Chiều nay 15/5, TAND TP Hoà Bình chuyển sang phần xét hỏi các bị cáo trong vụ án hình sự xảy ra tại BV đa khoa tỉnh Hoà Bình khiến 8 bệnh nhân tử vong.

Ký hợp đồng sau khi xảy ra sự cố

Trước toà, bị cáo Bùi Mạnh Quốc khai, dù không được học về chuyên ngành lọc nước nhưng đã có kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực này 12 năm, lắp đặt, bảo dưỡng nhiều hệ thống lọc thận của nhiều BV trên cả nước. Quốc cũng từng là trưởng phòng kĩ thuật của công ty xử lý nước Minh Hoàng.

Từ tháng 11/2016, bị cáo Quốc thành lập công ty riêng lấy tên là Trâm Anh. Dù vậy, Quốc khai từ năm 2013 đã bắt đầu có quan hệ làm ăn với công ty Thiên Sơn - đơn vị trực tiếp ký hợp đồng với BV đa khoa tỉnh Hoà Bình để thay thế, sửa chữa hệ thống lọc nước RO cho các máy chạy thận.

Cũng từ 2013, Quốc đã được Đỗ Anh Tuấn - Giám đốc công ty Thiên Sơn đưa đến BV đa khoa tỉnh Hoà Bình để giới thiệu, sửa chữa hệ thống nước RO. Mỗi năm, Quốc đến ít nhất 2-3 lần để bảo trì, lọc rửa thiết bị với tư cách nhân viên của Thiên Sơn, lần nào cũng làm việc với Trần Văn Sơn - nhân viên phòng vật tư của BV.


Bị cáo Bùi Mạnh Quốc (ngoài cùng bên phải)

Tháng 4/2017, Quốc nhận được điện thoại của công ty Thiên Sơn, yêu cầu báo giá các hạng mục sửa chữa hệ thống nước RO số 2 tại BV đa khoa tỉnh Hoà Bình. Ngày 28/5, Quốc đến BV để thay thế.

Chủ tọa hỏi: “Bị cáo có biết về hợp đồng giữa công ty Thiên Sơn và BV đa khoa tỉnh Hoà Bình hay có biết về thoả thuận về việc thay thế, sửa chữa hệ thống lọc nước và vệ sinh màng lọc không?”. Bị cáo Quốc trả lời không biết, chỉ thực hiện các hạng mục như đã báo giá.

“Trong hồ sơ có nói hợp đồng giữa Thiên Sơn và Trâm Anh là 70 triệu đồng, có đúng không?” - "Không đúng. Tổng giá trị hợp đồng chỉ có gần 50 triệu".

“Hợp đồng giữa Trâm Anh và Thiên Sơn ghi ngày 25/5 có đúng không?”. Bị cáo Quốc trả lời: Bị cáo nhớ ký vào chiều 29/5.

“Tức sau khi sự cố xảy ra?”. Bị cáo Quốc: Vâng ạ.

Quốc cũng khai nhận, ngày 28/5, dù chưa ký hợp đồng với Thiên Sơn nhưng đã nắm được nội dung sửa chữa thiết bị tại BV đa khoa tỉnh Hoà Bình, căn cứ theo hạng mục báo giá.

"Không biết 2 hoá chất bị cấm"

Bị cáo Quốc khai rõ, trong phần báo giá với Thiên Sơn có nói, ngoài nội dung công việc phải thực hiện, Quốc phải có trách nhiệm lấy mẫu nước để xét nghiệm theo tiêu chuẩn AAMI, kết quả đạt mới được thanh toán.

Do ngày sửa chữa vào 28/5 là thứ 7, không có đủ đại điện 3 bên gồm người thay thế, công ty Thiên Sơn và cán bộ phòng vật tư, trang thiết bị của BV nên chưa thể lấy mẫu.

- Sau khi sửa chữa, chưa lấy mẫu mà đưa vào sử dụng thì đã được phép chưa?

Chưa được phép ạ.

- Ngày 28/5, bị cáo đã thực hiện hết nội dung công việc bên Thiên Sơn giao chưa?

Chưa xong ạ. Vì trước khi nghỉ, bị cáo có gọi cho bị cáo Trần Văn Sơn - cán bộ phòng vật tư của BV để khoá cửa, báo sáng mai sẽ đến lấy mẫu xét nghiệm.

7h30 sáng 29/5, Quốc đến đơn nguyên thận nhân tạo của BV để lấy mẫu đã thấy máy chạy thận hoạt động. Quốc có hỏi điều dưỡng Nguyễn Thị Hằng: “Sao không để lấy mẫu xong hãng chạy?". Chị Hằng nói: Không thấy ai nói gì, thôi để ca sau lấy.

Sau đó Quốc có gọi điện cho bị cáo Trần Văn Sơn, một lúc sau thì sự cố xảy ra.

Quốc khai, trước đó đã từng nhắc nhở bị cáo Trần Văn Sơn và Đỗ Anh Tuấn rằng việc cho chạy thận khi chưa lấy mẫu nước cũng nguy hiểm. Tuy nhiên công ty Thiên Sơn phản hồi: Xét nghiệm mất 10-15 ngày, nếu chờ thì bệnh nhân chạy thận ở đâu.

Khi HĐXX hỏi căn cứ nào để Quốc lựa chọn axit flohydric (HF) và axit clohydric (HCL) để sục rửa các màng lọc, Quốc nói dựa theo kinh nghiệm lâu năm.

Quốc khai 2 hoá chất trên được mua tại công ty kinh doanh hoá chất, sau đó được pha loãng với tỉ lệ 5% để vệ sinh bên ngoài vỏ màng RO và mang thêm 20 lít javen để tiệt trùng nước RO.

HĐXX hỏi: “Vậy làm sao để không tồn dư hoá chất?”, Quốc trả lời, nhiều lần trước, sau khi vệ sinh, sục rửa màng RO, Quốc dùng nước sạch để rửa sạch từ 1-3 tiếng, sau đó đánh giá độ kiểm soát dẫn điện.

“Không có văn bản nào quy định, chỉ căn cứ vào những lần trước bị cáo làm và chất lượng mẫu nước sau cùng khi đi kiểm tra”, bị cáo Quốc nói.

Quốc cũng thừa nhận, bản thân làm theo chỉ dẫn và kinh nghiệm suốt từ 2006, riêng tại BV đa khoa tỉnh Hoà Bình là từ 2013 nhưng chưa từng xảy ra sự cố.

“Bị cáo cũng không biết 2 hoá chất đó bị cấm dùng trong y tế”, bị cáo Quốc thừa nhận.

Về nội dung liên quan đến chất lượng nước sau bảo dưỡng, bị cáo Trần Văn Sơn cho biết, trong báo giá có nội dung lấy mẫu nước đi làm xét nghiệm nhưng đó có phải yêu cầu bắt buộc không thì không biết.

“Từ khi được phân công phụ trách thiết bị của đơn nguyên chạy thận, tất cả các lần sửa chữa đều không có nội dung phải lấy mẫu, nhưng riêng ngày 28/5 lại có. Đến thời điểm xảy ra sự cố, không có ai cung cấp văn bản hay thông báo bắt buộc phải lấy mẫu nước xét nghiệm”, bị cáo Sơn khai.

Sơn cũng khẳng định, các lần bảo dưỡng trước đó, sau sửa chữa đều đưa vào sử dụng ngay.

"Bị cáo không có chuyên môn nên không biết dùng hoá chất gì để tiệt trùng cho hệ thống nước", Sơn thừa nhận.


Bị cáo Hoàng Công Lương tại toà

Phần cuối, toà chuyển sang xét hỏi bị cáo Hoàng Công Lương. Bị cáo cho biết, sau khi điều dưỡng Điệp thông báo với tất cả mọi người rằng bên vật tư đã bảo dưỡng, sửa chữa xong, bị cáo và 2 bác sĩ khác mới ra y lệnh chạy thận.

Bị cáo cũng khẳng định, nhiệm vụ tại đơn nguyên chạy thận chỉ là điều trị, các thủ tục nhận bàn giao thiết bị do điều dưỡng hành chính, điều dưỡng trực nhận. Ngày 28/5 điều dưỡng Điệp trực, nhận bàn giao máy.

Toà kết thúc phiên xét hỏi chiều nay. Sáng mai 16/5 tiếp tục làm việc.


Gia đình nạn nhân vụ chạy thận nói bác sĩ Hoàng Công Lương vô tội (Video: Zing)

Theo Vietnamnet