Vỡ nợ trăm tỷ rúng động làng quê nghèo
Sau khi bà Hoàng Thị Khanh tuyên bố vỡ nợ, tình hình trật tự trên địa bàn diễn ra khá phức tạp. Nhiều người đến nhà bà Khanh đòi tiền, thậm chí thuê, mượn những thanh niên xăm trổ đầy mình đến gây sức ép để đòi nợ. Chính vì vậy, cửa nhà bà Khanh luôn khóa im ỉm, mặc cho nhiều người đến chửi bới, đe dọa.
Ngày 21/8, bà Khanh làm đơn gửi Công an huyện Yên Phong tố cáo bà Trần Thị Bích (38 tuổi, trú cùng xã) vay của bà 120 tỷ (là số tiền bà Khanh vay của dân) nhưng không trả, dẫn đến việc bà Khanh bị vỡ nợ. Cùng ngày, do không chịu nổi sức ép của dư luận, chồng bà Khanh là ông Trần Văn Trường đã uống thuốc diệt cỏ tự tử. Mặc dù được người nhà phát hiện, đưa đi cấp cứu nhưng ông Trường không qua khỏi.
Ngày 22/8, khi chúng tôi đến, ngôi nhà 2 tầng cũ kỹ khóa chặt lâu ngày của gia đình bà Khanh đã mở cửa trở lại để lo đám tang cho ông Trường. Trước cái chết bất ngờ của người đàn ông này, các chủ nợ tạm thời không đến đòi nữa nhưng cảnh xao xác, lo âu vẫn hiện hữu trên từng khuôn mặt ở đây.
Vợ chồng bà M. - người cho bà Khanh vay 650 triệu đồng.
Đến nhà bà Trần Thị M. (53 tuổi, cùng thôn với bà Khanh) khi bà này vừa sang viếng ông Trường về. “Đang bị quỵt nợ nhưng ông Trường chết, hàng xóm với nhau chả nhẽ không viếng” - bà M. sụt sùi.
Bà cho biết, gia đình bà cho bà Khanh vay số tiền 650 triệu đồng. Đây là toàn bộ vốn liếng vợ chồng bà tích cóp, vay mượn để tháng 8 này xây nhà nhưng giờ có nguy cơ mất vì bà Khanh tuyên bố vỡ nợ.
Bà M. cho biết từng nhiều lần cho bà Khanh vay tiền. Trước kia thì chỉ mấy chục triệu, vì cũng sợ “lỡ xảy ra vấn đề gì”, nhưng bà Khanh vay có giấy tờ, lãi suất sòng phẳng nên bà M. tin tưởng, dần dần, dốc hết tiền cho bà Khanh vay.
“Lãi suất 20%, cứ đến tháng chị ấy trả đầy đủ. Do chị Khanh giữ đúng lời hứa nên dần dần tôi rất tin tưởng. Cách đây 1 năm, tôi cho chị ấy vay 650 triệu đồng, trong đó có cả tiền vốn của vợ chồng và con gái. Hằng tháng chị ấy vẫn trả lãi suất. Thế nhưng, đợt vừa rồi chị ấy tuyên bố vỡ nợ khiến tôi vô cùng bất ngờ”, bà M. chia sẻ.
Theo bà M., bà Khanh nói vay tiền để hùn vốn kinh doanh gỗ với một người phụ nữ khác. “Khi tôi hỏi thì chị ấy bảo gỗ buôn mất hết rồi, giờ không còn hy vọng gì nữa. Nghe xong, tôi chỉ biết khóc chứ chả biết làm thế nào. Tôi nghe nhiều người trong xã cho chị Khanh vay tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng tôi rất sốc. Nếu biết chị nợ nhiều thế này tôi đã không cho vay”, bà M. cho biết.
Chị Nguyễn Thị H. (một người cho bà Khanh vay tiền) cũng cho biết, vợ chồng chị tích góp bao năm qua được 500 triệu đồng cho bà Khanh vay. Từ trước tới nay, ở địa phương, vợ chồng bà Khanh là người hiền lành, tử tế nên ai trong xã cũng yêu quý. “Tôi cho bà Khanh vay số tiền trên nhưng cũng không đòi hỏi lãi lời gì. Bà ấy bảo khi nào tôi cần sẽ trả. Hôm nghe tin bà ấy tuyên bố vỡ nợ, tôi có sang hỏi chứ cũng không đòi thì bà Khanh hứa sau có sẽ trả”, chị H. nói.
Là người cho bà Khanh vay hơn 3,1 tỷ đồng, chị Hoàng Thị Th. (40 tuổi) cũng sống trong tâm trạng mất ăn mất ngủ. Theo lời kể của chị Th, số tiền trên là của anh chị em trong nhà góp lại để mua đất, thậm chí vay cả của người ngoài.
Chị Th. cho biết: “Do chưa sử dụng tiền ngay nên ngày 5/7, chị Khanh có sang hỏi mượn với giao ước 5 ngày sau sẽ trả nên tôi cho vay mà không kèm theo điều kiện gì vì chị em lâu nay vẫn hỗ trợ vay mượn nhau khi khó khăn. Nhưng hết thời hạn, tôi có hỏi tiền thì chị khất hết lần này tới lần khác và tới bây giờ là vỡ nợ. Vì vụ này mà gia đình tôi thường cãi vã, chả muốn làm ăn gì nữa. Giờ tôi có bán nhà cũng chẳng ai mua vì cả làng không có tiền”, chị Th. nghẹn ngào.
Anh Nguyễn Mạnh T. - người cho bà Khanh vay số tiền gần 2 tỷ đồng bằng số tiền thế chấp sổ đỏ ngôi nhà đang ở. Vốn là hàng xóm với nhau nên anh T. biết rõ gia đình bà Khanh đến “chân tơ, kẽ tóc” bởi vợ chồng bà Khanh trước kia buôn bán thịt lợn, 3-4 năm nay nói là chuyển sang buôn gỗ, ván dăm nên cần vốn.
Theo thỏa thuận, bà Khanh đưa sổ đỏ và giấy thế chấp nhà cho gia đình anh T. để được vay 1,7 tỷ đồng thời hạn 1 năm. Anh T. tin tưởng đem cầm cố sổ đỏ nhà mình để lấy tiền cho bà Khanh vay.
“Trước hôm tuyên bố vỡ nợ, chồng chị Khanh sang nói chuyện với tôi và bảo sang nhà cầm chìa khóa, rồi giữ nhà giúp. Anh ấy nói sẽ sang ở nhờ nhà anh trai, thỉnh thoảng phiền tôi mở cửa để anh thắp hương. Anh ấy còn nói số tiền quá lớn, thế này không thể sống được. Tôi cũng động viên nhưng không ngờ, ngày hôm sau, anh nghĩ quẩn, uống thuốc diệt cỏ tự tử”, anh T. cho biết.
Vợ chồng anh Nguyễn Mạnh T.
Chân dung con nợ đặc biệt
Tôi từng gặp nhiều con nợ, có những người vay của người khác từ vài tỷ, vài chục tỷ đến hàng trăm tỷ đồng nhưng chưa thấy một con nợ nào lạ lùng và khác biệt như bà Hoàng Thị Khanh. Với số tiền vay được của dân, theo trình báo ban đầu của bà ta với cơ quan Công an là 120 tỷ; sau đó khai giảm xuống còn 90 tỷ đồng, thật sự là con số rất lớn, nhất là đối với làng quê như ở xã Tam Đa - nơi mọi người chủ yếu sinh sống bằng nghề nông nghiệp và buôn bán lặt vặt. Vậy, bà Khanh làm thế nào để vay được số tiền lớn như vậy chỉ bằng tờ giấy viết tay, không tài sản thế chấp?
Thiếu tá Phạm Văn Ngư, Phó trưởng Công an huyện Yên Phong, Bắc Ninh, cho biết, trước khi xảy ra vỡ nợ, qua công tác nắm tình hình, Công an huyện Yên Phong đã phát hiện ra việc vay lãi, chơi hụi họ có dấu hiệu phức tạp về ANTT nên đã xác minh, làm rõ. Trong khi cơ quan Công an đang xác minh thì ngày 5/8, bà Hoàng Thị Khanh tuyên bố vỡ nợ.
Do tình hình phức tạp, Công an huyện đã cùng với chính quyền địa phương tăng cường bảo vệ ANTT, ngăn chặn không cho các đối tượng xấu đòi nợ theo kiểu “xã hội đen”. Gia đình bà Khanh cũng làm đơn nhờ chính quyền bảo vệ an toàn tính mạng.
Qua nắm tình hình, cơ quan Công an xác định sở dĩ bà Khanh vay được tiền của các hộ dân vì bà này vay lãi suất cao, trả lãi đầy đủ nên mọi người tin tưởng. Bước đầu, có 37 hộ dân đến trình báo cho bà Khanh vay hơn 40 tỷ đồng.
Theo trình bày của bà Hoàng Thị Khanh trong đơn gửi Công an huyện Yên Phong vào ngày 21/8 thì bà vay của người dân 120 tỷ đồng, toàn bộ số tiền trên đã cho bà Trần Thị Bích vay lại để ăn chênh lệch lãi suất. Cụ thể, bà vay của người dân lãi 1.000đ/1 triệu/ngày thì sẽ cho bà Bích vay lại với lãi suất 1.500đ/1 triệu/ngày; những món vay 1.500đ/1 triệu/ngày thì sẽ cho bà Bích vay lãi suất 2.000đ/triệu/ngày.
Tuy nhiên, khi cơ quan Công an mời lên làm việc thì bà Khanh cho rằng đang hoảng loạn nên không nhớ chính xác số tiền cho bà Bích vay là bao nhiêu, sau đó tự cộng lại, trình báo cho bà Bích vay 80 tỷ đồng, vay người dân 90 tỷ đồng.
Về phía bà Bích, khi làm việc với cơ quan Công an, bà này khẳng định chỉ vay của bà Khanh 17 tỷ đồng (có xác nhận trong sổ), phần bà Khanh ghi trong sổ (không có xác nhận), bà Bích cho rằng mình không biết, không vay số tiền trên. Bà Bích cũng khẳng định đủ khả năng tài chính để thanh toán cho bà Khanh 17 tỷ đồng.
Vậy, số tiền hàng trăm tỷ bà Khanh vay của người dân đi đâu?
Theo những người dân địa phương thì có thể số tiền lớn trên bà Khanh đã đầu tư vào tiền ảo Bitcoin vì trên địa bàn từng rộ lên việc kinh doanh tiền ảo. Tuy nhiên, tại cơ quan Công an, bà Hoàng Thị Khanh cho rằng, mình không chơi bời, đầu tư đất đai hay tiêu pha gì lớn, cũng không biết tiền ảo là gì. Sở dĩ số tiền vỡ nợ lớn là vì bà vay của người nọ trả lãi cho người kia.
Theo lời bà Khanh thì thời gian đầu, bà Bích trả lãi đầy đủ nên bà có tiền trả cho người dân. Sau đó, khoảng 1 năm trở lại đây, bà Bích cho rằng làm ăn khó khăn nên không có tiền trả lãi. Chính vì đã trót vay của mọi người, trong khi đó bà Bích không trả lãi, cũng không trả lại gốc, bà Khanh sợ thất hứa nên đã vay của người nọ “đập” sang cho người kia.
Thời gian đầu, lãi suất thấp nhưng càng sau này lãi suất càng tăng thì người dân mới cho vay tiền, có những món vay, bà Khanh phải trả lãi tới 3.000đ đến 4.000đ/1 triệu/ngày (khoảng 9%/tháng, gần 110% năm đến khoảng 150%/năm). Với mức lãi suất trên, chỉ trong khoảng 1 năm, số tiền lãi và tiền gốc đã tăng hơn gấp đôi khiến bà không còn khả năng trả nợ nên phải tuyên bố vỡ nợ.
Về tài sản thế chấp, ngoài ngôi nhà đang ở, vợ chồng bà đã đưa sổ đỏ cho anh T. để vay 1,7 tỷ đồng, đa số những người khác đều không có thế chấp, mức lãi cũng chỉ nói miệng với nhau, không có văn bản thể hiện.
Được biết, đây chỉ là trình bày 1 chiều và ban đầu của bà Khanh, có thể chưa chính xác nhưng cũng phần nào lí giải được nguồn gốc số tiền hàng trăm tỷ và “đường đi” của số tiền này. Trên thực tế, cũng có nhiều người cho bà Khanh vay với lãi suất thấp, cá biệt có thể không lấy lãi theo kiểu “chị em giúp nhau” nhưng đa phần đều do hám lợi nên đã “xuống tiền tỷ” đơn giản như vậy.
Đây cũng là nguyên nhân chính trong các vụ vỡ nợ thời gian qua. Bởi người dân chỉ nghĩ đơn giản cho vay lấy lãi trong khi không suy xét xem người vay dùng số tiền đó để làm gì, kinh doanh gì để có thể ra một khoản lãi lớn như vậy.
Giấy bà Khanh xác nhận vay nợ 3 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Tôn, Chủ tịch UBND xã Tam Đa, huyện Yên Phong cho biết, ngày 14/8, nhận được thông tin vợ chồng bà Khanh tuyên bố vỡ nợ, lãnh đạo địa phương đã họp, giao nhiệm vụ cho công an xã chú trọng đến vấn đề này, có biện pháp ngăn chặn tình trạng các đối tượng đến đòi nợ, đề phòng các tình huống manh động.
Bà Khanh cũng đã gọi các “chủ nợ” đến để viết giấy vay và hứa hoàn trả. Nguyên nhân của sự việc trên là do người dân hám lợi nên đã cho bà Khanh vay số tiền lớn. Bước đầu, xã xác minh có khoảng 25-26 hộ cầm sổ đỏ cho ngân hàng để lấy tiền cho bà Khanh vay. Các hộ khác thì dùng tiền dành dụm được hoặc vay của người thân, bạn bè.
Ông Nguyễn Văn Tôn cho biết thêm, 10 năm trước, trên địa bàn cũng xảy ra sự việc huy động tiền rồi bị vỡ nợ tại địa phương nhưng số tiền ít hơn, khoảng 30-40 tỷ đồng. Hiện tại, bà Khanh đang khoanh nợ của người dân, xin khắc phục bằng cách thu hồi nợ của bà Bích để trả, phần khác xin khất nợ hoặc xin trả tiền gốc. UBND xã đang sàng lọc các đối tượng cho vay trên địa bàn để phối hợp với Công an huyện điều tra, làm rõ và có hỗ trợ đối với những gia đình khó khăn đã cắm sổ đỏ ở ngân hàng.
Được biết để điều tra, làm rõ, ổn định tình hình sau vụ vỡ nợ chấn động vừa qua ở xã Tam Đa, Công an huyện Yên Phong đã tăng cường lực lượng làm liên tục ngày đêm thu thập tài liệu, chứng cứ để làm rõ việc vay nợ giữa bà Trần Thị Bích và bà Hoàng Thị Khanh; giữa bà Khanh với người dân.
Bên cạnh đó, Công an huyện Yên Phong phối hợp với chính quyền địa phương và Công an xã bảo vệ ANTT, phòng ngừa các vi phạm do đòi nợ, siết nợ, ảnh hưởng đến ANTT trên địa bàn.
Theo An ninh thế giới