Toán học luôn đa dạng, phong phú, đòi hỏi sự sáng tạo và khả năng tư duy nhạy bén. Nhưng không phải đề bài nào cũng tìm được ra cách giải. Đôi khi chẳng phải đề khó mà tại dữ kiện cho một đằng rồi hỏi một nẻo như trường hợp dưới đây.
Cụ thể, một bài toán dành cho học sinh lớp 1 đang gây xôn xao dư luận với nội dung: "Xe thứ nhất chở được 980 tạ khoai, xe thứ hai chở ít hơn xe thứ nhất 250 tạ khoai. Hỏi xe thứ hai chở được bao nhiêu ki-lô-gam gạo?".
Đọc đề bài, không ít người bày tỏ hoang mang vì không biết phải làm thế nào tìm ra kết quả. Đề bài cho khoai rồi lại đi hỏi đáp án về gạo, kể cũng lạ lắm à nghen.
Bài toán cho một đằng hẻo một nẻo.
Rất nhiều ý kiến được đưa ra, nhưng phần đa cho rằng người ra đề đã nhầm lẫn vì dữ kiện chẳng liên quan gì đến nhau. Lẽ ra đề bài nên hỏi thành: "Hỏi xe thứ hai chở được bao nhiêu kg khoai?" thì mới hợp lý. Số khác đặt dấu hỏi: "Phải chăng 'cha đẻ' của bài toán có dụng ý riêng?".
Có người phân tích, đây là bài toán đố mẹo, chơi chữ học sinh. Dựa vào cụm từ "xe chở được", cư dân mạng cho rằng khối lượng gạo ở đây được tính bằng khối lượng khoai. Bởi thông thường mỗi một xe đều có quy định về khối lượng hàng hoá nhất định.
Do vậy, chúng ta sẽ tính nhanh được số tạ khoai chở được là 980 - 250 = 730 tạ. Đổi ra đơn vị kg thì ta được đáp án đúng của bài toán 73.000 kg gạo. Tức xe thứ hai chở được 73.000 kg gạo.
Tuy nhiên, đây chỉ là cách tính của cư dân mạng, thực tế dữ kiện đưa ra vẫn rất vô lý. Đáp án cuối cùng có lẽ vẫn phải đợi "cha đẻ" bài toán giải đáp.
Bài toán để con vật đoán tuổi người, IQ vô cực cũng bó tay.
Trước đó, các bậc phụ huynh cũng được phen "vắt não" với đề toán tương tự. Bài toán dành cho lớp 2 có nội dung: "Có 45 con cừu, 5 con rơi xuống nước. Hỏi thuyền trưởng bao nhiêu tuổi?".
Nhưng với bài toán cho một đằng hỏi một nẻo này, chủ nhân ra đề cho biết đã cố tình ra đề sai để rèn thói quen đọc kĩ đề trước khi làm cho học sinh.
"Bài toán được đánh dấu (*) tức bài toán khó nhằm mục đích nâng cao năng lực nhận thức và kỹ năng phát hiện của học sinh. Nó còn rèn luyện kỹ năng đọc kỹ đề và suy nghĩ thấu đáo trước khi làm.
Mục đích của việc cố ý ra đề sai là để tập cho học sinh thói quen đọc kĩ đề. Điều này để học sinh phân biệt cái đã cho và cái phải tìm trước khi giải toán''.
Mít
Theo Vietnamnet