Khu chợ cóc thuộc khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Kim Chung - Đông Anh - Hà Nội) là nơi bán rất nhiều thịt lợn ế, ôi thiu, có cả thịt lợn bị bệnh, ốm chết. Giá thì không thể rẻ hơn: chỉ từ 30 ngàn đồng/kg đến 60 ngàn đồng/kg. Theo tiết lộ của nhiều người hay mua hàng ở đây cũng như một vài tiểu thương thì khách hàng mua thịt ở chợ này chủ yếu là người lao động thu nhập thấp và các quán cơm bình dân giá rẻ.

Ôi thiu vẫn ăn vì quá rẻ

Theo chúng tôi tìm hiểu, khách hàng ở khu chợ này cũng chia thành hai nhóm với hai loại hàng khác nhau. Đối với loại thịt bán ế, đã chuyển qua ôi, có mùi một chút thì khách hàng chủ yếu là người lao động thu nhập thấp, chủ yếu là công nhân. Dù biết thịt ôi thiu, thịt “ế” từ nội thành tuồn về bán tại khu chợ nhưng nhiều người vẫn tặc lưỡi mua về ăn vì giá quá rẻ, phù hợp với đồng lương bèo bọt. Chị M.H, một công nhân may mặc trên địa bàn tâm sự: "Công nhân tụi em có nhiều tiền đâu mà mua cho ngon. Thôi đành chấp nhận ăn loại rẻ. Đây là thịt người ta bán ế, người phố người ta không ăn thì mình ăn. Tuy đã ôi, không còn tươi ngon, có khi cũng có mùi tí nhưng mua về chịu khó chế biến, ngâm nước sôi cho tí muối vô vẫn thơm ngon anh ạ."

Clip ghi ở chợ thịt bẩn, ôi thiu bày la liệt dưới đất

Có rất nhiều công nhân, người lao động nghèo giống như chị M.H, biết là thịt không ngon nhưng vẫn ăn thịt ở chợ này nhiều năm nay và việc ăn loại thịt này như một thói quen. Và để mua được thịt được cho là ngon ở chợ này, mọi người cũng rỉ tai nhau cách chọn thịt.

Một nữ công nhân chia sẻ: “Chỉ nên mua thịt ế được tiểu thương mang từ nội thành vào chứ đừng mua thịt chết, lợn bệnh. Cách phân biệt tốt nhất là những hàng thịt bán lẻ, bán chỉ một vài kg thôi. Còn thịt ốm, lợn chết thì màu đã ngả sang thâm thâm mà người ta bán cả tảng, cả chục kg, loại này đừng bao giờ mua”.

Nữ công nhân dẫn chúng tôi đến 1 sạp thịt được cho là "ngon" nhất chợ.

Vừa nói, người phụ nữ vừa chỉ vào một hàng thịt quen và nói với người bán thịt: “Hôm nay không còn thịt ba chỉ à, mà thịt có “tươi” không vậy”. Ngay lập tức, người bán thịt nói: “Hôm nay chỉ ế mấy cân thịt mông và tai mũi thôi chứ không còn thịt ba chỉ, thịt tươi thế này rồi mà còn chê à. Lấy bao nhiêu, 1kg nhé, có 6 đồng thôi (tức 60.000 đồng/kg – PV)”.

Những cây giò nạc cũng được bày bán dưới đất.

Một quầy thịt cũ đã ngả màu được bán với giá rất rẻ cho cả tảng thịt: chỉ 20 - 30.000đ/ kg.

Tuy người bán quảng cáo là thịt “ngon” thịt “tươi” nhưng ruồi muỗi bu quanh, người bán hàng luôn tay đuổi. Mùi thịt ôi bốc lên nồng nặc. màu của tảng thịt nhìn bằng mắt thường có thể thấy chuyển sang đỏ thẫm, thịt săn lại, đôi chỗ thâm sì như bị úng. Bên dưới miếng thịt mà một tấm bìa cát-tông kê sát đất, tay người phụ nữ thoăn thoắt bốc từng miếng thịt giơ lên, đặt xuống mời chào khách.

Quầy thịt này giới thiệu có cả thịt ế và thịt lợn cung cấp cho quán ăn.

Sau khi bán cho chúng tôi miếng thịt lợn hơn 4 lạng chỉ có 20 ngàn đồng, người phụ nữ này nói: “Thịt thối, thịt chết và bệnh bán ở hàng bên kia kìa, mà người mua lẻ về ăn tốt nhất đừng bao giờ mua. Cái đó chỉ dành cho các tiệm cơm, tiệm ăn bình dân thôi”. Bản thân người bán cũng chủ động giới thiệu cho người mua loại thịt để ăn trong gia đình (thịt cũ, giá rẻ nhưng vẫn "ngon"), còn thịt tảng, miếng lớn chất lượng tệ hơn thì chỉ bán cho dân buôn, người mua nhiều về chế biến cho quán xá.

Những người mua thịt không cần trả giá

Chợ hoạt động từ 12 giờ đến 15 giờ và phân biệt rất rõ ràng thành hai quầy bán thịt “ế” riêng và bán thịt lợn ốm – lợn chết riêng. Nếu như quầy thịt ế đa phần công nhân mua về ăn để tiết kiệm chi phí cho bữa cơm thì quầy thịt lợn ốm, chết lại được những chủ quán cơm giá rẻ, bình dân mua về để nấu bán cho khách hàng. Những người mua thịt loại này không cần trả giá, chỉ nói số lượng trả tiền rồi xách về.

Họ thường mua thịt với số lượng từ 5-10kg cho một lần. Bản thân những khách hàng này được xem là “thượng đế” bởi giá thịt họ mua luôn rẻ nhất, trong khi đó chẳng bao giờ phải mất công mặc cả, họ chỉ cần nói số lượng, loại thịt rồi nhận hàng và thanh toán là xong.

Một sạp thịt sắp xếp sẵn số thịt bẩn cho vào túi nilon ném lăn lóc dưới đất chờ khách quen đến nhận.

Với chủ sạp thịt này thì cho thịt vào trong chiếc làn nhựa sau khi nhận được đơn đặt hàng từ khách quen.

Thậm chí, họ đã gọi điện đặt hàng trước rồi chỉ cần đến thanh toán tiền rồi xách về. Đem thắc mắc này với một tiểu thương và được giải thích rằng, họ là khách hàng quen và chuyên thu mua thịt cũ, thịt ôi thiu với giá rẻ về để kinh doanh quán... cơm.

“Họ và khách V.I.P ở đây rồi và gần như ngày nào họ cũng lấy hàng nên không cần nói nhiều, không cần mặc cả mà chỉ cần đến lấy thịt, trả tiền rồi nhanh chóng rời khỏi chợ một cách chóng vánh”, nữ công nhân cho biết.


Những vị khách V.I.P đến nhận hàng, thanh toán rồi nhanh chóng ra về.

Nói xong, nữ công nhân này chỉ về 1 một góc cuối dãy hàng thịt, ruồi muỗi bu quanh, trong đó có mấy bịch mỡ lợn chừng 4kg/bịch, 1 bịch lòng lợn chừng 3kg và 1 bịch sườn rồi nói: “Đó, như sạp kia kìa họ đã dành sẵn thịt cho những vị khách mua về làm cơm bình dân bán cho lao động nghèo, công nhân ở khu loanh quanh đây đấy”.

Sau khi đi một vòng quanh chợ, các vị khách này nhanh chóng ghé các hàng quen, trả tiền và xách về những túi nilon lớn đựng thịt, mỡ, lòng, xương rồi nhanh chóng ra về.

Theo Afamily/ Tri Thức Trẻ