Nhiều người cho rằng, Grammy 2016 là một trong những mùa Grammy thiếu ấn tượng và nhạt nhòa nhất. Đến nữ ca sĩ như Adele còn phải bỏ ra ngoài ăn hamburger vì màn trình diễn của cô bị dính quá nhiều lỗi âm thanh.

Nhưng trên hết, Grammy vẫn là chương trình sở hữu những màn trình diễn kinh điển của nền âm nhạc Hoa Kỳ. Hãy cùng điểm lại những màn trình diễn đó.

One moment in time – Whitney Houston (Grammy 1989)

Năm 1989, Whitney Houston đã khiến cả khán phòng Grammy phải vỡ òa với chất giọng đẹp lộng lẫy, khỏe khoắn, vang sảng, đầy điêu luyện khi trình diễn One moment in time – ca khúc chủ đề của Thế vận hội Mùa hè 1988.


Trong màn trình diễn này, Whitney đã outsinging, tung ra những note đô thăng quãng 5 và rê quãng 5 giọng ngực hào sảng, rền như tiếng bom, chắc như núi đá, khiến toàn thể khán giả chìm đắm trong cơn bão cảm xúc đến từ giọng hát có một không hai của cô.

Cũng chính từ màn trình diễn này, Whitney được mọi người ca tụng là The Voice của nước Mỹ, là diva đầu tiên của nhạc pop được xưng danh.

Whitney đã hát lại ca khúc này nhiều lần trong những chương trình khác, nhưng không thể hay như ở Grammy. Đây cũng là một trong những màn trình diễn tuyệt vời nhất cô thực hiện được trong sự nghiệp của mình.

Liên khúc The way you make me feel và Man in the mirror – Michael Jackson (Grammy 1988)

Dù đã từng khiến khán giả bất ngờ bởi điệu nhảy Moonwalk vào Grammy 1984, nhưng phải đến Grammy 1988, Michael Jackson mới làm thế giới siêu lòng trong liên khúc The way you make me feel Man in the mirror.

Trong liên khúc này, Michael đã kết hợp tài tình giữa vũ đạo và ca hát, hát rất tuyệt cùng những bước nhảy điêu luyện, chuẩn xác từng nhịp nhạc. 


Michael đã thực hiện những động tác nhảy kinh điển trong sự nghiệp của anh, tạo nên một dấu ấn không thể phai mờ trong lịch sử Grammy.

Có thể nói, đây là màn trình diễn có vũ đạo đẹp và công phu nhất Grammy tính đến thời điểm bấy giờ.

It’s a man’s world – Christina Aguilera (Grammy 2007)

Giữa không khí của pop, jazz, R&B, Christina nổi bật hơn cả khi đưa nhạc soul những năm 70 trở lại trong màn trình diễn tưởng nhớ danh ca James Brown và thổi vào đó màu sắc trẻ trung, hiện đại hơn.


Xuất hiện trong bộ suit trắng nam tính thể hiện quyền lực phụ nữ, Christina khiến toàn thể khán giả phải choáng váng vì chất giọng quá khỏe - đẹp của mình, sáng rực và bão tố đến từng note nhạc. Đặc biệt là cú giả thanh mi quãng 6 và đẩy giọng ngực mi quãng 5 đã tạo nên thương hiệu của cô. Grammy sẽ khó có thể lặp lại những màn trình diễn đơn giản mà đẳng cấp như vậy.

Liên khúc Gospel – Whitney Houston, Cece Winnans, Mary J Blige, Brandy, Chaka Khans, Aretha Franklin (Grammy 1997)

Khi Grammy ngày nay chủ yếu là âm thanh điện tử, những màn trình diễn bắt mắt, người ta cảm thấy nhớ biết bao nhiêu cái thời những nữ nghệ sĩ làm chủ sân khấu bằng tiếng hát trung thực nhất của họ.


Gospel là một trong những dòng nhạc truyền thống của người Mỹ, tiền bối của các dòng soul, r&b ngày nay và là cái nôi của những diva, nữ vocalist đậm chất Mỹ. Nhưng có vẻ giờ đây công chúng đã quên đi sự có mặt của nó giữa dòng chảy của nhiều thể loại âm nhạc mới. Grammy không còn quan tâm đến nó và nó lui vào những sân khấu nhỏ hơn.

Quay về năm 1997, Gospel đã có giờ khắc hoàng kim trên sân khấu Grammy, khi được dành riêng một màn trình diễn dài với những diva hàng đầu thế giới, khiến toàn thể khán giả thán phục. Đây xứng đáng là màn trình diễn đáng nhớ, một đi không trở lại của Grammy.

Hung up – Madonna (Grammy 2006)

Madonna luôn khiến khán giả bất ngờ bởi những màn trình diễn công phu, áp dụng công nghệ tân tiến, hiện đại nhất của mình.

Tại Grammy 2006, cô đã khiến khán giả đã mắt khi dùng công nghệ đồ họa 3D để làm backdrop và diễn cùng nó trong ca khúc Hung up. Người xem không những được thưởng thức âm nhạc mà còn được chiêu đãi bữa tiệc ánh sáng, đồ họa đầy hấp dẫn.


Vì vậy, Madonna được xem như ca sĩ tiên phong việc sử dụng và diễn cùng backdrop tại Grammy nói riêng và thế giới nói chung, khiến nhiều ca sĩ sau này học hỏi.

If I were a boy – Beyonce (Grammy 2010)

Tại Grammy 2010, Beyonce đã gây bất ngờ lớn với công chúng khi sử dụng một lượng vũ công lớn để phong tỏa toàn bộ sân khấu lẫn khán đài, tạo nên cảnh tượng hoành tráng, đồ sộ chưa từng có.


Không chỉ hát khỏe, Beyonce còn sở hữu những vũ đạo mạnh mẽ, nóng bỏng.

Rolling in the deep – Adele (Grammy 2012)

2012 là năm Grammy đạt kỉ lục về lượt xem nhờ có sự xuất hiện của Adele.


Đơn giản, không màu mè, chỉ cần đứng một chỗ và hát, Adele đã tạo nên màn trình diễn đẳng cấp, khác biệt với các màn trình diễn đậm tính công nghệ khác, ghi dấu ấn lớn với công chúng.

Nessun Dorma - Aretha Franklin (Grammy 1998)

Tại Grammy 1998, nam danh ca opera Pavarotti được chỉ định hát ca khúc Nessun Dorma. Đây là điều đáng nhớ, vì Grammy thường bỏ qua dòng nhạc cổ điển để tập trung vào các thể loại đại chúng. Thế nhưng Pavarotti đã đổ bệnh ngay trước khi diễn ra.

Chỉ tới 20 phút trước khi màn trình diễn bắt đầu, Aretha mới được thông báo là sẽ hát thay Pavarotti. Như vậy, bà không hề có sự chuẩn bị trước, không hề được tập với dàn nhạc. Trong khi đó, hát opera với dàn nhạc giao hưởng là cả một vấn đề hàn lâm mà ngay cả ca sĩ chính thống cũng phải luyện tập vài ngày mới hát được. 


Vậy mà Aretha đã tạo nên được kì tích khi hát lại với dàn nhạc giao hưởng ca khúc đó, nhưng lại biến tấu theo chất soul riêng vốn có của mình mà vẫn phù hợp với bản nhạc opera, không chệch đi tone hay nhịp nào. Cả thế giới đã phải nghiêng mình thán phục trước khả năng cảm nhạc tuyệt vời của bà. 

Những màn trình diễn trên thể hiện tài năng, đẳng cấp của các nghệ sĩ lớn đi trước, và cho thấy chất lượng của Grammy trước đây so với mùa 2016 năm nay là một trời - một vực.

Đức Long
Theo Vietnamnet