Bài viết dưới đây là chia sẻ của BSCK2.Huỳnh Tấn Vũ, Trưởng khoa Điều trị ban ngày, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM - Cơ sở 2, về những tác dụng ít biết của quả mận và lưu ý khi sử dụng:
Mận hay còn gọi mận bắc (danh pháp khoa học: Prunus salicina) là một loài cây rụng lá nhỏ bản địa tại miền bắc Việt Nam và Trung Quốc thuộc Chi Mận mơ. Nó cũng được trồng trong các vườn cây ăn quả ở miền bắc Việt Nam, Triều Tiên, Nhật Bản, Mỹ và Úc. Mận cùng thuộc phân chi Prunus của chi Prunus với một số loài khác như mơ ta (cũng được trồng tại miền bắc Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản và Triều Tiên), mận gai, mận anh đào, mận châu Âu...
Mận là cây ăn quả được trồng nhiều ở vùng miền núi phía Bắc nước ta. Mùa xuân ra hoa, mùa hè cho quả. Các bộ phận của cây mận đều được dùng làm thuốc. Mận còn có tên là lí tử, lí thực,... Đây là loại cây nhỡ, cành ngắn có màu nâu đỏ hồng, lá nhọn hai đầu, mặt trên nhẵn, mặt dưới hơi có lông ở gân. Hoa màu trắng, cánh hoa hình trứng, ngược, nhân hạch nhẵn, có màu sắc thay đổi như tím, bồ quân, vàng lục, thường có một rãnh bên. Mùa ra hoa từ tháng 12 - 1, quả chín vào tháng 5 - 7.
Theo y học cổ truyền, các bộ phận của cây mận như: quả, rễ, vỏ rễ, nhựa, lá, nhân hạt... đều có tác dụng chữa bệnh. Quả mận có vị chua ngọt, tính bình, có công dụng thanh can điều nhiệt, sinh tân lợi thủy, thường được dùng để chữa các chứng bệnh như hư lao cốt chưng, âm hư nội nhiệt, thủy thũng, tiêu khát... Rễ mận thường được thu hoạch vào tháng 9 - 10, vị đắng, tính lạnh, có công dụng thanh nhiệt giải độc. Lá mận vị chua, tính bình, chuyên trị vết thương do sang chấn... Nhân hạt mận còn gọi là lí hạch nhân, vị ngọt đắng, tính bình, có công dụng tán ứ, lợi thủy, nhuận tràng.
Một số bài thuốc từ quả mận theo kinh nghiệm dân gian
- Vết thương do côn trùng đốt: Lấy hạt mận rửa sạch, giã nát rồi đắp lên vết thương để 5 phút rồi rửa sạch. Đắp ngày 2 lần.
- Giảm đau nhức răng: Rễ mận 30g, sắc đặc với 100ml nước, ngậm 5 - 7 phút vào buổi sáng, chiều, tối trước khi đi ngủ, ngậm 5 ngày.
- Tác dụng nhuận tràng: Nhân hạt mận 10g, đào nhân 10g, hạnh nhân 10g. Tất cả cho vào ấm đổ 700ml, sắc còn 250, chia 2 lần uống trong ngày. Dùng liền 10 ngày.
- Chữa đau nhức xương khớp khi thời tiết thay đổi: Lá mận 50g, lá thài lài tía, lá đào, lá si, lá dâm bụt mỗi thứ 30g. Tất cả rửa sạch, giã nhỏ, sao vàng ngâm với rượu 10 - 15 ngày. Dùng rượu này xoa bóp chỗ đau ngày 2 lần.
- Làm đẹp da mặt: Quả mận tươi 250g, rửa sạch, bỏ hạt, giã nát, ép lấy nước rồi hoà với 250ml rượu gạo, đựng trong lọ kín để dùng dần, mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 10 - 20ml. Trường hợp mặt bị sạm đen: bột nhân hạt mận nghiền mịn trộn với lòng trắng trứng đắp ngày 1-2 lần trong 5-7 ngày.
- Chữa các bệnh sốt cao, kinh giật ở trẻ em, giảm ho, điều trị vết thương: Lá mận (lý thụ diệp) khô 8-12g, sắc uống. Dùng ngoài nấu lấy nước, bỏ bã tắm cho trẻ hoặc giã lấy nước cốt lá mận tươi thấm vào chỗ sưng đau.
- Chủ trị mắt có màng, tác dụng giảm đau, tiêu sưng, thúc sởi mọc: Nhựa mận (lý thụ giao) 8-16g sắc uống. Thường dùng nhựa khô ở thân cây mận.
- Tác dụng thanh nhiệt giải độc, dùng trong các chứng đái buốt, đái rắt do thấp nhiệt, các trường hợp đi lỵ ra máu, bệnh tiêu khát, trẻ em sốt nóng, mụn nhọt: Rễ mận (lý căn) 8-12g, sắc uống. Dùng ngoài sao tồn tính, nghiền thành bột, đắp hoặc rắc lên vết đau.
- Thanh nhiệt, giải trừ uất nhiệt, chữa tiêu khát, tâm phiền, các trường hợp khí hư, đau răng, lở loét: vỏ rễ mận (lý căn bì) 8-12g, sắc uống. Có thể sắc đặc ngậm rồi nuốt hoặc lấy nước thấm đắp bên ngoài nơi sang lở.
Kiêng kỵ: Những người tỳ vị yếu không nên ăn nhiều mận.
Người tỳ vị yếu, đi ngoài lỏng, thận hư, di tinh, phụ nữ có thai không nên dùng.
Mận vừa là thực phẩm, mỹ phẩm vừa là vị thuốc giải nhiệt, trị đau nhức được ứng dụng đa dạng trong ẩm thực, làm đẹp và trị liệu
Theo Người Đưa Tin