Chuyến bay có 1 khách quốc tịch Nhật Bản dương tính Covid-19 khiến 73 hành khách bay cùng chuyến được cách ly. Máy bay được tiến hành khử trùng.
Theo PGS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp của Trung tâm đáp ứng dịch bệnh khẩn cấp, Bộ Y tế, cho biết đi máy bay là việc bắt buộc đối với một số người do nhu cầu đi lại, công việc. Khi tình hình dịch đang lan rộng ở ngoài khu vực thì người dân được khuyến cáo hạn chế đến các nước đang có dịch Covid-19.
Đối với các chuyến bay chở người từ vùng dịch về hoặc chở người nghi nhiễm Covid-19, máy bay đều được khử trùng, vệ sinh sạch sẽ để diệt virus. Các hãng hàng không cũng được khuyến cáo thường xuyên khử trùng, vệ sinh máy bay.
Về thông tin máy bay có hệ thống lọc và làm sạch không khí sau 3 phút, có khả năng diệt virus như hệ thống lọc khí trong bệnh viện nên an toàn, PGS Phu cho rằng không hẳn là an toàn tuyệt đối. Bản chất của virus SARS-Cov- 2 là virus bám và các giọt bắn, dịch tiết của người bệnh khi ho, hắt hơi chứ không bay lơ lửng trong không khí nên các loại máy lọc không khí không được đánh giá là có nhiều tác dụng phòng chống virus.
PGS Phu khẳng định, cơ chế lây lan Covid-19 không phải từ không khí, hít thở thông thường như các bệnh cúm, viêm hô hấp khác mà bàn tay mới là nơi giúp virus lây lan hiệu quả nhất. Cách tốt nhất là rửa tay thường xuyên và tránh chạm vào mặt. Nếu ho hoặc hắt hơi, hãy che mặt bằng khăn giấy rồi rửa tay sạch sẽ. Hãy bỏ thói quen sờ tay lên mặt mình. Đây là thói quen khó bỏ nhưng lại là thói quen cực kỳ xấu có thể gây bệnh.
Đối với những người đi máy bay thường xuyên, PGS Phu khuyến cáo nên chủ động bảo vệ sức khỏe có thể đeo khẩu trang y tế, rửa tay thường xuyên bằng nước rửa tay khô.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh – Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho rằng "không nên quá lo lắng khi đi máy bay".
Quan trọng là cần có cách phòng bệnh và phải hiểu được đặc tính của virus corona. Virus corona không tự lây truyền qua không khí mà chúng được bao bọc bên trong môi trường bằng các hạt dịch cơ thể của người bệnh khi ho, hắt hơi, nói chuyện. Do đó, con đường lây lan nhanh nhất của virus corona là khi tiếp xúc với giọt bắn chứa virus từ người bệnh có thể trực tiếp hoặc qua tay, chân, vật dụng xung quanh chứ không phải qua hít thở bình thường khi đi cùng chuyến bay. Trường hợp bay cùng người nhiễm bệnh thì những người ngồi hàng ghế trước và sau có nguy cơ.
Chính vì thế, bác sĩ Khanh khuyên hãy phòng bệnh bằng cách hãy hiểu bản chất của con virus này để có cách phòng ngừa tốt nhất.
Trên thực tế, đã có những trường hợp tổ bay bay chung với người dương tính Covid-19 tuy nhiên không có ai lây nhiễm.
Cụ thể, ngày 23/1, có 2 vợ chồng người Trung Quốc đi trên chuyến bay của Vietnam Airlines (VNA) từ Trịnh Châu đến Nha Trang du lịch.
Trong thời gian ở Nha Trang, đôi vợ chồng Trung Quốc này ở tại hai khách sạn. Cả hai vợ chồng đều có dấu hiệu bệnh và họ đến khám tại một bệnh viện ở TP Nha Trang tuy nhiên do bệnh viện này không xét nghiệm Covid-19 nên không phát hiện bệnh.
Ngày 28/1, họ bay về nước trên chuyến bay của VNA và bị cách ly tại Trung Quốc vì nghi mắc bệnh. Sau đó, Vietnam Airlines cho biết cả hai vợ chồng được thông báo là dương tính với nCoV.
Hãng bay đã tiến hành khử trùng các tàu bay chở đôi vợ chồng này đi Nha Trang và về Trịnh Châu, Trung Quốc; yêu cầu 2 tổ bay bao gồm cả phi công và tiếp viên tự cách ly và theo dõi chặt sức khỏe. Sau đó không có ai lây nhiễm bệnh từ 2 hành khách trên.
Theo Vietnamnet