"Chủ quán "bún chửi" đã làm xấu hình ảnh người Hà Nội"

Thời gian gần đây, câu chuyện về quán "bún chửi" trên đường Ngô Sỹ Liên, Hà Nội đang làm dậy sóng cộng đồng mạng. Theo tìm hiểu, tên gọi "bún chửi" xuất phát từ việc nhiều thực khách từng đến ăn tại đây cho biết, bà chủ quán tên Thảo lúc nào cũng luôn miệng la mắng, nói mát khách hàng bằng thứ giọng the thé, suồng sã, thậm chí là bắt khách vừa ăn vừa nghe chửi...


Bà chủ quán bún chửi miệt thị khách có dấu hiệu phạm luật? - Ảnh 1.
Hình ảnh chủ quán "bún chửi" mắng khách được kênh truyền hình CNN quay lại.

Câu chuyện ngày một nóng lên khi cách chào đón thực khách có phần lạ đời này bỗng xuất hiện trên kênh truyền hình CNN, trong mùa 8 của chương trình Anthony Bourdain: Parts Unknown. Ông Bourdain đã giới thiệu về món "bún chửi" như một đặc trưng gắn liền với bà chủ nổi tiếng khiến người xem không biết nên khóc hay nên cười.

Và ngay sau đó, trước rất nhiều ý kiến trái chiều, bà Thảo, chủ quán "bún chửi" đã hứa sẽ kìm chế việc chửi bới khách hàng. Tuy nhiên, khi mới quay trở lại trong thời gian gần đây, tình hình cũng không khác trước là bao. Bà chủ quán vẫn miệt thị khách bằng những lời lẽ đáng sợ khiến một bộ phận không nhỏ giới trẻ tỏ ra phẫn nộ về cách hành xử được cho là "có một không hai" của bà chủ quán bún này.


Bà chủ quán bún chửi miệt thị khách có dấu hiệu phạm luật? - Ảnh 2.
Mặc dù bị chửi nhưng quán này luôn đông khách.


Liên quan đến vấn đề trên, trao đổi với chúng tôi, luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng Văn phòng luật sư Nguyễn Anh (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, hình ảnh của chủ quán "bún chửi" không những làm xấu đi các giá trị văn hóa của người Hà Nội đối với của người dân Việt Nam mà còn với bạn bè quốc tế.

Luật sư Thơm cho rằng, cuộc sống ngày càng hối hả, mâu thuẫn lợi ích với nhau trong xã hội ngày càng lớn nên những ứng xử tốt đẹp với nhau trong giao tiếp hàng ngày ngày càng hiếm gặp. Vào tháng 5/2016, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải đã ký ban hành chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác đảm bảo trật tự và văn minh đô thị trên địa bàn thủ đô. Năm 2016 được Hà Nội tập trung thực hiện "Năm trật tự và văn minh đô thị" với quyết tâm xây dựng một Hà Nội ngày càng văn minh, hiện đại, "Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp".

Một trong những trọng tâm lớn được Thành ủy Hà Nội yêu cầu thực hiện tốt nhiệm vụ "Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả mục tiêu xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện tạo chuyển biến rõ nét về nếp sống văn minh đô thị của người Hà Nội, đặc biệt là về nhận thức, ý thức chấp hành và trách nhiệm thực thi pháp luật...

Trong khi Thủ đô hiện đang quyết tâm tạo chuyển biến đột phá về nếp sống văn minh đô thị của người Hà Nội, đặc biệt là về nhận thức, ý thức chấp hành và trách nhiệm thực thi pháp luật; kế thừa, phát huy những giá trị đạo đức, văn hóa, nhân văn truyền thống thì hình ảnh bà chủ quán "bún chửi" miệt thị khách hàng bằng những lời nói hết sức tục tĩu đã đi ngược lại quyết tâm của thành phố đang cố gắng để xây dựng hình ảnh thủ đô văn minh với những giá trị văn hóa truyền thống lâu đời.

Hình ảnh của chủ quán "bún chửi" không những đã làm xấu đi các giá trị văn hóa của người Hà Nội trong con mắt của người dân Việt Nam mà còn trong con mắt của bạn bè quốc tế. Kênh truyền hình CNN của Mỹ đã làm phóng sự phản ánh quán "bún chửi" như một "món ăn đặc sắc của Việt Nam". Đây rõ ràng là một hình ảnh không đẹp đối với bạn bè quốc tế về Hà Nội", luật sư Thơm chia sẻ.

Chủ quán "bún chửi" có thể bị xử lý

Luật sư Thơm cũng nêu ra quan điểm rằng, để làm trong sạch môi trường văn hóa, xây dựng nếp sống văn minh, thanh lịch của thủ đô thì trước tiên cần phải có biện pháp xử lý đối với những trường hợp như quán "bún chửi" thì mới có thể mang lại thành công chung của thành phố.


Bà chủ quán bún chửi miệt thị khách có dấu hiệu phạm luật? - Ảnh 3.
Luật sư Nguyễn Anh Thơm.

"Hành vi miệt thị khách của chủ quán "bún chửi" đã vi phạm quy định pháp luật. Điều 20 Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 2013 qui định "Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm", luật sư Thơm nói.

Luật sư cũng dẫn giải một số điều luật như: Điều 3 Bộ luật dân sự 2005 Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín "Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ".

Điều 121 Bộ luật hình sự 1999 qui định Tội làm nhục người khác là hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác. Đây là loại tội phạm ít nghiêm trọng với hình phạt cao nhất đến 3 năm tù. Tội làm nhục người khác chỉ được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại hoặc của người đại diện hợp pháp của người bị hại là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất theo Điều 105 Bộ luật tố tụng hình sự. Trong trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu trước ngày mở phiên tòa sơ thẩm thì vụ án phải được đình chỉ.

"Xét hành vi của bà chủ quán "bún chửi" đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật khi có lời nói xúc phạm danh dự của người khác, làm tổn thương nghiêm trọng về danh dự của họ mặc dù họ không có lỗi gì với chủ quán.

Đánh giá hành vi vi phạm của bà chủ quán "bún chửi" thì tùy vào địa vị xã hội, hoàn cảnh, bối cảnh đối với từng khách hàng. Mặt khác họ phải có đơn yêu cầu xử lý thì cơ quan pháp luật mới có thể xem xét mức độ để quyết định việc xử lý bằng biện pháp hình sự hay hành chính theo quy định của pháp luật", luật sư Thơm chia sẻ.

Luật sư cũng cho biết, sự xúc phạm nhân phẩm, danh dự người khác phải đến mức độ nghiêm trọng mới có thể truy cứu trách nhiệm hình sự. Đánh giá như thế nào là bị xâm phạm nghiêm trọng là một vấn đề khá phức tạp. Nó phụ thuộc vào thái độ, nhận thức của người phạm tội, cường độ, thời gian của hành vi, vị trí và môi trường xung quanh; vị trí, vai trò, nhận thức của người bị hại trong gia đình và xã hội; sự đánh giá và phản ứng của dư luận xã hội cũng cần phải được xem xét.

Trường hợp có thể bị xử lý hình sự như người bị miệt thị, chửi bới là người có chức vụ quyền hạn, có uy tín trong xã hội. Ví dụ như lãnh đạo thành phố đi cùng đoàn công tác dừng ăn thì bị chửi hoặc thành viên đoàn công tác du lịch đi tìm hiểu văn hóa Hà Nội vào ăn cũng bị chửi bới, miệt thị,…

"Hành vi miệt thị, chửi bới khách hàng của bà chủ quán "bún chửi" không những đã xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm người khác mà còn gây mất trật tự công cộng nên cần thiêt phải xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật mới có thể làm trong sạch môi trường văn hóa của của thủ đô, cũng như hình ảnh người Hà Nội văn minh, thanh lịch, hiếu khách,…", luật sư Thơm nói thêm.

Luật sư Nguyễn Anh Thơm cho biết, nếu trường hợp bà chủ quán "bún chửi" xét thấy chưa đến mức xử lý hình sự thì Cơ quan pháp luật cũng có thể xử phạt hành chính theo điểm a, khoản 1 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 qui định xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội,…

Điều 5. Vi phạm quy định về trật tự công cộng

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác

Theo Trí Thức Trẻ