Ngay đầu phố Phan Phu Tiên có một hàng bún đậu. Hàng này cũng tiếng tăm, lại nằm ở con phố đông đúc bậc nhất, không khó hiểu khi hàng bún đậu ấy từ lâu đã là một "thế lực ăn trưa" trên con phố này. "Thế lực ăn trưa" ở đây có nghĩa là, quán lúc nào cũng đông nghịt và ngồi tràn ra cả các vỉa hè nhà khác, trở thành hàng ăn "vô địch" vào mỗi buổi trưa trong vòng bán kính 100m.

Tạm bỏ qua yếu tố là bún đậu ở đây rất ngon, lúc nào cũng rất nhiều và không bao giờ bạn phải thất vọng khi đứng dậy, thì hàng bún đậu này còn một điểm rất thú vị nữa, ấy là chửi. Tôi có thể tự tin gọi đây là một trong những hàng bún đậu chửi đầu tiên của Hà Nội, và cái sự chửi có thể ngang bằng hoặc ngấp nghé với bún chửi Ngô Sỹ Liên, bún chửi Hàm Long..vv.. Nhưng tôi xin đính chính một cách rõ ràng, những câu chửi được văng ra không phải để dành cho khách (ngay cả khi ông chủ như chuẩn bị vỡ tung ra vì bực dọc), mà hoàn toàn là để các ông bà chủ… chửi nhau.

Quán bún đậu nổi tiếng phố Cát Linh: Ăn ở đây mà không nghe thấy tiếng chửi có khi lại mất vui! - Ảnh 1.
Bà chủ quán bún đậu, người luôn đứng ở "phía kia chiến tuyến" với ông
chủ đứng ở ngoài thu tiền.


Hãy thử tưởng tượng mọi chuyện như sau.

Vào một buổi trưa nóng hầm hập, với cái nắng gay gắt đang phủ khắp mặt đường Cát Linh. Bạn ghé thăm hàng bún đậu Phan Phu Tiên này (từ Cát Linh rẽ nhẹ một phát là đến). Trong không gian mở trên vỉa hè chật chội, những lượt khách cứ thế đến và gọi đồ liên tục. Bà chủ ngồi bên cái bếp với hai chảo dầu sôi sùng sục, luôn tay rán đậu, rán chả,.. Một người khác ngồi bên cạnh thái thịt không ngừng. Ông chủ đảo đi đảo lại liên tục giữa khu bếp và các bàn khách để giục giã và sắp xếp khách vào chỗ. Không gian rầm rì ồn ào tiếng nói chuyện của khách, tiếng lanh canh bát đũa, và... tiếng chửi của ông chủ.

Ông chủ thường chửi cái gì? Ông chủ chửi tại sao bà rán đậu không nhanh lên để khách chờ. Chửi cái đĩa đậu này là của bàn dưới gốc cây, tại sao lại bê ra bàn có cái ô? Chửi là cái bàn ngồi cạnh hàng cháo kia chờ mãi chưa có đĩa thịt đấy, rảo cái tay lên. Ông chửi thậm tệ, chửi ầm ĩ như một trang hảo hán thấy chuyện bất bình không thể kìm lòng. Hồi âm lại những câu chửi của ông, cũng là những câu chửi bức xúc không kém của bà chủ đang rán đậu, hay bà cô đang thái thịt. Ai cũng có một nỗi bức xúc riêng khi đông khách, và họ chọn cách chửi như một sự giao tiếp đặc biệt để... thúc ép nhau làm thật nhanh. Chửi đến mức bạn sẽ giật mình thon thót sau mỗi lời họ cất ra. Chửi đến mức bạn chỉ dám bẽn lẽn giục: "Chú ơi, đậu của cháu rán già nhé" như thể sợ họ chuyển mục tiêu sang mình. Và khi ông chủ tiến lại gần, cất tiếng gọi bạn bằng nguyên cái giọng sang sảng vừa chửi bà rán đậu dứt lời, bạn sẽ ngước mắt lên lo lắng, hoài nghi - để rồi ngã ngồi khi ông nói: "Ngồi dịch ra kia một tí kẻo cạnh bếp nóng, ăn mất ngon".

Quán bún đậu nổi tiếng phố Cát Linh: Ăn ở đây mà không nghe thấy tiếng chửi có khi lại mất vui! - Ảnh 2.

Ông chủ hay bà chủ ở hàng bún đậu này rất có thể khiến các thực khách yêu quý của mình phải nhăn mặt vì hoảng sợ khi lần đầu tiên đến đây và nghe họ chửi. Nhưng chẳng khách khứa nào sợ sệt được lâu, mà thậm chí còn thích ông ngay sau đó vì hình ảnh ông quay ra bê cái bàn nhựa đi từng góc vỉa hè để chọn chỗ ngồi ưng ý cho khách. Ông chủ này có thể chửi nhân viên không ngóc đầu lên được vì bê nhầm đĩa thịt sang bàn khác, bà chủ cũng có thể chửi ông chủ vì.... chửi gì mà chửi lắm thế để yên cho người ta làm. Nhưng ngay sau đó một giây, họ có thể quay qua bạn cười xoà và nói: "Ăn miếng bánh dày rán này không? Ngon lắm, cô mời".

Tôi không lãng mạn hoá cái sự chửi này thành văn hoá gì đó như nhiều bạn hay nói. Nhưng tôi cũng không lấy làm phiền với những lời chửi bỗ bã mình thường được nghe mỗi khi ghé nơi này ăn bún đậu. Nó là một lát cắt cuộc sống hết sức sinh động, những hình ảnh, những âm thanh ồn ào trong một buổi lao động của cả một gia đình. Những người bán hàng nóng nảy và sự vội vã của họ, những con người rất bình thường, đang mưu sinh, xuề xoà và chân thành. Tôi tin chắc vào điều ấy khi nhìn thấy cảnh ông chủ ấy kiên nhẫn đổi bàn đến lần thứ 5 cho chúng tôi mà vẫn hậm hực vì chỗ chúng tôi chọn... không mát và vuông vắn bằng chỗ ông chọn cho chúng tôi lúc đầu. Hay khi bà chủ đang rán đậu sẵn sàng cắt mấy miếng bánh dầy rán giòn - bữa trưa của bà và đám nhân viên - để chúng tôi ăn cùng cho vui.

Quán bún đậu nổi tiếng phố Cát Linh: Ăn ở đây mà không nghe thấy tiếng chửi có khi lại mất vui! - Ảnh 3.
Một suất bún đậu vô cùng tươm tất ở Phan Phu Tiên.


Kể lại câu chuyện ấy ở đây, tôi không có ý nói rằng việc ăn bún mắng - cháo chửi ở Hà Nội là một cái gì đấy có thể dung túng. Tôi sẽ nhiệt liệt phản đối nếu gia đình bán bún đậu kia có một lời xúc phạm tới khách hàng. Tuy nhiên, ngược lại với những câu chửi nhân viên, họ lại là những ông bà chủ chiều và ân cần với khách theo cái cách đơn giản và xuề xoà của riêng mình. Tôi không thể đòi hỏi những người lao động, đã ở vào cái tuổi xế chiều - phải có một cung cách phục vụ chuẩn mực, hay phải học cách bình tĩnh, kìm nén cơn sốt ruột giữa cả trăm khách hàng ghé cùng một lúc. Hơn nữa, họ còn không có lấy một lời to tiếng với khách ăn.

Có một điều tôi rất ghét đi ăn nhà hàng, đó là nhiều khi phải dòm ngó thái độ của nhân viên. Những nhà hàng fine-dining có tiếng thì không nói, nhưng ở phân khúc tầm giữa - với mức giá không quá cao - thì thái độ nhân viên lại là một đồ thị lên xuống vô cùng phức tạp. Mình thích thì mình phục vụ không tốt thôi, chả có lý do gì cả. Trong nhiều bữa ăn, đôi khi tôi phải chau mày hoảng hốt và tự vấn lại bản thân mình rằng: Liệu có hay không việc mình đã "phạm lỗi" gì đó với nhân viên, để rồi họ ghét mình như vậy?

Dĩ nhiên, tôi không bao giờ quay lại những nhà hàng khiến tôi phải tự hỏi mình có biết điều với các nhân viên phục vụ hay chưa. Thậm chí, tôi đã bỏ dở bữa ăn của mình chỉ vì em nhân viên đang bực mình một chuyện gì đấy (và dĩ nhiên, một vài hành động và những cú lườm xéo của em ấy khiến tôi nghĩ rằng, mình đang trở thành cái bia hứng cơn thịnh nộ thầm kín đó). Tôi nằm ở nhóm người quan tâm đến thái độ của nhân viên phục vụ như một thứ ngang bằng với hương vị món ăn. Tôi không rút ví ra để ăn một món ăn ngon, nhưng kèm theo đó là những cử chỉ hậm hực của nhân viên nhà hàng. Không ai trong chúng ta bỏ tiền ra mua những thứ đính kèm như thế.

Nhưng có một lằn ranh rất khác giữa việc ngồi giữa không gian nhà hàng, với những nhân viên được huấn luyện để mang đến sự thoải mái tối đa cho khách - và ngồi giữa một quán ăn bình dân vỉa hè, nơi mọi giá trị lẫn thước đo tiêu chuẩn đều nhường chỗ cho giá trị duy nhất: Hương vị món ăn. Tôi không thể mang cái nhìn khó chịu khi bị nhân viên phục vụ lạnh nhạt trong nhà hàng - nơi tôi trả 100 nghìn cho một đĩa salad - để nhìn cách cô bán hàng toát mồ hôi đầm đìa, miệng thì quát nhân viên rảo cái tay lên, còn tay thì đang mải chan bát bún đầy ắp thịt chân giò với giá 30 nghìn.

Ở những quán ăn vỉa hè có thể gặp bất cứ đâu trên đường phố Hà Nội, trong bất cứ hang cùng ngõ hẻm nào - tôi nhìn thấy một thứ văn hoá đặc trưng, đó là văn hoá hàng quán vỉa hè. Những âm thanh cuộc sống, những màu sắc rực rỡ, nhịp sống hối hả và cả những mảng đời chồng chéo xuất hiện trước mắt. Tôi nhìn thấy ở đó cuộc sống của những người lao động, buôn bán. Họ không có cái kiểu cách thơm tho của những nhà hàng hạng sang, cách phục vụ cũng xuề xoà và đơn giản. Họ ngồi bên bếp lửa cả buổi, chấp nhận cái nóng khi trời hè, và cái lạnh mùa đông, tay năm tay mười chuẩn bị hàng trăm lượt khách một ngày. Quần quật từ sáng đến tối trong một không gian chật chội, và đôi khi phải to tiếng với nhân viên để khách ăn được vừa lòng. Tôi nghĩ rằng, đó hoàn toàn là những điều mà chúng ta có thể thông cảm. Thậm chí chấp nhận như một hình ảnh thân quen trong cuộc sống. Hãy cứ nghĩ đến cảnh ngồi ăn bún mà không được nghe bà bán hàng buôn chuyện sẽ thiếu vắng thế nào. Hay ăn bát bún nhưng được nghe những lời mắng mỏ ồn ào của vợ chồng bà chủ... hẳn sẽ thú vị, như thể nhìn thấy những người vô cùng thân quen.

Và tôi gọi đó là một nét văn hoá ăn hàng mà chúng ta có thể cảm thông.

Theo Trí Thức Trẻ