"Mẹ già như chuối chín cây" và "mỗi mùa xuân sang ngày tôi xa mẹ càng gần"... nên niềm vui của các bậc cha mẹ chốn quê nhà mong ngóng những đứa con xa trở về vào dịp Tết chính là niềm hạnh phúc đoàn tụ trong mỗi khoảnh khắc bằng đôi mắt mờ vì tuổi tác còn được nhìn ngắm con cháu sum vầy để cảm nhận rõ hơi ấm nếp nhà mỗi mùa xuân mới, khi người già chạm thêm một khắc "gần đất xa trời".
Tuy nhiên, trong đời sống hiện đại lại đang tồn tại nhiều đối nghịch về hạnh phúc những mùa Xuân, về niềm vui giữa người trẻ và người già.
Người trẻ sau những ngày tháng quay cuồng trong nhịp sống phố thị, đối diện với hàng trăm thứ áp lực ngày một tăng theo cấp số nhân từ công việc, hạnh phúc, con cái, giao thông..., nghỉ lễ chỉ muốn được xả hơi, xa lánh mọi phiền hà.
Dù muốn hay không, họ vẫn dễ rơi vào trạng thái cảm khó chịu, bức xúc trước những cuộc điện thoại, thủ tục lễ lạt thăm hỏi nhưng trái lại vợ chồng con cái có thể ngồi bên nhau, chẳng cần chuyện trò, mỗi người một chiếc điện thoại "cắm mặt" vào đến hết ngày.
Ảnh minh họa (st)
Người già, dẫu sống ở quê hay ở phố thì bản chất đời sống đã là sống chậm. Họ sống bằng kí ức hoài niệm, bằng sợi dây níu kéo tình cảm, bằng nỗi chạnh lòng cả nghĩ, bằng cả niềm hãnh diện (đôi khi là mơ hồ) về những đứa con xa. Ấy vậy nên Tết đến Xuân về, còn gì hạnh phúc hơn là được sum vầy bên mái ấm đông con nhiều cháu qua những phong tục tập quán quen thuộc gắn bó từ thuở bé thơ mà chẳng bao giờ họ thấy phiền hà...
Cứ thế, cuộc sống hiện đại có biết bao nhiêu người già mong Tết đến đỏ mắt thì cũng đồng nghĩa với bao người trẻ "sợ" Tết, "né" Tết đơn giản chỉ vì quan niệm khác nhau.
Vậy có cách nào để trái tim người già, người trẻ hòa chung một nhịp đập vào đúng thời khắc thiêng liêng trong tín ngưỡng, văn hóa của người Việt dịp Tết cổ truyền?
Chúng ta từng đề cập nhiều tới vấn đề gìn giữ, bảo tồn, kế tục văn hóa truyền thống... nhưng điều quan trọng không kém đó là việc nhìn nhận đúng chân giá trị cốt lõi của văn hóa, hạnh phúc gia đình cũng như phong tục truyền thống.
Giá trị cốt lõi của ngày Tết cổ truyền thể hiện bằng niềm vui đoàn tụ, tấm lòng thành kính tưởng nhớ tới ông bà tổ tiên, những lời cầu chúc trao gửi nhau hi vọng vào một năm mới an lành thịnh vượng, người trẻ biết "kính trên", người già "nhường dưới"... hoàn toàn không nằm ở việc so bì, câu nệ hình thức xem lễ lạt nhà nào vơi, nhà nào đầy, con cái nhà ai "chạy sô" đủ mặt khắp làng trên xóm dưới, bố mẹ ai khắt khe, bố mẹ ai thoáng đãng...
Ngày Tết, nếu giá trị cốt lõi ấy không được chú trọng, bị nhìn nhận sai lệch thì chẳng mấy chốc niềm vui hóa thành nỗi buồn, hòa tan vào những điều vô nghĩa!
Ảnh minh họa (st)
Tính ra, với dịp Tết bây giờ, mỗi gia đình được nghỉ khoảng một tuần. Một tuần ấy thừa đủ để chúng ta sưởi ấm lòng nhau qua những giờ khắc sum vầy, những câu chuyện ngày thường không bao giờ chia sẻ, những lời chúc cả năm mới trao gửi một đôi lần, những bữa cơm lẽ ra thường nhật người ăn trước, kẻ ăn sau, bố mẹ ăn ở quê, con cháu ăn ở phố chẳng bao giờ đủ mặt đại gia đình...
Nhưng cũng một tuần ấy lại quá thiếu để con cái lo đặt vé tàu xe, "chạy sô" đôi bên gia đình nội ngoại, thăm hỏi toàn bộ làng xóm họ hàng không để xảy ra một lời trách móc trong khi rất nhiều người vừa ăn Tết vừa phải lo trực ban, duy trì công việc đặc thù...
Một tuần ấy cũng lại quá thiếu để những bậc làm cha mẹ đã tóc bạc da mồi lại phải còng lưng mờ mắt lo lễ lạt, bày biện đến mấy chục mâm, nhìn nhà nọ, đọ nhà kia xem nhà mình Tết như vậy đã "to" chưa, đã "oách" chưa... cho đến việc "kiểm soát" đám con cháu đông đúc xem "chúng nó" về được bao nhiêu ngày, đi chúc Tết được bao nhiêu nơi, nhất cử nhất động có đảm bảo lễ nghi, phép tắc, thủ tục như mình mặc định trong đầu hay không...
Những điều ấy, đâu phải phải hạnh phúc và giá trị cốt lõi của Tết Việt! Các bậc cha mẹ đặt hạnh phúc của con cái lên đầu và những bậc làm con cháu biết sống tròn đạo hiếu với cha mẹ hẳn không câu nệ hình thức ấy!
Làm thế nào để người già khỏi cô đơn trong ngày Tết và người trẻ không bị áp lực là câu chuyện chẳng mấy dễ dàng. Nó đòi hỏi người già, người trẻ biết nghĩ cho nhau, sống đúng và vun đắp cho giá trị cốt lõi chứ đừng vì "con gà tức nhau tiếng gáy" hay bởi hùa theo công thức của số đông, bất chấp nó hay hay dở.
Cách đo đạc giá trị cốt lõi đơn giản lắm! Hãy đo bằng niềm vui và giá trị tinh thần đọng lại trong tâm thức mỗi người. Đi chúc Tết nhà này qua nhà khác, gia đình sum họp với nhau quanh mâm cơm, câu chuyện về năm cũ năm mới, những phong tục truyền thống hòa trong tâm thức hiện đại... có khiến chúng ta ấm áp trong lòng?
Thời khắc chuyển giao qua một mùa xuân mới cần được bắt đầu từ giá trị tinh thần như thế!
Theo GĐ&XH