5 năm kết hôn, đã có 2 mặt con, tôi vẫn có một chuyện không thống nhất được với chồng.

Không phải chuyện kinh tế hay chuyện mẹ chồng, nàng dâu, khúc mắc lớn nhất giữa vợ chồng tôi là chuyện cái bể nước.

Nhà tôi và nhà chồng cách nhau 180km. Chúng tôi cùng sinh ra ở vùng quê, nhưng nhìn nhận một cách khách quan, quê tôi phát triển, hiện đại hơn quê chồng.

Ám ảnh mỗi lần về nhà chồng vì chiếc bể xi măng chứa nước-1
Tôi luôn tìm cách trì hoãn về nhà chồng vì lý do khó bày tỏ. Ảnh minh họa: Pinterest

Trong 5 năm yêu nhau, tôi chỉ về nhà anh 2 lần. Thuở đó, chúng tôi xác định mua nhà, an cư lập nghiệp ở thành phố nên tôi không quan trọng chuyện nhà chồng giàu hay nghèo, nhà to hay nhỏ. 

Thế nhưng, có thể coi đây là sai lầm của tôi. Sự khác biệt giữa văn hóa, lối sống, nếp sinh hoạt khiến tôi chật vật trong chuyện hòa nhập với nhà chồng.

Ở quê tôi, mọi nhà đều dùng cả nước giếng khoan lẫn nguồn nước sạch. Nước giếng khoan dùng để tắm giặt, sinh hoạt. Nguồn nước sạch dùng để ăn uống, dĩ nhiên vẫn qua bình lọc nước.

Quê chồng tôi thì khác, mọi nhà đều dùng nguồn nước do công ty nước sạch cung cấp. Ngặt một nỗi, cách trữ nước của nhà chồng tôi lại có vấn đề.

Trong khi người người nhà nhà dùng bể chứa nước inox thì nhà chồng tôi vẫn dùng bể xi măng xây từ gần 20 năm trước đó. Chiếc bể xi măng ấy lại quá nhỏ để chứa nước cho một gia đình 6 người dùng.

Chưa kể, mỗi lần về quê, chồng tôi còn gọi anh chị em đến tụ tập gần như đủ 3 bữa/ngày. Một bể nước đầy có khi chỉ dùng một ngày đã hết. Trong khi đó, 4 ngày họ mới cấp nước sạch một lần.

Giải pháp của nhà chồng tôi là dùng nước mưa. Nhà anh có một chiếc bể xi măng khác dùng để chứa nước mưa. Nước mưa chảy từ trên mái xuống rót thẳng vào bể.

Mỗi lần về quê, đặc biệt là dịp lễ, Tết phải ở lại dài ngày, tôi đều sợ hãi. Ngay cả chiếc bể xi măng chứa nước sạch cũng mọc đầy rong rêu. Chiếc mái che nửa kín, nửa hở, mọi người thường dùng chiếc xô nhỏ nhúng vào lấy nước mà không để ý xô sạch hay dính bụi bẩn.

Ấy vậy mà tôi chỉ mong nước sạch trong cái bể ấy đủ để nhà tôi dùng trong suốt những ngày ở đây. Nhưng không, nước thì ít mà người dùng thì nhiều, thường chỉ chưa đến một ngày đã cạn. Nhà tôi phải chuyển qua dùng bể nước mưa mà nước trong chiếc bể ấy thì... tôi rất sợ.

Hồi mới về nhà chồng, tôi đã góp ý với chồng mua thêm bể inox để trữ nước. Anh chần chừ mãi, lúc thì bảo chưa có thời gian, lúc lại nói chưa sắp xếp được nơi để bể. Tôi gợi ý để bể nước trên mái nhà thì anh nói, sợ bể nặng, sập mái nhà.

Sau này có con nhỏ, thấy việc thiếu nước quá bất tiện, tôi càng gắt gao hơn việc này. Tôi bảo anh đập hai chiếc bể xi măng kia đi, thay vào đó là hai bể chứa nước inox cỡ lớn, đảm bảo trữ đủ nước dùng cho cả tuần. Nhà tôi không giàu nhưng cũng không khó khăn khi mua bể.

Chồng tôi lại bảo, chiếc bể xi măng gắn liền với tuổi thơ của anh, là kỷ niệm ông bà anh để lại nên anh không nỡ đập bỏ. Sau này tôi mới biết, thực ra người không muốn đập bể xi măng, thay bằng bể inox là mẹ chồng. Còn lý do vì sao thì tôi không biết.

Chuyện nước nôi khiến tôi ngại về nhà chồng, nhất là khi có con nhỏ. Mỗi lần về, tôi lại lo chuyện nước tắm, nước pha sữa, nước nấu đồ ăn cho con. Có lúc, tôi phải lén đem bình sang nhà hàng xóm, xin chút nước sạch về nấu nước cho con uống. Hoặc có lần, tôi phải cất công nhét chục chai nước lọc dưới đáy vali để về quê sẵn có nước dùng.

Nhưng con tôi vẫn không tránh khỏi những lúc phải tắm bằng nước trong bể nước mưa. Không hợp nước, con hay bị ngứa ngáy, mẩn đỏ khiến tôi xót ruột.

Vì chuyện này, vợ chồng tôi hục hặc với nhau liên tục. Anh vin vào chuyện tôi chê bai nhà chồng, khinh rẻ nhà chồng để giận dỗi, thậm chí mắng nhiếc tôi. Còn tôi thì chỉ nghĩ cách làm sao trì hoãn việc đưa con về nhà chồng, để không phải đau đáu lo về nguồn nước.

Theo VietNamnet