Hơn 10 năm về trước, tôi là sinh viên vừa tốt nghiệp ra trường, xin về dạy hợp đồng ở một trường nghèo của huyện. Do đặc thù môn học, tôi có tận 4 tiết trong tuần tại một lớp dạy. Đây cũng là điều kiện để chúng tôi có thể gần gũi, quản lý học sinh tốt hơn các giáo viên bộ môn khác.
Trường cách nhà 20km, hàng ngày tôi thường xuất phát từ nhà lúc 6h kém mỗi buổi sáng và trở về có mặt tại nhà lúc 18h. Nhà xa, phương tiện đi lại chỉ là chiếc xe đạp nên buổi trưa tôi ăn qua quýt rồi nghỉ ngơi tại văn phòng nhà trường.
Có hôm, tôi nhịn đói chờ vào tiết buổi chiều. Lý tưởng và nhiệt huyết hừng hực của tuổi trẻ đã giúp tôi vượt qua những khó khăn vất vả để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
Trong một lần làm bài kiểm tra định kì môn Ngữ văn 6 của lớp tôi phụ trách, tôi ra đề bài: Hãy kể về một người mà em yêu quý nhất. Hết giờ, tôi thu bài bỏ vào cặp, đưa về nhà.
Ngay tối hôm đó, tôi đã giở tập bài làm của học sinh và bắt đầu chấm. Tôi có một thói quen là lật giở xem qua cả tập bài trước khi bắt đầu chấm từng bài. Và tôi chú ý đến bài viết của cô bé có tên B.T.N. \
Em viết rằng em rất nhớ mẹ, từ khi còn học lớp 3 đến nay, em chưa được gặp mẹ, không được mẹ âu yếm trò chuyện như trước đây...
Từng đó con chữ cứ trở đi trở lại trong suy nghĩ của tôi. Tìm gặp một chị đồng nghiệp người địa phương, tôi biết được hoàn cảnh của cô bé. Mẹ em mất đã gần 4 năm, sau em còn có một cô em gái nhỏ hơn 2 tuổi.
Bố đi bước nữa và có thêm 2 người em với mẹ mới. Nghe đâu mẹ mới vì bận với 2 em nhỏ nên không để ý nhiều được.
Hai chị em cô bé tự lập là chính. Nghe chị đồng nghiệp kể, lòng tôi quặn thắt. Mẹ tôi cũng mất sớm, nhưng em út của tôi đã 15 tuổi, tôi còn có anh chị đã sớm biết thu vén lo toan.
Dù sự chăm sóc của anh chị không được như mẹ, nhưng chị em tôi cũng cảm thấy thật ấm lòng. Còn chị em của cô bé kia… trong tôi có một sự đồng cảm nhất định dành cho bọn nhỏ. Lên lớp, tôi bắt đầu quan tâm, trò chuyện cùng em nhiều hơn. Tôi tặng em khi cây bút, khi cuốn vở lúc em thiếu.
Là cô giáo nhưng dáng người tôi nhỏ thó. Một hôm, tôi gọi em vào phòng ở đưa cho em một cái áo sơ mi và một cái áo khoác khi trời chớm lạnh.
Dẫu biết không được hay lắm nhưng hoàn cảnh của tôi lúc bấy giờ có hơn em chăng cũng chỉ là sự quan tâm của bố và của anh chị.
Em là học sinh lớp 6 - cái tuổi vô lo, vô nghĩ. Nhưng đôi lúc trộm nhìn em, tôi thấy đôi mắt đượm buồn nhìn đăm chiêu về phương vô định nào đó. Thương em, tôi càng gần gũi em hơn. Học trò nhỏ tuổi, nhưng các em nhạy cảm.
Các học sinh khác tị nạnh như: "Cô ưu ái bạn N. nhiều hơn...". Không biết nói gì nhiều, tôi cũng đành trả lời qua quýt là do bạn ngồi gần bàn giáo viên hơn.
Qua theo dõi trên lớp, tôi còn biết em đã có tình cảm với bạn khác giới. Cũng không có gì là lạ. Một đứa trẻ khi không tìm được sự đồng cảm và chỗ dựa từ gia đình sẽ đi tìm sự đồng cảm từ những người bên ngoài.
Khoảng cách từ nhà đến trường xa, đi lại liên tục cũng bất tiện. Tôi đã mượn một phòng của nhà trường ở lại cùng một người đồng nghiệp.
Nhiều hôm, bạn đồng nghiệp về, tôi đã đạp xe xuống nhà nói với bố mẹ em cho em lên ngủ đêm với tôi cho đỡ sợ. Cô làm việc, trò học bài, trò chuyện để cởi mở, gần gũi hơn.
Tôi nhắc nhở em rằng tuổi học trò, việc chính là phải lo học hành cho thật tốt, gác bỏ mọi chuyện bên lề làm ảnh hưởng đến việc học. Tôi nhắc nhở em phải cố gắng học thật giỏi dù có khó khăn và vất vả đến đâu.
Đó là cơ hội duy nhất để em có thể thay đổi cuộc sống, thay đổi vận mệnh, bay cao, bay xa. Từ đó, em có điều kiện, cơ hội để hỗ trợ, lo lắng cho em gái của mình.
Tôi có thói quen từ ngày còn là sinh viên là hay lang thang ở các nhà sách cũ, đôi lúc mang về những cuốn sách cần thiết cho cả cô và trò. Em là HSG môn tôi phụ trách.
Ngày em đi thi, tôi nhờ người dạy thay, sau đó đưa em đi thi. Không hiểu sao, tôi cứ thấy mình bận tâm nhiều đến cô bé ấy.
Gần gũi và dõi theo em học xong 4 năm cấp THCS, rồi 3 năm THPT, cô trò vẫn gặp gỡ khi có cơ hội. Dần dần tôi thấy em cười nhiều hơn, trở lại hình hài nhí nhảnh vui tươi của tuổi học trò.
Tôi vẫn âm thầm giúp đỡ em trong điều kiện cho phép. Ngày em báo tin cho tôi đã thi đỗ đại học, tôi mừng đến phát khóc. Tôi mừng cho em, mừng vì niềm tin mình đã đặt đúng chỗ. Nhìn em phấn khởi sau chuỗi ngày miệt mài phấn đấu, những trăn trở trong lòng tôi cũng vơi dần đi.
Vẫn gương mặt ấy, vẫn đôi mắt ấy nhưng nụ cười hiện tại của em rạng ngời niềm tin và hi vọng. Dù lương của tôi lúc đó cũng không nhiều, lại vừa lập gia đình, tôi vẫn bớt chút mua tặng em một bộ quần áo đi học.
Thời gian trôi đi nhanh quá. Em học xong đại học, đi làm nuôi em gái mình ăn học. Năm trước, năm sau hai chị em cô bé đều đã lập gia đình, không còn cảnh côi cút tự lập như ngày xưa nữa. Bởi bên cạnh em đã có thêm những người thân yêu ruột thịt.
Sống ở thành phố nhộn nhịp, lại có gia đình riêng nên em ít khi về quê. Nhưng mỗi lần có dịp về, cô trò lại ríu rít trò chuyện, kể buồn, kể khổ, ôn lại quá khứ.
Lần nào trước khi đi, em cũng nắm tay tôi thật chặt rồi rưng rưng nói: Một lời cảm ơn thôi không đủ nhưng em cũng không biết nói gì ngoài lời cảm ơn cô!
Hiện tại, tôi không còn trực tiếp giảng dạy nữa. Những lúc tĩnh tâm nhìn về chặng đường ấy, tôi cảm thấy nhẹ nhõm cõi lòng. Làm việc bằng cả lòng nhiệt huyết, cảm hóa lòng người bằng cả trái tim. Gieo nhân ngọt sẽ gặt quả bùi. Đó là một chân lí ngàn đời không thay đổi.
Theo Vietnamnet