Thời gian gần đây, vấn đề thực phẩm để qua đêm ảnh hưởng đến sức khỏe đang trở thành tâm điểm chú ý của dư luận Trung Quốc về an toàn thực phẩm, khi trước đó xảy ra vụ việc 8 người trong một gia đình tử vong vì món ăn được làm từ nguyên liệu để lâu ngày.
Vài ngày trước, một vụ việc tương tự cũng xảy ra. Cậu bé 11 tuổi ở thành phố Đông Quan, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc sau khi ăn mực được bảo quản trong tủ lạnh 6 ngày đã mắc hội chứng urê huyết tán huyết và có nguy cơ bị suy thận mãn tính.
Theo Headline News đưa tin, cha của cậu bé 11 tuổi kể lai rằng vào ngày 29/9, gia đình mua một hộp mực trong siêu thị và cất vào trong tủ lạnh gia đình. Sau đó họ vội vã trở về quê để ăn Tết Trung thu. Ngày 3/10, gia đình mới trở về nhà.
Cậu bé 11 tuổi phải nhập viện sau khi ăn mực cất trong tủ lạnh lâu ngày.
Vào ngày 5/10, khi bố mẹ đi làm, con gái lớn của gia đình đã lấy mực trong tủ lạnh ra nấu ăn cho các em. Không ngờ sau khi ăn xong, em trai Jiahao đột nhiên bị đau bụng, tiêu chảy, trong phân có máu.
Gia đình sau khi phát hiện ra đã vội đưa con đến bệnh viện. Cậu bé được chẩn đoán mắc hội chứng tán huyết urê, căn bệnh này là do nhiễm trùng đường ruột. Nó có thể liên quan đến việc Jiahao ăn mực hết hạn và hư hỏng.
Sau khi điều trị, tình hình của Jiahao đã được cải thiện nhưng vẫn chưa qua khỏi nguy hiểm. Bác sĩ điều trị cho biết tỷ lệ tử vong của hội chứng tăng urê huyết tán huyết là khoảng 5%, không quá cao nhưng vì bệnh nhi còn nhỏ nên có hơn một nửa nguy cơ phát triển thành bệnh thận mãn tính trong tương lai. Điều này có thể khiến cậu bé phải chạy thận suốt đời.
Mọi người tốt nhất dù ăn bất cứ thực phẩm nào cũng nên ăn càng sớm càng tốt, tránh để thức ăn quá lâu sẽ gây hư hỏng.
Các bác sĩ lo lắng cậu bé có nguy cơ bị suy thận mãn tính, phải chạy thận suốt đời.
Nguy hiểm khi ăn thực phẩm đông lạnh lâu ngày
Nhiều người có thói quen mua thật nhiều thực phẩm cất trữ trong tủ lạnh ăn dần. Tuy nhiên nên lưu ý việc sử dụng thực phẩm đông lạnh nếu để lâu ngày rất dễ gây hại cho sức khỏe. Việc để thực phẩm trữ đông quá lâu dễ làm cho đồ ăn bị giảm chất lượng.
Bên cạnh đó, dù ở nhiệt độ thấp, vẫn có rất nhiều vi khuẩn và yếu tố gây hại có thể xâm nhập vào thực phẩm vì có những vi khuẩn có thể chịu được nhiệt độ rất thấp. Từ đó chúng sẽ biến các thực phẩm đó thành nơi tích tụ những mầm mống gây bệnh, trong đó bao gồm các vi khuẩn, virus, các chất độc hại.
Khi sử dụng những thực phẩm này, các yếu tố gây hại sẽ “di chuyển” sang các bộ phận trên cơ thể, đặc biệt là các cơ quan nội tạng, làm suy giảm chức năng của các cơ quan này và gây bệnh. Có thể, bạn không thấy mắc bệnh hoặc gặp bất cứ dấu hiệu ngay sau khi ăn, nhưng nó sẽ nằm bên trong cơ thể, tích tụ và gây bệnh về sau.
Ăn thực phẩm đông lạnh quá lâu có thể gây hại cho sức khỏe. (Ảnh minh họa)
Theo một nghiên cứu mới tại Nigeria, thực phẩm đông lạnh, nhất là thịt đông lạnh chứa độc tố gây ung thư rất cao. Ngoài nguyên nhân do chất lượng thực phẩm kém, việc để đông lạnh quá lâu cũng khiến cho thực phẩm bị phân hủy và “nhiễm” các chất độc gây ung thư.
Điều này chính là một trong các nguyên nhân làm gia tăng số người mắc bệnh ung thư trong thời gian gần đây.
Lưu ý khi dùng thực phẩm đông lạnh
- Ăn thực phẩm đông lạnh đảm bảo, nguyên vẹn, biết rõ nguồn gốc, xuất xứ.
- Không nên ăn quá nhiều thực phẩm đông lạnh chế biến sẵn bởi chúng có hàm lượng muối cao.
- Nên xem kỹ hạn sử dụng và khi hộp đã mở, phải đảm bảo về nhiệt độ bảo quản sản phẩm tốt, tránh tình trạng ngộ độc.
- Không ăn thực phẩm tái đông. Bởi khi tái đông thực phẩm, vô tình đã làm cho quá trình hư hại tăng lên gấp nhiều lần.
Bất kỳ tế bào nào thoát khỏi quá trình bị phá vỡ khi thực phẩm được đông lạnh lần đầu đều đứng trước nguy cơ tiếp tục bị phá vỡ lần nữa.
- Không ăn thực phẩm đông lạnh bị dính vào nhau. Những thực phẩm được đóng thành viên nhỏ như tôm, cá… khi tan đông rồi tái đông, thường bị dính lại với nhau (bình thường tôm rời từng con một).
Về nguyên tắc, khi các thực phẩm đã đông lạnh rồi, sau khi xả đông thì phải chế biến và dùng ngay.
Theo GiaDinh