"Hôm nay tôi đi chợ cho cả tuần hết gần 650.000 đồng. Chợ quê nên rẻ hơn trên phố, đầy đủ cả món thịt cá tôm cua chẳng thiếu món nào. Chỗ này chỉ cần sơ chế rồi cất vào tủ là đủ thức ăn cho gia đình trong một tuần", chị Hoài nói.
Đang sinh sống ở thôn Lang Trung, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, chị Hoài thường tranh thủ đi chợ mỗi tuần một lần để tiết kiệm thời gian và chi phí.
Với số tiền 650.000 đồng, chị Hoài mua thực phẩm đủ dùng cho một tuần (Ảnh: NVCC).
"Nếu đi chợ theo ngày sẽ lựa được đồ tươi ngon hơn. Nhưng do tính chất công việc và nhà đông con nên tôi thường mua theo tuần vào sáng sớm chủ nhật vì chợ quê thường họp sớm.
Tranh thủ ngày này, tôi mua nhiều đồ tươi hơn, về sơ chế để tủ cho cả nhà ăn dần. Lỡ những ngày đi làm về muộn, chợ hết đồ, nhà vẫn có thức ăn sẵn để dùng.
Cũng nhờ lên sẵn thực đơn trong một tuần, nên tôi không còn đau đầu suy tính xem hôm nay nấu gì nữa", chị Hoài phân trần.
Trong số tiền đi chợ 650.000 đồng, chị Hoài mua được mỗi thứ một chút, như xương bò 30.000 đồng, đầu cá trắm 20.000 đồng, thịt bò 50.000 đồng, đùi gà công nghiệp 85.000 đồng, tôm 100.000 đồng, xương đầu lợn 30.000 đồng, cá mương và cá sông 60.000 đồng, thịt nạc vai 100.000 đồng, xương sườn 50.000 đồng, 6 lạng cua 70.000 đồng...
Chị Hoài mua hoa quả theo mùa cho cả nhà, không mua hàng ngoại nhập vì chưa có điều kiện (Ảnh: NVCC).
Có ý kiến cho rằng cầm số tiền 650.000 đồng đi chợ thời buổi này chỉ mua được ít thức ăn trong đôi ba ngày "là hết nhẵn", không thể mua đủ dùng cho cả tuần, chưa kể nhà đông thành viên thì lượng đồ mua còn nhiều hơn, chị Hoài cho rằng giá cả ở chợ quê "vẫn dễ thở hơn".
"Như xương bò, tôi tới tận nhà người chuyên xả thịt nên rẻ hơn mua qua tiểu thương. Phần xương bò 30.000 đồng là đủ để ninh nước nấu 2 bữa sáng cho con.
Nhà tôi sẽ ăn sáng ở nhà. Hôm tôi chế biến nấu bánh đa, ngày lại chuyển sang bún khô hoặc cơm rang trứng cho mọi người đổi bữa.
Hay như đầu cá trắm chợ quê chỉ có 20.000 đồng trong khi tôi nghe nói ở Hà Nội có thể lên tới 60.000 - 70.000 đồng. Quê tôi, mọi người thích ăn thịt cá hơn, nên phần đầu không có thịt sẽ rẻ", chị Hoài nói.
Chị tự làm sữa hạt để bổ sung thêm chất dinh dưỡng cho các con (Ảnh: NVCC).
Bà mẹ 36 tuổi nhẩm tính, một tháng tiền ăn cho cả nhà 2 người lớn và 3 đứa trẻ (bạn nhỏ nhất 2 tuổi) khoảng 2.6 triệu đồng, thêm 400.000 đồng tiền hoa quả mua thêm cho các con. Ở quê, chị mua hoa quả theo mùa, phần nhiều là chuối, ổi và dưa hấu.
"Việc mỗi gia đình chi tiêu nhiều ít ra sao tùy thuộc theo khả năng co kéo của từng bà nội trợ.
Như ở nhà tôi, bố mẹ ăn gì, các con ăn đó, nhưng tôi luôn ưu tiên dành cho các bạn bé có thêm tôm, thịt lợn, bò, gà. Ngoài ra, tôi còn làm thêm sữa hạt bổ sung thêm dinh dưỡng cho con. Cả 3 bạn nhỏ không to béo, nhưng bù lại rất ít ốm vặt", chị Hoài kể.
Mỗi mâm cơm sẽ có bữa nọ bữa kia nhưng luôn được chị Hoài đổi thực đơn để cả nhà ăn ngon miệng (Ảnh: NVCC).
Do ở quê đất rộng, gia đình chị còn tranh thủ trồng thêm rau xanh, tự cung cấp cho mỗi bữa ăn, vừa giúp tiết kiệm lại đảm bảo được nguồn rau sạch.
"Tôi thích mô hình tự cung tự cấp nên còn nuôi thêm vài con lợn, dăm con gà đẻ trứng lấy thịt. Cũng nhờ đó, khoản chi tiêu cho ăn uống đỡ phần nào. Tính ra, ở quê tiền ăn uống lại không đáng mấy, chỉ tiêu các khoản sinh hoạt khác mới tốn kém", chị Hoài nói.
Theo Dân Trí