn vị cho ông Thắng được chuyển vùng ra Hà Nội, tạo điều kiện gần vợ con.
Bà Ánh sau đó xin vào Bộ Tài chính, được giao lái xe cho các Thứ trưởng. Hơn 10 năm, do sức khoẻ yếu, bà chuyển về làm hành chính cho đoàn xe của Bộ rồi nghỉ hưu năm 2003. Ông Thắng cũng nghỉ hưu cùng năm đó.
"Trải qua những năm tháng sống trong quân đội, cuộc chiến tranh ác liệt nhất, đã tôi luyện chúng tôi một bản lĩnh vững vàng, sẵn sàng vượt qua mọi thử thách, khó khăn. Hoà bình lập lại, cuộc sống dần ổn định, chúng tôi tự hào đã nuôi dạy các con khôn lớn, trưởng thành", bà Ánh nghẹn ngào.
Thời bình, quay lại chiến trường xưa, vợ chồng ông Thắng bà Ánh cùng hồi tưởng lại nhiều kỷ niệm. Ngày họp mặt đơn vị cũ chỉ còn 20-30 thành viên, có người đã già yếu, người đã hi sinh hoặc qua đời.
Hơn 50 năm, khi đã U70, đôi vợ chồng cùng đọc lại những bức thư tình của tuổi trẻ, ghi tâm những lời yêu đương và ký ức chiến tranh. Sau này, 2 trong số 40 bức thư và cuốn lưu bút năm đó, được ông bà gửi tặng Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, như một chứng nhân lịch sử về chuyện tình yêu đẹp và hồi ức những năm tháng chiến tranh ác liệt.
Theo Tổ Quốc