Lông mày nhiều màu sắc
Trên khuôn mặt, lông mày là một phần quan trọng quyết định nhan sắc của một cô gái. Ví dụ ở Hy Lạp cổ đại, có một xu hướng được cho là mốt khiến nhiều người phụ nữ đổ xô đi thực hiện chính là cấy những sợi lông dê làm lông mày.
Nhưng đối với phụ nữ phương Đông, nhất là Trung Quốc, vào thế kỷ 2 đến thế kỷ 3, phụ nữ nơi đây còn coi việc thay đổi màu sắc lông mày như một tiêu chuẩn sắc đẹp.
Điều này bắt nguồn từ việc một vị hoàng đế đã ra lệnh cho các phi tần của ông phải để lông mày màu xanh lục.
Để làm được điều này, những người phi tần buộc phải cạo phần lông mày vốn có và dùng một loại mực đắt tiền được mua từ nước ngoài để vẽ lại. Đây không chỉ là cách để làm hài lòng vị hoàng đế mà còn là chiêu trò khoe mẽ sự giàu có vì không phải ai cũng có thể mua được loại mực đắt tiền này.
Tuy vậy, trào lưu này cũng không tồn tại được lâu và lông mày tự nhiên đã dần được ưa chuộng trở lại. Tùy vào từng thời gian đoạn lịch sử, người ta sẽ thích hình dạng lông mày dài - thon hoặc ngắn - dày.
Trán cao
Theo các nhà sử học, vào cuối thế kỷ 14, nữ hoàng Isabeau của xứ Bavaria đã đề ra chuẩn mực của phái đẹp, đó là trán cao, cổ dài.
Để phù hợp với tiêu chuẩn sắc đẹp mới này, nhiều người phụ nữ đã phải cạo phần tóc trên trán của họ, ở phía sau gáy hay cạo luôn cả lông mày. Thậm chí lông mi cũng bị nhổ sạch cả mí trên lẫn mí dưới.
Nuôi móng tay dài
Ở Trung Quốc, việc để móng tay dài thể hiện sự quyền quý và giàu sang. Người Trung Quốc xưa quan niệm rằng, việc nuôi móng tay mọc dài chứng tỏ người đó không phải đụng tay vào bất cứ việc gì, thể hiện sự giàu có, đủ tiền tài để thuê người hầu kẻ hạ.
Thời nhà Thanh, xu hướng này rất được ưa chuộng trong suốt gần 3 thế kỷ. Phụ nữ thường giữ bộ móng dài và đeo đầy nhẫn để thể hiện sự quyền quý, sang trọng bằng bộ móng dài và ngón tay đeo đầy nhẫn.
Thậm chí, người ta còn dùng cả "ốp" chuyên dụng được chế tác cầu kỳ với lớp vỏ làm từ kim loại quý hiếm để bảo vệ móng tay thật khỏi bị gãy.
Da bị tái, nhợt nhạt
Xu hướng này rất thịnh hành ở Anh vào thế kỷ 18. Để khiến da nhợt nhạt nhất có thể, những người phụ nữ phải sử dụng các phương pháp dị thường như dùng phân ngựa sấy khô.
Thậm chí họ còn áp dụng một cách làm kỳ quặc hơn là dùng chì để tô lên môi và má hay tô đậm những mạch máu trên mặt của mình nhằm tạo vẻ ngoài thực sự nhợt nhạt.
Tẩy trắng răng
Những người sống ở triều đại vua George không chỉ làm khuôn mặt trở nên tái nhợt mà họ còn tẩy trắng răng, càng sáng càng tốt.
Để làm được điều này, họ phải sử dụng một loại bột có chứa axit sunfuric. Dù phương pháp này khiến răng và men răng bị hủy hoại nhưng với người giàu thời này thì chuyện đó không thành vấn đề. Họ có thể mua răng từ người khác để cấy trở lại.
Sau trận Waterloo tại Bỉ vào năm 1815, răng của các binh sĩ tử trận từng được dùng để làm vật cấy ghép. Việc này tồn tại đến mãi giai đoạn sau của thế kỷ 19, mặc dù lúc đó răng giả làm từ sứ đã xuất hiện nhưng một số nha sĩ vẫn thích sử dụng răng của các binh sĩ tử trận hơn.
Tóc sáng màu
Nhờ nhà thơ Petrarch nổi tiếng và Laura, nàng thơ của anh và cũng là biểu tượng của sắc đẹp và đức hạnh sau này, trào lưu tóc sáng màu mới trở nên rất phổ biến vào thế kỷ 15. Để làm sáng màu tóc, phụ nữ phải dành vài ngày để nhuộm tóc.
Theo một ghi chép từ thế kỷ 12 mô tả, quá trình nhuộm tóc gồm 2 giai đoạn. Sau khi bôi lên tóc thứ hỗn hợp đầu tiên, người ta sẽ tiến hành phủ lá lên đầu khoảng 2 ngày. Chờ đến khi tóc được tẩy sáng, một hỗn hợp khác sẽ được sử dụng trong khoảng 4 ngày nữa mới hoàn thiện.
Vòng eo thon
Những nguyên mẫu của áo nịt để khiến eo trông thon gọn hơn đã xuất hiện từ thời đại đồ đồng. Nhưng ở châu Âu, áo nịt đã được sử dụng từ thế kỷ 15-16.
Theo một số chuyên gia, đỉnh cao của trào lưu này chính là thời kỳ trị vì của vương hậu Catherine de' Medici nước Pháp. Thời đó, những tấm áo nịt có thể siết đến tận 10 inch (hơn 25cm). Tuy nhiên, điều này có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới các cơ quan nội tạng trong cơ thể.
Theo Dân trí