Chuẩn bị cơm tiễn ông Công, ông Táo về trời vào ngày 23 tháng Chạp là nét văn hóa lâu đời của người Việt. "Đến hẹn lại lên", chị Linh Nguyễn (Sài Gòn), một bà nội trợ có tiếng trên mạng xã hội nhờ thường xuyên chia sẻ các món ăn ngon, mâm cơm hấp dẫn cũng cẩn thận chuẩn bị một mâm cơm mặn cúng ông Công ông Táo tươm tất, thậm chí còn sáng tạo để bữa ăn không còn nhàm chán.
Chị Linh Nguyễn mớ đây chuẩn bị một mâm cơm mặn cúng ông Công ông Táo tươm tất.
Chị Linh cho biết, mâm cơm tiễn ông Công ông Táo về trời được chuẩn bị đủ đầy các lễ vật chính như gạo, muối, trái cây, hoa tươi, trà... Ngoài ra không thể thiếu món mặn, gồm 6 món được chủ nhân biến tấu sáng tạo so với thực đơn truyền thống nhằm tăng độ hấp dẫn, lạ miệng.
Ngoài ra, chị Linh còn chú trọng ở khâu trình bày để các món ăn trông hấp dẫn, khi thưởng thức sẽ thấy ngon miệng.
Mâm cỗ mặn do chi Linh chuẩn bị.
Mâm cỗ mặn của chị Linh Nguyễn bao gồm các món sau:
- Cá basa kho thơm
- Nấm kim châm hấp thịt băm xì dầu
- Su su xào tỏi
- Canh chua rau muống tép đồng
- Chả cá chép
- Giò thủ
Dưới đây là cách làm cụ thể các món, các chị em có thể tham khảo:
1. Cá basa kho thơm
Ướp cá basa với chút nước mắm, đường, hạt nêm, tiêu xay, ớt tươi, đầu hành lá và hành tím băm nhuyễn. Làm nóng chảo dầu, thêm 1 muỗng đường vào khuấy đều đến khi tan hết, cho cá basa cùng nước vào kho sôi trên lửa nhỏ.
Khi thấy nước trong nồi bắt đầu sệt lại, thả dứa cắt miếng vào, kho thêm vài phút thêm hành lá, ớt rồi tắt bếp.
2. Nấm kim châm hấp thịt băm xì dầu
Nấm kim châm sơ chế sạch sẽ, bày ra đĩa. Thịt lợn băm nhỏ, ướp với hành tím băm. Làm nóng chảo dầu, phi thơm tỏi, đổ thịt vào xào chín.
Pha nước sốt theo tỷ lệ: 2 muỗng nước tương, 1 muỗng hạt nêm, 1 muỗng đường, 1/2 muỗng dầu ăn. Tiếp đến, cho đĩa nấm kim châm vào hấp khoảng 7 phút, đổ hỗn hợp nước sốt vào, hấp thêm khoảng 3 phút, tắt bếp. Đổ thịt xào lên trên, rắc thêm hành lá và ớt cắt băm nhuyễn.
3. Su su xào tỏi
Su su gọt vỏ, rửa sạch, cắt miếng. Làm nóng chảo dầu, phi thơm tỏi, thả su su vào xào, nêm chút hạt tiêu, mắm, muối, bột ngọt rồi đậy vung cho nhanh chín. Tắt bếp, rắc hành lá lên trên.
4. Canh chua rau muống tép đồng
Tép rửa sạch, để ráo. Rau muống nhặt lấy cọng non, cắt khúc nhỏ. Ngâm me (hoặc sấu) với nước sôi đến khi mềm sẽ dầm nhuyễn, lọc lấy nước cốt. Tỏi và hành tím đập dập, băm nhuyễn.
Sau đó, phi thơm hành tím và tỏi, cho tép vào xào, nêm ít nước mắm và muối rồi đổ nước vào đun. Tiếp tục, thả rau muống và nước cốt me vào đun sôi, tắt bếp. Múc canh ra tô, rắc thêm rau thơm, mùi tàu, tỏi phi thơm.
5. Chả cá chép
Cá xay nhuyễn vừa phải, nêm chút nước mắm, đường, dầu ăn, hạt nêm, bột ngọt, hạt tiêu cùng đầu hành lá, hành tím, ớt cắt nhỏ. Tiếp đến, cho bột cà ri (hoặc bột dành dành) vào tạo màu, xay nhuyễn thêm khoảng 20 giây.
Quét một lớp dầu mỏng lên khuôn hình cá chép, đổ chả cá xay đã xay vào kín khuôn. Sử dụng hạt tiêu làm mắt cá. Dùng màng bọc thực phẩm bọc khuôn lại, mang hấp khoảng 30 phút.
6. Giò thủ
Tai và má heo làm sạch bằng dấm trắng, luộc chín tới. Ngâm trong bát nước đá khoảng vài phút rồi vớt ra, để ráo rồi thái mỏng. Nấm mèo và nấm hương rửa sạch, cắt sợi. Trộn tai, má heo với hạt tiêu, nước mắm trong 20 phút.
Làm nóng chảo dầu, phi thơm hành tím, cho tai và má heo vào xào săn. Thêm nấm mèo và nấm hương cắt sợi vào xào thêm ít phút rồi tắt bếp. Thịt nguội bớt đổ vào khuôn nén chặt, mang trữ trong ngăn mát tủ lạnh khoảng 2 tiếng.
Vậy là đã có một mâm cỗ mặn cúng ông Công ông Táo rồi!
Dĩnh Anh (Ảnh NVCC)
Theo Vietnamnet