Ở tình tiết Instagram story, tôi có cảm nhận hơi khác.
Trước hết, lý do bị bệnh, luôn là một lý do hữu hiệu nhất có thể hóa giải mọi vấn đề. Dù trong hậu trường lý do thật sự là gì; thì lý do bệnh luôn là lý do dễ nghe nhất, bất khả kháng không ai nỡ trách, và an toàn.
Chúng ta không thực sự chắc chắn là Ari bệnh; nhưng nghi ngờ cách mấy cũng chẳng chứng minh được là cô ấy không bệnh.
Trong một nền giải trí, nghệ sĩ vừa là một con người; nhưng cũng là một sản phẩm, một thương hiệu.
Họ không chỉ có một mình, đưa ra quyết định một mình. Luôn luôn đứng đằng sau, ở những vị trí rất kín đáo hạn chế bị nhìn thấy; là những nhà sản xuất, ekip PR marketing truyền thông xã hội, ekip tư vấn khủng hoảng truyền thông, ekip nghiên cứu thị trường, ekip luật sư… để đưa ra những quyết định sáng suốt đáng giá hàng triệu đô la mà bản thân ca sĩ là một đại diện mang về hết doanh thu từ lòng yêu thương mến mộ cho tất cả.
Quyết định cuối cùng: diễn hay không diễn, cũng có thể là từ Ari, cũng có thể là từ bác sĩ, cũng có thể là từ ekip đằng sau.
Nhưng dù là từ ai, thì nó chắc chắn là quyết định cuối cùng của cả một tập thể đông đảo, chứ không phải một mình cô gái.
Thử tưởng tượng thế này: vào giây phút khi có quyết định cuối cùng không diễn, dù là bác sĩ hay bất kỳ thế lực nào, thì đó cũng là một quyết định ai cũng hiểu là ồn ào. Và trong khoảnh khắc đó, nếu Ariana Grande là một ngôi sao quan tâm đến fan mình, cô sẽ ngay lập tức nghĩ đến người hâm mộ đang chờ đợi mình.
Và cô sẽ muốn đưa ra một thông điệp cá nhân nhất, trực tiếp nhất, nhanh chóng nhất chứ không hẳn là 1 thông điệp chính thống đầy đủ nhất từ 1 ekip. Và nó không gì khác hơn là Instagram story.
Chẳng phải riêng Ariana mà Taeyeon của SNSD và rất nhiều ngôi sao khác cũng thường hay có tâm thư và tâm sự trên Instagram Story như một cách giãi bày tương đối cá nhân chỉ dành riêng cho fan của mình chứ không phải một thông báo chính thức của cả ekip đến đông đảo công chúng và dư luận.
Điều này lại càng đặc biệt dễ hiểu cho các sao trẻ đời cuối 8x đến 9x đam mê sử dụng mạng xã hội, nhưng đương nhiên có chút xa lạ với văn hóa Việt Nam.
Ariana chia sẻ vội vàng với fan hâm mộ không sai.
Chỉ đáng bàn là, ngoài story của Ariana thì sau đó, fanpage của cô, cũng như của chương trình không có một động thái nào về sự việc này.
Thực ra, nếu tinh ý, thì không chỉ có vậy.
Trong quãng thời gian trước và trong khi đến Việt Nam, tuyệt nhiên chúng ta không thấy bất kỳ một thông báo nào là cô sắp đến, cô ra sân bay đến việt nam, "Việt nam ơi tôi đến rồi đây"... Nếu không có story của cô thông báo về việc hủy, có lẽ những ai theo dõi cô không tài nào biết được cô đến Việt Nam và có show ở Việt Nam.
Thường một nghệ sỹ nước ngoài khi đến Việt Nam luôn sẽ có những câu xã giao đã được chuẩn bị: chào hỏi bằng tiếng Việt, những câu khen ngợi con người thân thiện, hay ăn đồ ăn Việt Nam dù ít dù nhiều để lấy lòng người dân tại đất nước nơi mình đi qua cũng như hâm nóng cho khán giả biểu diễn. Ariana thì không thấy chuyện đó. Có thể cô không cần, hay ekip của cô không cần.
Nhưng điều này cũng có thể cho thấy tình cảm và mức độ vui vẻ của cô khi qua đây, cũng như mức độ cần thiết làm vui lòng khán giả tại Việt Nam. Vì đa phần nghệ sĩ, việc mong muốn được mọi người ủng hộ, có thiện cảm không còn là 1 yêu cầu công việc mà đã được nâng tầm thành quy chuẩn đạo đức ngành nghề.
Nếu chúng ta tẩy chay Ari, điều gì sẽ xảy ra?
Có lẽ chẳng điều gì xảy ra cả.
Nếu Ari đang bệnh – như cô ấy nói, cô ấy đang nằm nghỉ ngơi trên máy bay, được chăm sóc tận tình cho một sức khỏe thật tốt chóng hồi phục. Và ekip của cô ấy thì đang tất bật đảm bảo cho cô những điều kiện tốt nhất cho show diễn ở thị trường Trung Quốc - một thị trường rất lớn được suôn sẻ nhất trong điều kiện sức khỏe nghiêm ngặt của cô.
Nếu Ari không bệnh, cô có thể chơi với mèo, ngồi tập hát tập yoga, hoặc trò chuyện với bạn bè về MV mới của Katy Perry và xem xem tối nay Taylor Swift sẽ ra bài hát mới thế nào; liệu có đáng ngại với các kế hoạch âm nhạc mới của cô và ekip không.
Và vài tiếng sau, cô check in tại Trung Quốc - điều cô bé không hề làm tại Việt Nam. Tour diễn vẫn tiếp tục, Instagram story lời xin lỗi vẫn biến mất, và doanh thu cũng như kế hoạch tương lai sự nghiệp của Ariana không suy chuyển.
Những tẩy chay hay giận dư của chúng ta kỳ thực sẽ không làm nên bất kỳ thay đổi nào đến bất kỳ ai; ngoài 1 chuyện buồn cười là sau khi Ariana bùng show thì album của cô lại #1 Itunes Việt Nam.
Thu nhập mất đi của Ariana khi bùng show Việt Nam, xét trên tương quan tổng tài sản có lẽ còn ít hơn chúng ta nghỉ phép không lương 1 buổi chiều đi ăn đám cưới. Và chắc cũng đáng cho 1 giấc ngủ lười biếng trong tình trạng sức khỏe không mấy tốt trong 1 tour diễn liên tục mệt nhoài.
Không cần đợi đến Ari, mà rất nhiều buổi biểu diễn của sao ngoại đến Việt Nam đều bị hủy hay dời không thời hạn.
Vì thị trường Việt Nam chưa bao giờ là một điểm đến hấp dẫn.
Bạn cứ thử nghĩ, một ngày gần đây thôi, tôi nhận được tin các trang web xem phim không bản quyền bị đóng sập. Và 80% comment ở dưới; cho rằng như vậy là vô đạo đức, là khiến người nghèo khu vực nông thôn không thể xem phim truyền hình dài tập hot của Hàn hay Trung.
Chúng ta đã sống chung với việc nghe nhạc miễn phí, xem phim miễn phí lâu đến mức chúng ta coi việc được nghe nhạc, được xem phim không giới hạn là một quyền lợi đương nhiên như hít thở. Chẳng cần biết rằng những thứ mình không bỏ một xu nào đó là thành quả của 1 ekip trong 1 nền công nghiệp khốc liệt và tốn kém nhất thế giới.
Trong khi nó không hề đương nhiên một chút nào, mà ngược lại, việc những người làm ra sản phẩm mong muốn họ được trả tiền khi có người thưởng thức sản phẩm của mình mới là đương nhiên.
Thử tưởng tượng: Có một người thợ bán bánh mì, ngày ngày đạp xe đi bán, qua nhiều buôn làng. Có nơi mua bánh mì nhiều, mừng rỡ hân hoan và mua giá rất cao. Có nơi mua lác đác, phải khuyến mãi mới bán được. Nhưng có một nơi người bán đi qua, gọi là xứ Tỉnh Bơ.
Người xứ Tỉnh Bơ cứ lấy bánh dư bánh thừa để ăn mà không trả tiền, hoặc tỉnh bơ thấy bạn ngang qua thì thò tay lấy bánh mì gặm ăn rột rột. Không phải chí bánh mì thế, mà họ còn làm vậy với mì Ý, pizza, sushi, nho Mỹ của tất cả những ai có đi qua, hoặc không đi qua bán.
Khi người bán bánh mì đề nghị, tôi sẽ bán bánh mì cho bạn với giá rẻ bằng 1/3 những nơi khác, vì các bạn nghèo hơn, thì xứ sở ấy trừng mắt nhìn bạn như một người vô đạo đức.
Khi có người trong làng định mời người bán bánh mì qua bán, họ hốt hoảng: bánh mì này của ai? Có cho không tôi cũng không ăn. Tôi vẫn còn pizza mì ý miễn phí đấy, ai thèm.
Vậy nếu, chúng ta đi bán bánh mì chẳng hạn, những ngày chúng ta muốn về sớm đi chơi, những ngày chúng ta mỏi chân mỏi gối, chúng ta có cảm thấy cần phải đi qua xứ Tỉnh Bơ không? Chúng ta có e sợ chút nào xứ Tỉnh Bơ sẽ không ăn, không yêu thích bánh mì của mình không?
Hay chúng ta sẽ xem đó là một nơi vui chân thì ghé, dư bánh thì cho, còn thì chúng ta sẽ vui vẻ nồng nhiệt với nơi nào mua bánh mình nhiều, lắng nghe ý kiến và nhu cầu những nơi mua nhiều trả cao? Bánh mì có hạn, sức người có hạn và ai cũng chọn nơi làm mình vui, làm mình thấy được trân trọng trước.
Trên nhiều trang báo chính thống, tôi thấy comment dưới bài "Cái cô này là ai vậy? Ngôi sao sao tôi không biết? Có cho vé tôi cũng không thèm nghe!".
Tôi thấy nhiều người, khi thấy bạn bè mua vé, bĩu môi "Chờ đi đến sát ngày vé bán không hết thì tha hồ có vé tặng, mua trước làm gì tốn tiền."
Tôi không biết lý do thực sự buổi biểu diễn không thể diễn ra là gì. Tôi không biết nguyên nhân nào thực sự làm rất nhiều người hụt hẫng, bần thần, chưng hửng và thậm chí tổn thương. Nguyên nhân nào khiến cho cả 1 ekip đã chuẩn bi đã cố gắng để đưa Ariana về Việt Nam phải gánh chịu áp lực mắng chửi từ nhiều phía, giấc mơ đã xa vời lại càng thêm lắm ổ gà trắc trở.
Nhưng tôi biết, khi chúng ta vẫn còn là xứ Tỉnh Bơ thì dù với lý do nào, cũng khó trông mong một thái độ trân trọng hơn, vuốt ve hơn được.
Chúng ta cần làm gì, ngoài tức giận và đau buồn?
Hâm mộ cũng là một tình yêu. Mà tình yêu, có một câu này cấm có sai: đừng nghe những gì họ nói, nhìn những gì họ làm, đó mới là tình yêu.
Tranh cãi, bảo vệ thần tượng trên mạng có lẽ cũng là yêu.
Nhưng có lẽ cách yêu đó, không thể sánh được với mua nhạc bản quyền, xem phim bản quyền, bỏ tiền ra mua 1 tấm vé để xem thần tượng mình biểu diễn.
Nếu có điều kiện, và tình yêu đủ lớn, bạn có thể mua nhiều hơn 1 vé, nhiều hơn 1 album, và đưa nó cho người thân cùng đi, cho 1 fan chưa có điều kiện thèm khát nào đó. Đó là cách thể hiện tình yêu của fan quốc tế.
Và khi chưa có điều kiện để làm điều đó, cũng đừng vô tư tiện tay lấy nhạc về nghe, lấy phim về xem và coi nó như 1 điều đương nhiên trên đời khuyến khích mọi người cùng làm.
Nói một cách kinh tế học, chỉ khi nào chúng ta tạo ra sự tác động và tầm ảnh hưởng đến nền kinh tế sao ngoại, chúng ta mới thực sự là thượng đế và được tôn trọng.
Nói bởi trái tim của người hâm mộ: thì chỉ khi nào chúng ta chứng tỏ lòng hâm mộ của mình bằng hành động, chỉ khi nào công chúng văn minh và tôn trọng, không chờ đợi âm nhạc giải trí miễn phí thì sự tôn trọng và cống hiến của nghệ sĩ nước ngoài cũng sẽ không còn màu sắc của ngẫu hứng và bố thí nữa.
Theo Trí Thức Trẻ