Theo TS.BS Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, phở là món ăn sáng phổ biến, được nhiều người ưa chuộng và thường gọi thêm quẩy để ăn kèm.
Tuy nhiên, quẩy là thực phẩm nên hạn chế tiêu thụ, hoặc không nên ăn kiểu tùy hứng vào bất cứ thời điểm trong ngày.
Quẩy làm từ bột mì, sau đó chiên ngập dầu mỡ nên chứa nhiều năng lượng. Trong khi một bát phở chứa khoảng 300-400 calo, thêm đĩa quẩy có thể tăng calo nạp vào lên đến 600, bằng một phần ba mức năng lượng khuyến nghị trong một ngày.
Không chỉ vậy, để được phồng to, thơm ngon, giòn, người chế biến còn thêm nhiều chất phụ gia khác như muối, bơ, bột nở. Tiêu thụ nhiều quẩy dẫn đến nguy cơ béo phì, ảnh hưởng xấu đến chức năng thận.
Ngoài ra, mỡ dầu dùng rán quẩy thường được tái sử dụng liên tục, đun ở nhiệt độ cao, kéo dài, có thể tạo chất độc, kích thích đến niêm mạc, dễ dẫn đến viêm dạ dày. Đặc biệt vào bữa sáng, dạ dày đang trống, ăn quẩy chiên không đảm bảo sẽ gây hại hệ tiêu hóa.
Nhiều người có thói quen gọi thêm đĩa quẩy ăn cùng với phở. (Ảnh minh hoạ: Kenh14)
Bạn không nên ăn quẩy, nhất là trẻ nhỏ, người cao tuổi, người có vấn đề tiêu hóa. Quẩy tự làm, quy trình đảm bảo, dùng dầu mỡ chiên một lần, không cho các chất phụ gia bị cấm thì vẫn có thể dùng được.
Tuy nhiên, chỉ nên thưởng thức hạn chế, khoảng 1-2 lần/tuần. Khi ăn, nên giảm hàm lượng các thực phẩm khác để cân bằng, đảm bảo năng lượng nạp vào không quá nhiều.
Theo TS.BS Nguyễn Trọng Hưng, phở có hàm lượng tinh bột và chất đạm khá cân đối, lượng chất béo trong nước dùng nhiều đáng kể. Năng lượng của một bát phở ngang với lượng cơm bữa chính.
Một bát phở bò, nguyên liệu ước lượng khoảng 140 g bánh phở, 100 g thịt bò, thêm chút hành lá, hành tây, mỡ cùng 350 ml nước dùng, cung cấp 350-400 kcal, kèm theo đó là protein, chất xơ, đường, muối. Lượng chất xơ ít hơn nhiều so với các nhóm khác (chỉ 0,4 g), trong khi lượng muối chiếm 3,8 g.
Nếu thường xuyên ăn phở, bạn sẽ thiếu đi lượng chất xơ cần thiết. Từ đó, cơ thể không nhận đủ vitamin và khoáng chất. Thiếu chất xơ ảnh hưởng tới hệ tiêu hóa, gây táo bón.
Chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, một bữa sáng chuẩn phải cung cấp đủ protein, vitamin và khoáng chất, nghĩa là chúng ta vẫn phải ăn đủ bốn nhóm thực phẩm, chất bột đường, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất.
Thời gian ăn sáng không nên quá sớm cũng không nên quá muộn, tốt nhất trong khoảng 7-8 giờ. Bữa ăn sáng nên cách thời gian thức dậy khoảng 30 phút. Trước khi ăn, nên uống một cốc nước lọc ấm để kích hoạt lại hệ tiêu hóa cũng như thanh lọc cơ thể.
Theo VTC News