Vào cuối tháng 9/2021, nhạc sĩ Giáng Son đăng tải ca khúc Giấc Mơ Trưa (do Khánh Linh thể hiện) trên kênh YouTube của mình. Ca khúc do chính Giáng Son làm nhạc, phối khí, đồng sáng tác cùng Nguyễn Vĩnh Tiến.

Dù là tác giả nhưng khi đăng tải ca khúc này lên trên Youtube, bài hát của Giáng Sơn bất ngờ bị đánh “gậy bản quyền”.

Điều này làm dấy lên "hồi chuông báo động" về tình trạng bản quyền tác giả đang bị xâm phạm nghiêm trọng tại Việt Nam. Ngoài ra, có thể thấy rõ việc xác định vi phạm bản quyền đối với các tác phẩm trên môi trường Internet vẫn còn nhiều bất cập và lỗ hổng.   

Hơn ai hết, là nạn nhân của việc "ăn gậy" bản quyền ca khúc do chính mình chấp bút, nhạc sĩ Giáng Son đã có chia sẻ rất thẳng thắn tại 1 chương trình diễn ra vào ngày 22/02/2022. 

Ăn gậy bản quyền, Giáng Son rối não chọn gã khổng lồ bảo vệ-1
Nhạc sĩ Giáng Son

"Tôi cũng như rất nhiều nhạc sĩ đau đáu về vấn đề bản quyền này. Tôi luôn mong muốn được bảo vệ quyền lợi. Khi tôi xảy ra vấn đề thì phía VCPMC - Trung Tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam cũng rất xông xáo và bảo vệ hết sức quyền lợi của cá nhân tôi.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, khi hệ sinh thái bảo vệ bản quyền âm nhạc trực tuyến MCM (gọi tắt MCM) ra đời dưới sự dẫn dắt của nhạc sĩ Lê Minh Sơn với những chức năng tương tự thì tôi sẽ suy nghĩ thêm về việc kí kết hợp đồng hợp tác. 

Tôi quan điểm 'không ai hiểu nghệ sĩ bằng chính nghệ sĩ'. Điều này phần nào khiến tôi tin tưởng và gửi niềm tin vào MCM, bởi đây được thành lập bởi chính 1 nhạc sĩ, cũng là 1 người bạn lâu năm". 

Đặc biệt, Giáng Son cũng hé lộ lý do khiến cô phải cân nhắc về mặt lợi ích: "Hiện mức chia nhuận bút giữa công ty - nghệ sĩ thì phía MCM đang cao hơn VCPMC mà tôi đang kí kết là 5%. Cụ thể, VCPMC nhận về 25% và gửi cho tôi là 75%. Có thể là do mới ra đời nên việc chênh lệch này cũng dễ hiểu, các công ty mới đang muốn thu hút nghệ sĩ".  

Được biết, MCM là giải pháp bảo vệ và đánh dấu trên từng bản nhạc giúp tác giả ca khúc có thể đo đếm chính xác số lượng sử dụng, và theo dõi đuộc việc phân phối sử dụng tác phẩm trên internet. Từ đó, giúp nhạc sĩ có thể quản lý được các bản nhạc của mình khi phân phối trên mạng. 

Ăn gậy bản quyền, Giáng Son rối não chọn gã khổng lồ bảo vệ-2
Nhạc sĩ Lê Minh Sơn

Từ tình trạng thiếu hụt đến việc các trung tâm bảo vệ bản quyền âm nhạc lần lượt được ra đời, thậm chí còn phần cạnh tranh lại là dấu hiệu đáng mừng cho nền âm nhạc Việt Nam. Bởi từ đây, chất xám của nhạc sĩ được trân trọng và việc sống được bằng nghề của họ không còn xa vời. 

Thu Hà
Theo VietNamNet