Để khuyến khích điều này, ngày 14/2 được Chính phủ Ấn Độ đặt tên là “Ngày ôm bò”, để khuyến khích mọi người có cử chỉ trìu mến với con vật được coi là linh thiêng trong Ấn Độ giáo.
Theo thông cáo của chính phủ, ôm ấp bò “sẽ mang lại cảm xúc phong phú” và sẽ “làm gia tăng hạnh phúc của cá nhân và tập thể”.
Mục đích của “Ngày ôm bò” là gạt đi ảnh hưởng của văn hoá phương Tây mà Chính phủ Ấn Độ cho là đang làm mất những giá trị truyền thống của nước này.
Trong thập kỷ qua, khi nền kinh tế Ấn Độ mở cửa, ngày Valentine – bắt nguồn từ ngày lễ của Cơ đốc giáo – trở nên phổ biến trong giới trẻ, được thúc đẩy bởi những chiến dịch tiếp thị rộng rãi để bán hoa, gấu bông, món quà hình trái tim và thể hiện những cử chỉ lãng mạn.
Bò là con vật linh thiêng trong Ấn Độ giáo
Nhưng khi chính trị dân tộc chủ nghĩa gia tăng ở Ấn Độ, những ngày lễ và truyền thống của phương Tây như Valentine đang bị cho là khuyến khích các giá trị “suy đồi”.
Nhiều nhóm cánh hữu, với tư tưởng khắt khe về đạo đức phụ nữ, đã tấn công các cửa hàng bán quà tặng Valentine và những cặp đôi nắm tay nhau chỗ đông người. Lý lẽ của những người đả phá Valentine là ngày lễ này khuyến khích phụ nữ lăng nhăng và có hành vi suy đồi.
“Ngày ôm bò” là sáng kiến mới nhất của chính phủ do đảng BJP của Thủ tướng Narendra Modi đưa ra để đưa sự tôn kính với bò trở thành chính sách quốc gia. Hầu hết các bang của Ấn Độ cấm giết mổ, bán và ăn thịt bò, bao gồm thủ đô New Delhi.
Đề xuất tổ chức kỳ thi quốc gia về chủ đề “khoa học về bò”, do Ủy ban quốc gia về bò đề xuất đưa vào chương trình của BJP, bị hoãn từ năm 2021, sau khi bị chỉ trích là khoa học giả. Tài liệu dự định được đưa vào kỳ thi cho rằng bò Ấn Độ có cảm xúc hơn bò của nước khác, bướu của chúng chứa sức mạnh kỳ diệu và phân của chúng có thể ngăn bức xạ.
Theo Tiền Phong