Trở về căn nhà mái tranh đã cũ ở thị trấn Tuần Giáo (Điện Biên) sau khi được Tòa án nhân dân tỉnh Điện tổ chức buổi xin lỗi công khai, bà Đặng Thị Nga vội quét dọn lại nhà cửa, kê bàn ghế chuẩn bị đón họ hàng, làng xóm đến chia vui.
Bà Nga cho hay, chỉ vài tuần nữa bà bước sang tuổi 80 và đã rất yếu. Tuy vậy, bà vẫn nhớ như in cái ngày tai ương đổ xuống gia đình bà cách đây 28 năm.
Hôm đó là ngày 18/9/1989, khi bà ra giếng múc nước, phát hiện chồng mình là ông Trịnh Huy Tùng tử vong phía dưới.
Chôn cất chồng được 4 ngày, bà đi làm về liền được con gái chạy ra nói công an đã bắt giữ 2 anh lớn là Trịnh Công Hiến (SN 1963) và Trịnh Huy Dương (SN 1970) vì cho rằng họ giết bố mình. Bà tìm cách minh oan cho các con nhưng chính bà sau đó cũng bị bắt giữ.
“Tôi vào tù nghĩ chắc cả nhà chết hết, tôi vào đây thì 3 đứa nhỏ ở nhà chỉ có nước chết đói… Sáng ngày thứ 3, tôi nghĩ nếu để bị đánh chết thì không ai minh oan cho mình và con nên nhận tội. Khoảng hơn 10h sáng, tôi được gặp các con, thằng lớn bảo mẹ nhận tội đi rồi về nuôi các em để bọn con đi tù… tôi đành nhận”, người phụ nữ với mái tóc bạc trắng sụt sùi kể.
Bà Nga thắp hương cho người chồng xấu số. Ảnh: Luật sư Vũ Thị Nga
Thời điểm ấy, cô con gái Trịnh Thị Ngọc (lúc đó 16 tuổi) phải nghỉ học để trông hai cậu em trai 13 tuổi và 10 tuổi. Không chấp nhận nỗi oan thấu trời xanh, Ngọc đi làm thuê làm mướn khắp nơi để cùng mẹ đi kêu oan và “tiếp tế” cho 2 anh trai ở trại tạm giam cách nhà 200km.
Nhiều lá đơn của gia đình bà Nga gửi tới VKSND Tối cao nhưng không có hồi đáp. Trong một lần mang đơn tới Văn phòng Quốc hội, bà được hồi đáp, đơn được gửi lại tỉnh để giải quyết.
Sự việc cứ chìm vào quên lãng nhưng bà Nga vẫn không bỏ cuộc, tiếp tục gửi đơn tới các cơ quan trung ương, báo đài tại Hà Nội với niềm tin sẽ có nơi nhận và giải oan cho ba mẹ con.
“Nhiều lúc ra đường người ta dè bỉu tôi là kẻ giết chồng, những lúc đó tôi chỉ muốn xông đến đánh nhau nhưng rồi cũng kìm lại được. Nhìn cảnh mấy đứa con suy sụp vì mang tiếng giết cha, tim tôi như muốn vỡ…”, bà Nga kể về nỗi khổ tâm của mình.
Sau khi được hủy bỏ lệnh tạm giam từ tháng 1/1992, anh Trịnh Công Hiến vì quá đau buồn, không chịu nổi những dị nghị về tội giết người nên đã suy sụp và qua đời năm 2004.
Di ảnh của chồng và con bà Nga.
Anh Dương sau khi được ra tù cũng bỏ lên Hà Nội kiếm sống. Anh kể, lúc nào cũng mang theo tờ lệnh được thay đổi biện pháp ngăn chặn sau phiên phúc thẩm trả hồ sơ điều tra bổ sung như “bùa hộ mệnh” trong người.
Nhiều năm sau đó, anh Dương vẫn không dám quay về ngôi nhà cũ.
Được hỏi có bao giờ muốn bỏ cuộc trong hành trình kêu oan, bà Nga cho hay mình không bao giờ từ bỏ ý định, cứ đi làm có tiền là tôi lại vác đơn đi kêu oan.
Bà nhớ lại: “Xử sơ thẩm xong, họ bảo tôi bị án treo nên không được ra khỏi huyện, tôi phải dắt thằng Vương lúc đó 10 tuổi lén đi, lúc đi nó chỉ có quần đùi để mặc. Tôi về quê ở Thái Nguyên nhờ anh trai viết đơn thì các chị dâu bảo anh tôi phải cho nó đi xem bói xem đúng cái Nga giết chồng hay không”.
Theo bà Nga, trong suốt những năm 90, mỗi tháng một lần bà lại xuống Hà Nội hoặc lên thị xã Lai Châu để kêu oan.
“Tôi phải đi, có ăn xin dọc đường tôi cũng đi nhưng may mắn không đến mức vậy. Chỉ có lần vào Viện kiểm sát trung ương, tôi gặp một chị cùng làng làm ở đấy, chị nhất định cho tôi 10 đồng vì tôi chưa được ăn gì. Số tiền ấy, tôi mua muối vừng về cho các con...
Sau năm 2000, vì thằng Vương học đại học và tôi đưa được đơn cho một lãnh đạo cấp cao nên có nghỉ kêu oan gần 2 năm nhưng rồi xem tivi thấy người ta được giải oan nên lại thèm, lại vác đơn đi kêu các cửa”, bà lão nói.
Căn nhà nhỏ gần chân đèo Pha Đin của gia đình bà Nga. Ảnh: Tuyến Phan
Trò chuyện với PV Báo Gia đình & Xã hội, Luật sư Vũ Thị Nga - Trưởng Văn phòng luật sư Công Lý Việt – Người tham gia đòi quyền lợi miễn phí cho gia đình bà Đặng Thị Nga chia sẻ, sau 28 năm bị treo lơ lửng trong hành trình tố tụng, bà Nga và các con bị xã hội khinh bỉ, công ăn việc làm không có, sống lang bạt, vất vưởng vì tiền án, tiền sự giết người. Nỗi thống khổ đó, các con bà Nga phải đeo đẳng từ khi còn là một cậu thanh niên 19 tuổi, đến nay đã gần 50 tuổi.
Luật sư Nga cho rằng: Kết quả khám nghiệm cho thấy, nạn nhân chết do bị búa đinh, gậy gỗ đập nhiều nhát vào đầu làm vỡ sọ não. Nạn nhân chết trước khi bị ném xác xuống giếng.
Tuy nhiên, sau khi điều tra lại, hội đồng giám định đã khai quật tử thi để điều tra làm rõ thì thực tế ông Trịnh Huy Tùng chết không phải do bị đập nhiều nhát vào đầu bằng búa, gậy, không vỡ hộp sọ... Hài cốt ông Tùng đã được đưa về Viện KHHS, Bộ Công an nhiều tháng để giám định nhưng cũng không có kết quả.
Bà Nga cùng người thân tại buổi xin lỗi công khai sáng 24/10/2017.
Theo luật sư Nga, vụ án xảy ra đã hơn 28 năm, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đã hết. Như vậy xét về cả mặt tố tụng và nội dung vụ án đều không có căn cứ kéo dài thêm nữa. Ông Dương và ông Hiến không phạm tội giết bố, vì vậy không có bất kỳ lý do gì để kéo dài việc ra quyết định minh oan cho người vô tội.
Đến tháng 10/2017, cơ quan tố tụng ra quyết định đình chỉ bị can, tuyên bố 3 người trong gia đình bà Nga vô tội. Điều đáng tiếc, không chờ được đến ngày giải oan, năm 2004, ông Trịnh Công Hiến đã qua đời, mang theo nỗi oan khuất xuống mồ.
Sáng 24/10 vừa qua, TAND tỉnh Điện Biên tổ chức buổi xin lỗi công khai 3 mẹ con bà Đặng Thị Nga - những người chịu oan sai trong vụ án giết chồng, giết cha suốt 28 năm qua.
Buổi xin lỗi kéo dài chưa đầy 20 phút...
“Hiện tại gia đình bà Nga đang đợi các cơ quan tố tụng tỉnh Điện biên công khai xin lỗi trên báo 3 số liên tiếp. Sau đó, gia đình sẽ lên phương án đề nghị bồi thường theo luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước”, Luật sư Vũ Thị Nga chia sẻ.
Theo Giadinh.net.vn