Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Viện phó Viện Dinh dưỡng quốc gia, tinh bột kháng là loại carbonhydrate không tiêu hóa được trong ruột non, hoạt động giống chất xơ.

Loại tinh bột này cung cấp ít calo hơn tinh bột thông thường. Hàm lượng tinh bột kháng cao hơn trong cơm nguội giúp no lâu, tiêu hóa chậm, giảm cảm giác thèm ăn.

Quan niệm ăn cơm nguội giúp giảm cân nhanh là không hoàn toàn đúng, bởi cơm nguội chứa nhiều tinh bột, ăn nhiều vẫn có thể gây tăng cân.

Thực phẩm này còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhiễm khuẩn do để ở nhiệt độ bên ngoài, tăng nguy cơ ngộ độc, rối loạn tiêu hóa. Cơm nguội hâm đi hâm lại nhiều lần cũng giảm chất lượng, không đảm bảo dinh dưỡng.

Thông thường, cơm được nấu và bảo quản đúng cách thì có thể để ngoài môi trường nhiệt độ bình thường khoảng 24 tiếng không bị thiu. Quá thời gian trên, vi khuẩn, côn trùng xâm nhập sẽ làm biến chất, gây hiện tượng cơm thiu, chua.

Ăn cơm nguội có giảm cân?-1
Cơm nguội dễ nhiễm khuẩn do để ở nhiệt độ bên ngoài, tăng nguy cơ ngộ độc, rối loạn tiêu hóa. (Ảnh minh hoạ)

Cùng quan điểm trên, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, cơm nguội để tủ lạnh thì thời gian bảo quản sẽ lâu hơn, tuy nhiên cũng không nên dự trữ quá lâu.

Bạn tiết kiệm sử dụng lại cũng nên dùng trong vòng 24 tiếng là tốt nhất, vì để lâu cơm không bị ôi thiu cũng sẽ mất dưỡng chất. Tốt nhất bạn nên nấu lượng vừa đủ bữa ăn, tránh để cơm lại bữa sau.

Các chuyên gia khuyến cáo, mọi người nên cẩn trọng, không lạm dụng hoặc thay thế cơm nóng bằng cơm nguội. Cơm có dấu hiệu hỏng thường có mùi thiu, màu sắc thay đổi, nên bỏ vì ăn có thể gây ngộ độc, rối loạn tiêu hóa.

Nếu muốn giảm cân, bạn nên kết hợp ăn uống đủ chất và tập luyện thể dục, nghỉ ngơi, thư giãn hợp lý thay vì cưỡng ép nhịn ăn, uống thuốc không rõ nguồn gốc.

Theo VTC News