Có rất nhiều thông tin khó kiểm chứng trong những buổi livestream của bà Nguyễn Phương Hằng. Nhưng có một yếu tố có thể xác định dễ dàng là cái tên Phương Hằng đang trở thành một từ khóa được tìm kiếm rộng rãi, là câu chuyện được bàn tán khắp mạng xã hội những ngày qua.
Từ ngày 27/5, bà Nguyễn Phương Hằng đã trở thành hiện tượng của loại hình livestream khi phá vỡ mọi kỷ lục streaming ở Việt Nam. Nhiều chuyên gia truyền thông bày tỏ sự kinh ngạc, và tìm cách lý giải về "hiện tượng" này.
Và trong không ít luận giải lẫn so sánh, một nhà báo nhận định bà Hằng nổi lên theo cách giống Donald Trump, tức “cut the cord” - tự thân, “từ một tới thẳng đại chúng” nhưng một ý kiến khác lại cho rằng bà Hằng thu hút sự chú ý giống cách của nhóm Thánh Cô Cô Bóc vào năm 2015, tức bóc phốt showbiz.
Tiền nhiều để làm gì?
Thực ra, không phải “cut the cord” hay sự “độc lạ”, điểm chung dễ nhận thấy đầu tiên ở Donald Trump và Nguyễn Phương Hằng là cả hai đều là doanh nhân giàu có.
Nhưng hơn cả chuyện giàu có cỡ nào là thái độ không ngại quảng bá mình là một người rất giàu. “Kim cương của tôi lên tới hàng ký”, “tôi đi xe 40-50 tỷ”, “tôi có bao nhiêu căn nhà mặt tiền”, “số đỏ cũng phải cân ký”, “một ngày tôi có thể tiêu 5 tỷ”… là những chia sẻ của bà Nguyễn Phương Hằng.
Bà Nguyễn Phương Hằng, vợ ông Dũng "Lò Vôi".
Nước Mỹ năm 2016 đã từ chối chính trị gia lão luyện Hillary Clinton để chọn Donald Trump vì nhiều người tin rằng một tỷ phú phá bỏ mọi khuôn thước như thế sẽ biết cách để “nước Mỹ vĩ đại trở lại”.
Những cuốn sách làm giàu của Trump và rất nhiều cuốn sách dạy làm giàu khác vẫn luôn luôn có độc giả. Bởi vì, trong một xã hội mà tiền là một thước đo, đôi khi, câu hỏi “tiền nhiều để làm gì”, có thể được trả lời theo cách “có tiền để nói có người nghe".
Nếu xét ở yếu tố công nghệ, những buổi livestream của bà Nguyễn Phương Hằng có vẻ quá đơn giản. Bà Hằng đúng ra chỉ ngồi một chỗ và nói. Quá đơn điệu về góc quay và quá ít sự chuyển động về hình ảnh.
Nhưng ngược lại với sự đơn giản ấy là một người phụ nữ trang điểm rất kỹ, đeo rất nhiều trang sức đắt tiền và luôn thay đổi trang phục trong những lần xuất hiện.
Giới doanh nhân Việt có nhiều người chọn cách sống kín tiếng, không ai biết họ giàu thế nào, thậm chí là mặt mũi ra sao. Có những người bạn đời của những tỷ phủ USD ở Việt Nam, người ta thậm chí không thể tìm thấy một bức ảnh chân dung trên mạng.
Cách bà Nguyễn Phương Hằng livestream một tuần 2 lần và chấp nhận cho các YouTuber cắt ghép, dùng ảnh tràn lan trên mạng là sự khác biệt.
Chuyên gia Vũ Tuấn Anh - tiến sĩ truyền thông của Đại học Sydney trao đổi với chúng tôi về lập luận này: “Cư dân mạng là những người rất tò mò, đặc biệt là trong một nền báo chí mà mối quan hệ giữa báo giới, chính trị gia và doanh nghiệp là ba cột nương tựa vào nhau”.
Sự nương tựa đôi khi tạo ra việc khan hiếm thông tin. Là lý do thật khó để số đông biết được những thông tin cá nhân hay đơn giản là tính cách của những doanh nhân Việt nổi tiếng.
Thế nên khi bà Hằng là đại diện của doanh nghiệp, tấn công mặt trận truyền thông, không cần "rào trước đón sau", không cần kiêng nể, thậm chí sẵn sàng phơi bày tất cả, bao gồm cả tính cách và câu chuyện của riêng mình, công chúng phần não cảm thấy thỏa mãn sự tò mò.
Song, tất nhiên nếu chỉ có sự tò mò về tính cách doanh nhân và sự giàu có thì không đủ. Yếu tố cộng hưởng quan trọng cho hiện tượng Nguyễn Phương Hằng phải là cách bà Hằng tấn công showbiz.
Sự cộng hưởng của showbiz
Năm 2015, nhóm Thánh Cô Cô Bóc nổi lên vì chuyên bóc phốt thế giới showbiz trên mạng. Nhưng nếu nhóm này chọn cách ẩn danh, chỉ bị lộ diện khi công an vào cuộc điều tra, bà Nguyễn Phương Hằng công khai xuất hiện, công khai đương đầu với showbiz.
Câu chuyện của bà Nguyễn Phương Hằng ở giai đoạn đầu của việc livestream thực ra không liên quan gì đến showbiz. Những chia sẻ của bà Hằng vẫn gây chú ý nhưng phải đến khi "đại náo" showbiz, bà Hằng mới tạo thành “cú nổ” đúng nghĩa.
Cơn bão được tạo ra khi nữ doanh nhân sẵn sàng chỉ tên trực tiếp những ca sĩ, diễn viên nổi tiếng của showbiz như NSND Hồng Vân, Trịnh Kim Chi, Vy Oanh, Gia Bảo, Hứa Minh Đạt... và đặc biệt là Hoài Linh.
NSND Hồng Vân nhiều lần bị nhắc trong livestream của bà Hằng.
Nhiều nghệ sĩ phản ứng khi bà Hằng dùng những từ như “đám nghệ sĩ”, “bọn nghệ sĩ”, “cấm cửa đến Đại Nam”, “đến sẽ đóng cổng đánh”. Với từng nghệ sĩ phản ứng, bà Hằng có cách “bóc phốt” riêng, đưa ra những thông tin mà công chúng chưa biết, thậm chí gây sốc với nhiều người.
Một số thông tin bà Hằng nói rằng bà “nằm mơ".
Trao đổi về vấn đề này, tiến sĩ Vũ Tuấn Anh cho biết showbiz luôn là chủ thể được dư luận quan tâm.
“Từ trước đến giờ công chúng chỉ thấy thần tượng của họ trên tivi, báo chí, mạng xã hội, sân khấu rất long lanh, đẹp đẽ. Nhưng giờ họ lại thấy góc khuất của giới showbiz, đó là điều mà công chúng khao khát”, Trưởng khoa Truyền thông và Văn hóa Đối ngoại, Học viện Ngoại giao nói.
Theo tiến sĩ Vũ Tuấn Anh, bởi vì showbiz có nhiều thông tin mập mờ nên khi có một người nói ra, công chúng càng trở nên sôi động. Công chúng rất muốn biết cái gì là sự thật và do vậy, muốn được bàn luận, muốn được xem tiếp.
Trả lời câu hỏi về việc nhiều thông tin bà Hằng đưa ra không được kiểm chứng, thậm chí không loại trừ khả năng sai sự thật, xúc phạm người khác, tiến sĩ Vũ Tuấn Anh cho biết công chúng bao giờ cũng là công chúng, họ tò mò và đôi khi tiếp nhận thông tin có thể chưa đúng, nhất là khi thông tin đăng tải trên mạng không có cơ chế kiểm soát như đăng trên báo chí.
Một host đúng nghĩa, có ê-kíp mạnh
Ngoài góc độ về xuất thân, sự cộng hưởng của showbiz, tiến sĩ Vũ Tuấn Anh cũng cho rằng điểm khiến bà Hằng trở thành hiện tượng truyền thông còn là việc bà ăn nói rất lưu loát. "Nói suốt 1-3 tiếng liền như vậy không phải ai cũng làm được".
Ngoài ra, những buổi livestream này còn áp dụng tính định kỳ của truyền hình khi phát có ngày, có giờ cố định trong tuần, được thông báo trước, không đơn thuần là ngẫu nhiên, ngẫu hứng kiểu mạng xã hội.
Bà Hằng đã xuất hiện như một host đúng nghĩa trong một show hoàn toàn của mình. Thích gì nói ấy, đôi khi quá căng thẳng để thỏa mãn được thói quen tò mò, hóng "drama" của số đông nhưng đôi khi cũng hài hước với kiểu đảo chữ, gieo vần trong những câu nói.
Không ít câu đã thành "trend" trên mạng theo cách như vậy.
Hình ảnh chụp lại màn hình buổi livestream ngày 25/5 của bà Phương Hằng.
Bà Hằng cũng giỏi tương tác với số đông. Đầu tiên là việc cho trợ lý truy tìm những phản ứng của giới nghệ sĩ trên mạng, thậm chí chỉ một bình luận của nghệ sĩ ở một trang cá nhân nào đó cũng được ê-kíp tổng hợp và bà Hằng sẽ cho lên sóng. Ngoài ra, những bình luận khen ngợi cũng được các trợ lý sưu tầm về và bà Hằng sẽ đọc công khai. Những câu nói như "quý vị thả tim ào ào cho em đi" cũng là một dạng tương tác.
“Sẽ có những cách hiểu về truyền thông khác nhau. Nhưng có thể nhìn thấy là bà Hằng có đội ngũ tư vấn riêng, có ê-kíp riêng. Trước giờ chỉ có những trận đá bóng hoặc các chương trình trực tiếp mới thu hút nhiều người xem như vậy. Lần này, bà Hằng là hiện tượng truyền thông đáng để mổ xẻ”, tiến sĩ Vũ Tuấn Anh nói thêm.
Nhưng nhiều chuyên gia truyền thông cũng đồng thuận rằng tất cả hiện tượng dù đình đám đến đâu cũng sớm rơi vào trạng thái người theo dõi ít dần và không còn được quan tâm như trước. Bà Nguyễn Phương Hằng cũng khó thành ngoại lệ.
Theo Zing