5000 công nhân nghỉ việc tập thể để kiến nghị 11 nội dung
Sáng 7/2, theo lịch 5000 công nhân của Công ty TNHH Viet Glory trở lại làm việc bình thường sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Tuy nhiên khi đến công ty, 5000 công nhân đã không vào làm việc mà đứng phía ngoài cổng yêu cầu ban lãnh đạo công ty phải giải quyết cho họ những kiến nghị mà họ bức xúc bấy lâu nay.
Có 11 kiến nghị được công nhân đề xuất gồm: tem (bảng) lương cần rõ ràng; lời nói hành động của cán bộ theo đúng chuẩn mực giao tiếp, tôn trọng người lao động; yêu cầu công nhân đi làm sớm 10 phút được tính lương; kiểm tra lại máy chấm công vì hay lỗi; F0 sau khi khỏi bệnh được đi làm, công ty không tự ý chấm dứt hợp đồng; hỗ trợ tiền Covid-19; chế độ nghỉ phép năm không được trừ các khoản phụ cấp, thưởng tháng 13 theo thời gian làm thực tế.
Ngày đầu tiên đến làm việc đầu năm mới, 5000 công nhân đã nghỉ việc tập thể để kiến nghị các vấn đề lương, phụ cấp.
Các nội dung cơ bản nhất mà công nhân kiến nghị là tăng lương cơ bản, bổ sung phụ cấp thâm niên, tăng số lượng công nhân hưởng độc hại nặng nhọc, tăng mức phụ cấp độc hại nặng nhọc.
"Tôi và mọi người làm việc ở đây gần 3 năm rồi nhưng không có tiền phụ cấp. Lương cơ bản chỉ được 3,6 triệu đồng. Làm quần quật cả tháng, làm thêm giờ, làm cả ngày chủ nhật thì hết tháng chỉ nhận được hơn 6 triệu đồng, không đủ chi phí cuộc sống.
Trong khi đó bảng lương công ty trả không rõ ràng, các khoản phụ cấp thì bị trừ vô lý nên công nhân chúng tôi mới nghỉ việc tập thể để yêu cầu giải quyết rõ ràng", công nhân H.H.L. chia sẻ trong những ngày đầu nghỉ việc.
Thông báo lần 1 của công ty chỉ giải quyết 6 vấn đề phụ. 5 vấn đề cơ bản khác gồm lương và phụ cấp thì công ty khẳng định không thực hiện.
Khi nắm bắt được sự việc, lãnh đạo UBND huyện Diễn Châu đã cùng đại diện Liên đoàn lao động huyện Diễn Châu và chính quyền địa phương lập tức có mặt tại công ty này để nắm bắt tâm tư người lao động, đồng thời vận động, tuyên truyền để công nhân sớm trở lại làm việc, tránh tập trung đông người để phòng dịch Covid-19.
Bước sang ngày thứ 2 nghỉ việc (ngày 8/2), 5.000 công nhân vẫn tập trung trước cổng yêu cầu lãnh đạo công ty giải quyết 11 kiến nghị cho công nhân. Lãnh đạo huyện Diễn Châu sau đó đã cùng đại diện liên đoàn lao động tỉnh, cơ quan công an, chính quyền địa phương trực tiếp làm việc với lãnh đạo Công ty Viet Glory.
Ông Phạm Đức Cường - Chủ tịch LĐLĐ huyện Diễn Châu gặp gỡ, nắm bắt tâm tư và tuyên truyền vận động công nhân trong những ngày công nhân nghỉ việc.
Kết thúc buổi làm việc với cơ quan chức năng, trong chiều 8/2 phía công ty Viet Glory đã ra văn bản thông báo giải quyết kiến nghị của các công nhân như: thay đổi bảng lương rõ ràng; sẽ điều chỉnh thái độ làm việc của cán bộ người nước ngoài; không yêu cầu công nhân làm việc trước giờ; kiểm tra lại máy chấm công; F0 khỏi bệnh được đi làm lại; tiền hỗ trợ Covid-19 sẽ được công ty đôn đốc giải quyết.
Ngoài ra, công ty tăng hỗ trợ tiền ăn từ 18.000 lên 20.000 đồng/ bữa; trợ cấp tiền xăng từ 200 lên 260.000 đồng/1 tháng; trợ cấp con nhỏ mức 50.000/1 trẻ cho nam nếu vợ không làm việc tại công ty.
Lãnh đạo huyện Diễn Châu, cơ quan chức năng địa phương liên tục làm việc với lãnh đạo Công ty Viet Glory.
Công ty thông báo 5 vấn đề còn lại sẽ được xem xét giải quyết sau. Trong đó, vấn đề lương cơ bản và bổ sung phụ cấp thâm niên được Công ty Viet Glory khẳng định "sẽ không tăng lương, không có phụ cấp thâm niên".
Ngày 9/2, 5.000 công nhân đến công ty những vẫn không vào làm việc. Trước tình trạng đó, ngày 10/2, Công ty Viet Glory đã tổ chức đối thoại với công nhân trước sự chứng kiến của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương.
Tuy nhiên kết thúc buổi đối thoại giữa công ty và công nhân không tìm được tiếng nói chung nên 5.000 công nhân tiếp tục ra về và nghỉ việc.
Thông báo như "tối hậu thư" của công ty
Sang ngày thứ 5 công nhân nghỉ việc, chiều 11/2, sau cuộc hợp với cơ quan chức năng địa phương, phía công ty Viet Glory tiếp tục ra thông báo lần 2 về việc giải quyết các kiến nghị cho công nhân.
Theo đó, công ty đồng ý bổ sung phụ cấp thâm niên cho công nhân với mức 30.000 đồng/1 tháng với công nhân làm 1 năm trở lên. Công nhân làm 7 năm được hưởng 210.000 đồng/1 tháng. Thời gian áp dụng từ tháng 3/2022. Vấn đề lương cơ bản sẽ được công ty xem xét giải quyết thời gian phụ hợp.
Thông báo lần 2 của công ty được xem như "tối hậu thư" vì công ty đề nghị vào sáng 12/2 công nhân đến công ty làm việc bình thường. Những người nào không đến sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật và nội quy công ty.
"Sáng 11/2 có ít người đến tập trung trước cổng công ty hơn. Lãnh đạo công ty 'xuống nước' ra mời các công nhân vào công ty làm việc. Tuy nhiên các công nhân vẫn không chấp nhận vào làm việc.
Theo quy định hết ngày thứ 5 các công nhân nghỉ việc không lý do thì bên sử dụng lao động sẽ chấp dứt hợp đồng với các lao động", lãnh đạo huyện Diễn Châu chia sẻ.
Sáng 12/2, sau khi nhận được thông báo của công ty nhưng 5.000 công nhân vẫn tiếp tục nghỉ việc. Đây đã là ngày thứ 6 những công nhân này nghỉ việc tập thể.
"Chúng tôi sẽ không vào làm việc đến khi nào công ty tăng lương cơ bản cho chúng tôi. Công ty cần phải giải quyết luôn, giải quyết rõ ràng chứ không hứa nữa. Năm ngoái công ty cũng hứa sẽ giải quyết cho công nhân nhưng rồi không thực hiện nên công nhân mới bức xúc như năm nay", chị N.T.P. chia sẻ.
Trong sáng 12/2, lãnh đạo huyện Diễn Châu, liên đoàn lao động tỉnh cùng cơ quan chức năng tiếp tục có buổi làm việc với công ty Viet Glory. Phía công ty thông báo cho phép công nhân nghỉ việc. Công việc tại công ty này sẽ bắt đầu trở lại bình thường từ thứ 2 tuần tới (ngày 14/2).
"Công ty thông báo từ thứ 2 đến thứ 6 tuần sau là thời hạn cuối, nếu công nhân nào không quay lại làm việc thì công ty sẽ đơn phương chấm dứt hợp đồng với người lao động", lãnh đạo Liên đoàn lao động huyện Diễn Châu nói và cho hay đơn vị này cũng đang tích cực vận động, tuyên truyền để người lao động sớm quay trở lại công việc.
Chiều tối 12/2, sau khi họp với cơ quan chức năng địa phương, Công ty Viet Glory đã đi đến quyết định tăng lương cơ bản cho toàn bộ cán bộ công nhân viên với mức 6% lương cơ bản công ty. Thời gian áp dụng từ 1/2/2022. Việc bổ sung phụ cấp thâm niên cũng được áp dụng thời điểm này.
Ngày 12/2, công ty ra thông báo lần 3 và quyết định cuối cùng đồng ý tăng lương cơ bản cho công nhân.
Ngày 12/2, công ty ra thông báo lần 3 và quyết định cuối cùng đồng ý tăng lương cơ bản cho công nhân.
Nhận được thông báo này từ công ty, các công nhân vỡ òa sung sướng. Bởi tất cả các kiến nghị liên quan đến chế độ làm việc, đãi ngộ của công nhân đều đã được công ty lắng nghe và giải quyết.
"6 ngày qua, lãnh đạo huyện đã tích cực phối hợp với cơ quan công an, liên đoàn lao động tỉnh, huyện, địa phương làm việc với công ty để kết nối giữa công ty và người lao động, tìm hướng giải quyết vì lợi ích 2 bên.
Kết quả công ty đã đồng ý tăng lương và giải quyết các kiến nghị cho công nhân một cách thấu tình đạt lý", ông Lê Mạnh Hiên - Phó Chủ tịch huyện Diễn Châu nói và cho biết, đạt được kết quả này là rất vui mừng cho công nhân.
Được biết, hiện công ty Viet Glory đã cam kết 6 ngày đình công của công nhân vừa qua sẽ được tính theo chế độ nghỉ phép xưởng. Ban Giám đốc công ty đề nghị toàn bộ công nhân quay trở lại công ty làm việc từ sáng 14/2/2022. Những công nhân nào không đến làm việc kể từ thời điểm này công ty sẽ giải quyết theo quy định của pháp luật lao động hiện hành.
Bà Hoàng Thị Thu Hương - Trưởng ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động, Liên đoàn lao động tỉnh Nghệ An cho hay, những ngày qua tổ chức công đoàn đã gặp gỡ công nhân, lắng nghe các kiến nghị, tâm tư, nguyện vọng, đồng thời trực tiếp làm việc với ban lãnh đạo công ty, công đoàn công ty để tìm hướng giải quyết hài hòa. Bà Hương cho biết, việc vụ đình công tập thể này chưa đúng trình tự quy định của pháp luật, không có sự tham gia của tổ chức công đoàn trong việc tổ chức, lãnh đạo. Tuy nhiên, lý do đình công của công nhân là chính đáng, phù hợp quy định pháp luật. "Người lao động đang ngừng việc để đình công vì lợi ích, lý do này có trong quy định pháp luật, không phải là nghỉ việc không lý do. Thời điểm này doanh nghiệp chưa thể áp dụng điểm e, khoản 1, Điều 36 Luật Lao động để đơn phương chấm dứt hợp đồng đối với người lao động", bà Hương chia sẻ và cho biết, việc đình công có được xác định là trái pháp luật hay không thì phải có phán quyết của tòa. |
Theo Trí Thức Trẻ