Archimedes (Ác-si-met) (287 trước Công Nguyên – khoảng 212 trước Công Nguyên), là một trong những nhà khoa học vĩ đại nhất trong lịch sử loài người, cha đẻ của định luật đòn bẩy cùng nhiều định lý toán học quan trọng vẫn được sử dụng tới ngày nay, như định lý về diện tích hình tròn, diện tích bề mặt, thể tích hình cầu,...


Archimedes, nhà bác học lỗi lạc của lịch sử cổ đại (Ảnh: Wikipedia)

Ông còn được biết tới là người đầu tiên xác định gần đúng giá trị của số pi (π) sau khi sử dụng hình vẽ đa giác có 96 cạnh. Kết quả của ông là 3,1419. Con số pi được xem là một trong những con số vĩ đại nhất trong lịch sử ngành toán học. Các nhà khoa học còn dành riêng một ngày để tôn vinh con số vĩ đại này. Đó là ngày 14/3 hằng năm; bởi giá trị đó gần đúng với số pi là 3,14.

>>> Xem thêm: Khi thế giới đang quay lưng lại với bạn, hãy đọc bức thư này!

Archimedes, một cậu bé tò mò, ham chơi, thích tranh luận nhưng rất ham học hỏi

Archimedes sinh ra ở Sicilia, một thành phố phồn hoa của Syracuse (hòn đảo nằm gần Ý) là thuộc địa của Hy Lạp bấy giờ, nơi được xem là một trong những cái nôi của nền văn minh nhân loại, nơi khoa học kỹ thuật, thông thương và văn hóa đều rất phát triển. Ông may mắn được xuất thân trong một gia đình khá giả, cha là một nhà thiên văn học có niềm đam mê vô tận với vũ trụ, cũng chính là người gieo mầm tri thức cho ông.

Từ thủa còn thơ, Archimedes đã luôn được theo chân cha tới nơi làm việc. Nhờ đó, ông có điều kiện tiếp xúc với các công cụ kỹ thuật và khoa học từ rất sớm. Mỗi khi được cha cho quan sát bầu trời, cậu bé Archimedes lúc nào cũng tỏ ra thích thú.

Dù xuất thân ở tầng lớp xã hội thượng lưu, nhưng Archimedes lại chỉ thích giao lưu với những người nô lệ. Cha mẹ ông từng thắc mắc: "Sao con suốt ngày chỉ chơi bời với bọn nô lệ vậy?"

Đáp lại câu hỏi của cha mẹ, cậu bé Archimedes trả lời rất ngắn gọn rằng: "Con thích chơi với họ lắm. Họ kể chuyện rất hay". Mặc dù không thích con chơi bời với những người nô lệ, nhưng bố mẹ ông cũng chẳng làm được gì.

Không chỉ thích trò chuyện với người nô lệ, Archimedes còn thích lang thang trên đường phố, nhìn ngắm mọi thứ xung quanh và đặc biệt là tham gia tranh luận cùng mọi người. Từ bé, ông đã đặt những câu hỏi khiến người ta khó giải thích: "Tại sao thuyền lại nổi trên mặt nước? Tại sao cánh buồm lại có hình dáng cong?,..." Những câu hỏi đó vẫn luẩn quẩn trong tâm trí Archimedes cho tới khi ông lớn lên, và chính ông tự tìm ra lời giải cho những thắc mắc đó của mình.

Cha mẹ Archimedes muốn con trai trở thành một người tài giỏi nên ngay từ khi ông đến tuổi cắp sách tới trường, họ đã cho ông theo học những thầy giáo giỏi nhất vùng. Trí tò mò, ham học cùng niềm đam mê các con số và hình học đã thúc đẩy cậu bé Archimedes chăm tìm tòi, nghiên cứu. So với những đứa trẻ cùng trang lứa, Archimedes tỏ ra thông minh vượt trội. Trong khi những người bạn vật lộn với các phép toán và bảng chữ cái thì Archimedes lại giải các phép tính rất nhanh. Hình học cũng là một trong những môn yêu thích của ông.

>>> Xem thêm: Ngỡ ngàng với những cổ vật vô giá từng bị lãng quên trong viện bảo tàng

Cuộc phiêu lưu năm 11 tuổi đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời Archimedes

Thường xuyên lui tới nơi những người nô lệ làm việc, nghe họ kể chuyện và thậm chí đối đáp với họ, cậu bé Archimedes học hỏi được rất nhiều về thế giới. Cậu biết rằng có một nơi gọi là "miền đất của các nhà khoa học" ở Alexandria (nằm ở cửa sông Nile, Ai Cập). Thời đó, Alexandria được biết tới là khu vực quy tụ nhiều nhà khoa học, triết gia nổi tiếng.

Tiếng gọi của niềm đam mê đã thôi thúc Archimedes phải tới vùng đất này. Cậu bé đã nhiều lần năn nỉ ỉ ôi xin bố mẹ tới Alexandria. Nhưng bố mẹ ông nhất quyết không đồng ý: "Con sẽ đi, nhưng không phải bây giờ. Làm sao bố mẹ có thể yên tâm để con đi xa nhà khi còn nhỏ tuổi như vậy?".

Biết rằng có xin nữa cũng vô ích, Archimedes đã bỏ trốn bố mẹ, theo chân một thuyền trưởng người Hy Lạp vượt đại dương tới Alexandria. Năm 276 trước Công Nguyên, cậu bé 11 tuổi đã bước chân lên chiếc tàu vượt đại dương, đi tới miền đất mà cậu khao khát.

Về phía cha mẹ ông, sau khi phát hiện cậu con trai dám bỏ nhà đi tới Ai Cập, cha ông đã bắt tàu tới Alexandria 3 ngày sau đó. Khi gặp lại con ở vùng đất lạ, ông đã thuận theo ý cậu con trai, tìm trường và thầy giỏi để Archimedes tiếp tục theo học tại đây thay vì trở về quê hương.

Mời các bạn đón đọc kỳ tiếp theo: "Cái chết không đáng có của nhà khoa học vĩ đại Archimedes" trên 2Sao vào thứ 7, ngày 20/5/2017.

LEO
Theo Vietnamnet