ThS.BS Đinh Hữu Việt, Trưởng khoa Nam học, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội nhớ như in trường hợp anh Nguyễn Văn Cương (quê Thái Nguyên) bị vô tinh do mắc hội chứng Klinefeter - rối loạn di truyền, suy sinh dục, rối loạn nội tiết, khiến tinh hoàn teo nhỏ, khả năng sinh tinh rất kém, thậm chí không tạo ra tinh trùng.
Trước khi tới bệnh viện, vợ chồng anh Cương chạy chữa ở nhiều nơi nhưng không có kết quả. Lần đi khám này anh cũng chẳng dám nuôi hy vọng quá nhiều.
“Nếu không vi phẫu tìm tinh trùng để thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) thì người này rất khó để có con. Lý do là nam giới mắc hội chứng Klinefelter tinh hoàn kém phát triển, bộ phận sinh dục nhỏ so với người bình thường. Nam giới trưởng thành mắc hội chứng này thường ít hoặc không có tinh trùng”, bác sĩ Việt nói.
Bác sĩ Đinh Hữu Việt khám và tư vấn cho người bệnh.
Khi đó bác sĩ bắt buộc áp dụng phương pháp Micro TESE - vi phẫu trích mô tinh hoàn để tìm tinh trùng dưới kính hiển vi.
Nhờ sự trợ giúp của bộ dụng cụ vi phẫu hiện đại cùng sự tập trung rất cao độ, sau hai giờ căng thẳng phẫu thuật, bác sĩ Việt cùng ê kíp phẫu thuật “nhặt” được tinh trùng khoẻ mạnh để thực hiện IVF cho bệnh nhân.
“Việc bới tìm tinh trùng rất vất vả. Trong hàng triệu con tinh trùng, chúng tôi phải rình từng con. Nhiều khi căng mắt, mất rất nhiều công tìm mới được vài con khoẻ mạnh. Khi bắt được tinh trùng, bác sĩ sẽ cân nhắc xem con nào tốt nhất cho bệnh nhân qua đánh giá hình thái học và khả năng di động”, bác sĩ nói.
Để bệnh nhân không nản lòng, bên cạnh làm công tác chuyên môn, bác sĩ luôn cố gắng động viên, tạo hy vọng để tinh thần người bệnh được thoải mái nhất. Vợ chồng anh Cương may mắn đậu thai ngay lần đầu chuyển phôi. Đầu năm 2020, gia đình anh chị đón con yêu chào đời sau nhiều năm mong mỏi kiếm tìm.
Theo bác sĩ Việt, gia đình anh Cương là một trong những trường hợp mắc hội chứng Klinefelter đầu tiên tại Việt Nam được điều trị thành công nhờ can thiệp kỹ thuật vi phẫu tìm tinh trùng.
Trong hành trình làm nghề, bác sĩ Việt từng chứng kiến và can thiệp xử lý cho rất nhiều ca gặp biến chứng do bệnh lý nam khoa dẫn đến không thể có con tự nhiên như trường hợp anh Lê Trần Minh (quê Điện Biên) cách đây 5 năm.
“Bệnh nhân Minh lập gia đình từ 2008 nhưng không có con. Sau thăm khám, anh được chẩn đoán hiếm muộn do biến chứng quai bị cách đây 14 năm dẫn đến tinh hoàn teo nhỏ, tinh hoàn trái hoạt động bình thường nhưng bị tắc ở đoạn nối ống dẫn mào tinh, dẫn đến xuất tinh không có tinh trùng”, bác sĩ Việt kể lại.
Các bác sĩ đưa ra phương án phẫu thuật vi phẫu nối ống dẫn tinh cho anh Minh. Trong ca mổ vi phẫu kéo dài hơn 3 giờ, bác sĩ bắt chéo ống dẫn tinh phải với mào tinh trái để nối vi phẫu.
Bác sĩ thực hiện một ca vi phẫu tinh hoàn tìm tinh trùng.
Theo bác sĩ Việt, đây là kỹ thuật khó được áp dụng cho các trường hợp đặc biệt, hiếm gặp trong nam khoa - vô sinh hiếm muộn. Kết quả sau phẫu thuật tương đối khả quan.
Một thời gian sau, anh Minh báo tin vợ có thai tự nhiên, bé trai chào đời nặng 3,8kg trong niềm vui vỡ òa của gia đình.
Càng gắn bó lâu với nghề, bác sĩ Việt càng cảm nhận được khao khát mong có con của các cặp vợ chồng không may mắc phải bệnh lý ảnh hưởng tới hệ sinh sản.
Đó là những câu chuyện không phải người đàn ông nào cũng có thể giãi bày với bạn đời của mình.
Hiểu được nỗi niềm của các gia đình hiếm muộn, bác sĩ Việt tự nhủ bản thân phải nỗ lực giúp các cặp đôi hiện thực hóa giấc mơ được làm cha làm mẹ. Được chứng kiến các em bé chào đời khoẻ mạnh là món quà lớn nhất mà bác sĩ có được sau hơn chục năm làm nghề.
Theo VTC