Tập làm văn luôn là môn học quan trọng với các em học sinh tiểu học. Qua đó, các em được rèn luyện khả năng tư duy, vận dụng ngôn ngữ sao cho linh hoạt. Thế nhưng sự sáng tạo ấy khi được kết hợp với nét hồn nhiên quá mức của các em bỗng trở thành những áng văn.... bất hủ.
Đơn cử như bài văn miêu tả ông nội nhưng chẳng khác nào bóc phốt dưới đây khi bao nhiêu sự bá đạo đều trưng ra hết. Cụ thể, học trò này miêu tả về ông bằng cả sự ngưỡng mộ vô cùng chân thành.
Nhóc con khẳng định ở trong nhà, ông nội là người quyền lực nhất. Chỉ cần ông ho 1 cái thôi, tất cả lại đâu vào đấy ngay.
"Trong gia đình, em yêu quý và thần tượng nhất là ông nội. Trong nhà, ông rất có tiếng nói. Bố mẹ em cãi nhau, chỉ cần ông ho 1 cái là tất cả trở về bình thường. Bà cũng sợ ông, cả em rất nể ông".
Bài văn tả ông nội bá đạo.
Có thể thấy đoạn đầu bài viết, ông nội hiện lên vô cùng "ngầu". Thế nhưng ở câu cuối, học trò này bỗng gây sát thương nghiêm trọng đến hình ảnh ông nội.
"Ông về hưu rồi nên chẳng làm gì cả, suốt ngày chỉ hái hoa, thưởng trà rồi trùm chăn ngủ. Đến bữa ăn thì ông chỉ ló đầu ra hỏi: Cơm chín chưa bây? Tau đói lắm rồi".
Bài văn vỏn vẹn 5 câu mà đã lột tả hết sự quyền lực nhưng vẫn đầy tật xấu của ông nội. Ngay khi đăng tải, cư dân mạng không khỏi cười lăn vì quá hài hước và đáng yêu.
- Dù rõ là thần tượng ông mình nhưng cũng không quên bóc phốt.
- Tưởng cháu nó nể ông như thế nào...
- Quý ông nhất nhà nhưng vẫn phải bóc phốt ông giữa bàn dân thiên hạ
- Nhà có con nhỏ sợ giao cho nó viết văn quá. Bao nhiêu tật xấu đều bị trưng ra hết rồi còn đâu.
Xuất hiện cách đây khá lâu, bài thơ tả bà của một học sinh cũng được viết theo phong cách tấu hài. Thay vì viết về bà với hình ảnh mái tóc bạc phơ, hiền hậu như một bà tiên, học sinh này lại "chém gió" khi tả bà hát karaoke, chạy mô tô, nhuộm tóc...
Bài văn tả bà hài hước không kém.
Bài thơ có đoạn: "Bà ngoại em vẫn chưa già/ Chiều chiều bà cưỡi xe ga ra đường/ Mắt bà vẫn rất tinh tường/ Tóc nhuộm ánh tím soi gương mỗi ngày/ Nhưng Bà em vẫn rất hay/ Bà chăm con cháu luôn tay luôn mồm/ Công việc bà vẫn ôm đồm/ Chăm lo con cháu sớm hôm không nề".
Ying Ying
Theo Vietnamnet