An ninh hàng không trong chảo lửa

Ngoại trưởng Anh Philip Hammond nhấn mạnh sân bay nào có mức độ đe dọa cao thì an ninh phải nghiêm ngặt hơn, đặc biệt là những nơi IS hoạt động mạnh

Thảm họa rơi máy bay vừa qua của Nga ở bán đảo Sinai - Ai Cập là “bước ngoặt” đối với ngành hàng không thế giới, dẫn tới những đòi hỏi nghiêm ngặt về an ninh đã từng được áp dụng sau vụ khủng bố 11-9-2001 ở Mỹ.

Đó là tuyên bố của Chủ tịch hãng hàng không Emirates, ông Tim Clark, tại triển lãm hàng không Dubai khai mạc hôm 8-11. “Tôi cho rằng sẽ phải xem xét lại an ninh toàn cầu một cách cẩn thận nếu nghi án máy bay Nga bị đánh bom là chính xác” - vị lãnh đạo của hãng hàng không số một thế giới  nói.

Hành khách Nga tại sân bay Sharm el-Sheikh Ảnh: Reuters
Hành khách Nga tại sân bay Sharm el-Sheikh Ảnh: Reuters

Reuters cùng ngày cho biết một thành viên giấu tên thuộc nhóm điều tra của Ai Cập khẳng định “chắc chắn đến 90%” tiếng động được ghi nhận trong giây cuối cùng của đoạn ghi âm buồng lái là một vụ nổ do bom gây ra.

Trong khi đó, báo SundayTimes (Anh) dẫn nguồn từ giới lãnh đạo tình báo Anh tiết lộ chính phủ nước này đã nhận được các nguồn tin cho thấy Abu Usama al-Masri, thủ lĩnh nhóm phiến quân ở bán đảo Sinai có liên hệ với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, có dính líu đến vụ máy bay rơi khiến toàn bộ 224 người thiệt mạng.

Báo Mỹ The New York Times cho rằng nếu đúng  như vậy thì Tổng thống Vladimir Putin sẽ tấn công IS quyết liệt hơn ở Syria để trả đũa cho việc “lợi ích của Nga đang bị đe dọa”.

Ngoại trưởng Anh Philip Hammond nhấn mạnh điều phải làm hiện nay là bảo đảm an ninh sân bay trên khắp thế giới ở mức tốt nhất và phản ánh được điều kiện địa phương, tức là nơi nào có mức độ đe dọa cao hơn thì an ninh phải nghiêm ngặt hơn.

Khẳng định cần “soi” kỹ an ninh tại các sân bay thuộc những khu vực IS hoạt động mạnh, ông Hammond cũng cảnh báo: “Điều này đồng nghĩa với việc tăng chi phí cũng như các trường hợp hoãn chuyến”.

Hiện hãng Emirates đã bắt tay rà soát sân bay và các biện pháp an ninh tại Ai Cập, đồng thời vẫn duy trì những chuyến bay tại đất nước được coi là thị trường vô cùng quan trọng này của hãng.

Ngược lại, nhiều nước đã dứt khoát ngưng đường bay tới sân bay Sharm el-Sheikh, nơi chiếc máy bay xấu số của Nga cất cánh hôm 31-10 và rơi sau đó hơn 20 phút. Đi đầu là Anh và theo sau là các nước Na Uy, Phần Lan, Đan Mạch...

Hãng tin Itar Tass của Nga hôm 8-11 đưa tin Tổng thống Vladimir Putin đã ký sắc lệnh tạm thời cấm các chuyến bay từ Nga tới Ai Cập. Nhóm chuyên gia đầu tiên của Moscow cũng bắt đầu kiểm tra sân bay Sharm el-Sheikh trong khi 2 nhóm còn lại sẽ đến nơi từ nay đến cuối tuần.

Trước đó, một nhóm 70 người của Anh, bao gồm 10 chuyên gia hàng không, có mặt ở Sharm al-Sheikh với cùng mục đích. Cả Anh và Nga đang sơ tán công dân của mình về nước.

Hãng thông tấn AP của Mỹ mới đây đăng tải bài điều tra phơi bày hàng loạt lỗ hổng an ninh nguy hiểm của sân bay đón tới 10 triệu lượt khách mỗi năm này. Trong đó, sốc nhất là các thiết bị quét hành lý thường không hoạt động và thuốc phiện hay vũ khí “trà trộn” vào hành lý có thể dễ dàng thông quan với số tiền lót tay không hơn 10 euro.

Theo người lao động


Tin tức mới nhất