9 đứa trẻ mất tích tại chùa Bồ Đề đang ở đâu?

Những đứa trẻ kháu khỉnh như Tùng Anh, Duy Anh, Mai Anh, Vi Anh, Huy Anh, Việt Anh… đã biến mất khỏi chùa Bồ Đề trong khi sư thầy Đàm Lan khẳng định không hề cho nhận con nuôi.

>>> Bảo mẫu chùa Bồ Đề: 'Mày cút theo khách luôn đi'
>>> Vụ mua bán trẻ tại chùa Bồ Đề: Tiếp tục điều tra 9 cháu mất tích
>>> Cuộc sống của trẻ mồ côi ở chùa Bồ Đề
>>> Trẻ mồ côi bị "cách ly" sau vụ bắt bảo mẫu chùa Bồ Đề

Vài ngày sau khi bắt giữ 2 người liên quan đến vụ mua bán trẻ em ở chùa Bồ Đề (Hà Nội), chiều 5/8, đại diện Phòng Cảnh sát hình sự, Công an Hà Nội cũng xác nhận, cơ quan điều tra đã tiếp nhận gần chục lá đơn phản ánh việc còn 9 cháu bé khác từng được nuôi dưỡng tại chùa Bồ Đề nhưng nay đã "biến mất". Cơ quan này đang tiếp tục mở rộng vụ án, làm rõ các nội dung tố giác.

Từng làm thiện nguyện thời gian dài tại chùa Bồ Đề, khi thấy sự vắng mặt không lý do của nhiều trẻ mồ côi được nuôi ở đây, ngày 24/7, các anh, chị Nguyễn Bích Ngọc, Nguyễn Việt Linh, Nguyễn Thị Phương, Lý Thúy Quỳnh, Nguyễn Thị Mai Phương, Bùi Vân Khánh Linh đã làm đơn gửi báo Phụ nữ TP.HCM đề nghị điều tra vụ việc.

Sư thầy Thích Đàm Lan bế bé Phúc Anh 9 tháng tuổi dương tính với
HIV. Ảnh: Tiến Dũng (chụp tháng 3/2009).


“Các cháu lớn rồi phải bay đi chứ!”

"Nhiều đứa trẻ xinh xắn, đẹp đẽ mà chúng tôi bế ẵm trong lòng từ khi còn nhỏ, sau một thời gian bỗng dưng 'biến mất' một cách khó hiểu", chị Ngọc chia sẻ.

Theo nhóm thiện nguyện, bé Tùng Anh (hay còn gọi là Khoai) chính là bé sơ sinh chưa rụng dây rốn được nhà chùa nhận nuôi cuối tháng 8/2007, đến đầu năm 2008 bỗng dưng "mất tích". Các cô chăm nuôi và sư cô cho biết, cháu được mẹ ruột đón về.

"Nếu là mẹ ruột đến đón thì khi giao cháu, có sự chứng kiến hay báo cáo cấp chính quyền, công an sở tại?", nhóm này thắc mắc và cho hay, tháng 8/2007 bé Việt Anh vào chùa cùng thời điểm Tùng Anh và Hùng Anh nhưng đến tháng 5/2010 bé này bỗng dưng không còn ở chùa.

“Khi tôi và các anh chị em khác hỏi thì được biết, Việt Anh được một gia đình ở gần chùa nhận nuôi. Trong khi đó, trả lời báo giới, sư bà khẳng định từ trước tới nay chỉ cho nhận nuôi duy nhất một trường hợp ở Ngô Thì Nhậm. Vậy cháu Việt Anh đã được cho ai nhận nuôi?”, chị Ngọc băn khoăn.

Bé Minh Anh vào chùa năm 2007 khi em gần một tuổi nhưng năm 2012 cậu bé không còn ở đây. "Nghe thông tin, Minh Anh được cô Cúc (người trực tiếp chăm sóc bé Minh Anh ở chùa) đưa về quê nuôi. Nhưng ngày 19/7/2014, sau nhiều bài báo nghi vấn viết về chùa, nhóm quyết tâm dò hỏi thì nhận được thông tin mẹ đẻ cháu đến đón cháu, đưa đi về tận Kiên Giang", nhóm này chia sẻ thêm.

Những em bé khác bị "biến mất", theo liệt kê của nhóm thiện nguyện gồm: bé Duy Anh, Bảo Anh, Mai Anh, Vi Anh, Huy Anh được nuôi dưỡng từ năm 2009.

Với gương mặt thông minh, ngoan ngoãn nên bé Việt Anh (19 tháng tuổi) được
nhiều người nhận đỡ đầu. Ảnh: Tiến Dũng (chụp tháng 3/2009).


Giữa tháng 7 vừa qua, nhóm thiện nguyện quay lại chùa Bồ Đề gặp bà Nguyễn Thanh Hải (người chăm sóc trẻ từ năm 2007 tới nay) hỏi về sự mất tích này nhưng bà Hải chỉ trả lời qua loa và cho biết “chúng nó như chim, đã lớn rồi thì phải bay đi chứ”. Khi bị truy hỏi tiếp: “Ai đang nuôi dưỡng cháu hay mẹ ruột đến đón?”, người này ậm ừ: "Thì các cháu đi các nơi khác".

Cũng theo nhóm này, còn một số bé cũng "mất tích", dù họ không nhớ tên nhưng giữ được ảnh, có nhân chứng chứng minh được sự tồn tại của các cháu tại chùa Bồ Đề.

Gần đây, trước sức ép của dư luận sau khi một bảo mẫu tại chùa bị bắt vì liên quan đến vụ mua bán trẻ em, sư thầy Thích Đàm Lan khẳng định: “Chùa không hề cho - nhận con nuôi bất cứ trường hợp nào”. Trong khi đó, lãnh đạo phường Bồ Đề, quận Long Biên (Hà Nội) lại nói rằng: “Từ trước đến nay, chùa Bồ Đề chỉ cho con nuôi vài trường hợp...”.

Biến trẻ có mẹ thành trẻ bị bỏ rơi

Trước sự "biến mất" đáng ngờ của bé Cù Việt Anh, chị Ánh (quê Tam Nông, Phú Thọ) tự nhận là mẹ cháu bé đã gửi đơn về báo Phụ nữ TP HCM. Chị Ánh cho biết, sinh bé Việt Anh tại Bệnh viện E (Hà Nội) ngày 1/10/2007. Một mình nuôi con được khoảng 3 tháng, chị đành phải gửi cháu vào chùa một thời gian.

Sư Đàm Lan nhận con chị và giữ luôn giấy chứng sinh của cháu. Sau đó, trụ trì chùa tự đi khai sinh và lấy tên cháu là Việt Anh mà chị không biết. “Tôi hoàn toàn không biết con mình bị khai là trẻ bị bỏ rơi. Lúc nào tôi cũng hy vọng có thể sớm đón con về”, chị Ánh đau khổ nói.

Trả lời về trường hợp này, ni sư Đàm Lan cho biết đã cho bé Việt Anh làm con nuôi một gia đình giàu có ở Hà Nội. Gia đình này có hai con trai, họ bế bé Việt Anh về nuôi từ tháng 2/2009 nhưng tháng 9/2010 mới gửi đơn “xin nhận con nuôi” đến phường Bồ Đề. Hồ sơ cho - nhận con nuôi có bút tích của ni sư Đàm Lan tại nhiều văn bản như: giấy khai sinh, giấy thỏa thuận về việc cho và nhận con nuôi...

Bé Vi Anh (10 tháng tuổi) bị bỏ rơi vào chùa từ khi lọt lòng.
Ảnh: Tiến Dũng (chụp tháng 3/2009).


Không chỉ thắc mắc về sự mất tích của nhiều trẻ, những người thường xuyên đến chùa làm thiện nguyện còn nêu nghi vấn khi hầu hết các cháu đều được đặt tên là "Anh", chỉ khác họ đệm. Hiện, trong chùa vẫn có Tùng Anh, Việt Anh nhưng không phải là những bé trước đây. Với cách đặt tên này, nếu ai không sang chùa thường xuyên, hoặc không chăm sóc các bé từ thời gian đầu (năm 2007, 2008) thì sẽ không thể phát hiện được sự biến mất này.

Số lượng chính xác trẻ được chăm sóc, nuôi dưỡng tại chùa cũng là vấn đề nhiều người thắc mắc. Theo báo cáo của UBND quận Long Biên, tháng 5/2013 có 121 trẻ được nuôi tại chùa (trong đó có 25 trẻ sơ sinh). Tổng số người được bảo trợ ở tại chùa từ ngày 6/5/2013 là 200 - kể cả người già.
Tuy nhiên, vài ngày sau khi con số này được công khai, chùa Bồ Đề cho hay chỉ nuôi dưỡng 192 người và không giải thích được lý do vắng mặt của 8 người. Mới đây nhất, tại biên bản cuộc họp ngày 17/7 với các ban, ngành chức năng địa phương, sư thầy Đàm Lan cho biết, số lượng hiện tại đang ở chùa là 106 trẻ, trong đó có 18 trẻ sơ sinh.

Theo Zing

Tin tức mới nhất