Lễ cưới của Diệu Nhi, Anh Tú là sự kiện giải trí được chú ý trong những ngày giữa tháng 10. Thế nhưng, hậu hôn lễ, một tranh cãi tưởng chỉ là chuyện đùa vui, đã trở nên rất ầm ĩ: Ca sĩ Đông Nhi không dự đám cưới Diệu Nhi.

Tên của Đông Nhi chiếm trọn spotlight vài ngày qua sau khi cô không dự lễ cưới của đàn em, dù trước đó đã đăng tải thiệp cưới và gửi lời chúc mừng. Hai nghệ sĩ cùng tên "Nhi" được cho là có mối quan hệ thân thiết. Đông Nhi hay đùa: "Diệu Nhi là... em ruột".

Khi chuyện dự đám cưới của Đông Nhi thành tranh cãi ầm ĩ

Scandal tranh cãi với fan vào hồi tháng 5 vừa kịp lắng xuống, Đông Nhi vướng vào một ồn ào khác. Sự việc lần này không liên quan đến công việc, sự nghiệp mà chỉ đến từ lựa chọn riêng tư của giọng ca Bad Boy.

Chuyện là vợ chồng Đông Nhi, Ông Cao Thắng được mời tới Phan Thiết để dự lễ cưới cặp đôi Diệu Nhi, Anh Tú. Ít ngày trước khi hôn lễ của cặp diễn viên diễn ra, Đông Nhi còn đăng tải hình ảnh thiệp mời và gửi lời chúc mừng tới đàn em.

Đến chiều 10/10, nữ ca sĩ cho biết không thể đến Phan Thiết dự cưới Diệu Nhi, kèm chia sẻ: “Thật tiếc vì không thể có mặt tại khoảnh khắc đẹp ngay lúc này để chung vui cùng ‘em gái guột’ Diệu Nhi của chị.

Chỉ biết theo dõi từ xa để chúc phúc cho hai em. Chúc Tú Nhi mãi mặn, mãi keo, mãi hạnh phúc đến răng long đầu bạc”.

Bản chất của ồn ào Đông Nhi không dự cưới Diệu Nhi-1

Tối cùng ngày, Diệu Nhi, Ông Cao Thắng xuất hiện tại lễ cưới Liêu Hà Trinh tại TP.HCM. Lựa chọn của Đông Nhi trở thành câu chuyện gây tranh cãi trên các nền tảng mạng xã hội.

Nhiều ý kiến cho rằng việc một ngày có hai đám cưới nghệ sĩ, chọn đi một người và không đi người khác là bình thường.

Một người trong giới truyền thông chia sẻ Đông Nhi rất thân thiết với Liêu Hà Trinh, mối quan hệ không kém gì với Diệu Nhi. Do vậy, vợ chồng ca sĩ dự cưới nữ MC là chuyện có thể hiểu được.

Tuy nhiên, số khác lại tranh luận, cho rằng nữ ca sĩ không khéo léo.

“Tại sao vợ chồng Trường Giang - Nhã Phương tách riêng để dự được cả lễ cưới của Diệu Nhi – Anh Tú lẫn Liêu Hà Trinh mà Đông Nhi, Ông Cao Thắng lại không làm như vậy; “Diệu Nhi từng dự cưới Đông Nhi, Ông Cao Thắng ở Phú Quốc và tham gia hết mình trong các hoạt động tại hôn lễ của đàn chị. Đến lượt Diệu Nhi, Anh Tú cưới thì Đông Nhi không đến”; “Jun Phạm, Ngô Kiến Huy còn một lúc chạy hai nơi để có thể tham dự đông đủ lễ cưới đồng nghiệp”,... là những phản ứng từ các tài khoản mạng.

Sau những phản ứng từ dư luận, đại diện fan club của Đông Nhi tiết lộ nữ ca sĩ bận rộn với lịch trình quay MV trong nhiều ngày, con gái bị ốm… nên không thể đi xa để dự lễ cưới Diệu Nhi. Tuy nhiên, những lý do kể trên không chiều lòng được số đông người phản ứng.

Đỉnh điểm, giọng ca sinh năm 1988 buộc lòng phải ẩn (hoặc xóa) hai bài chia sẻ của cô gần nhất liên quan đến lễ cưới của Diệu Nhi - Anh Tú và Liêu Hà Trinh.

Khán giả châu Á đánh giá chuyện nghệ sĩ dự đám cưới

Không chỉ chuyện của nghệ sĩ Việt, cùng thời điểm với lễ cưới Diệu Nhi, tại Mỹ, nữ diễn viên Hàn Quốc - Gong Hyo Jin tổ chức hôn lễ riêng tư với hai khách mời nghệ sĩ gồm Jung Ryeo Won và Uhm Ji Won.

Sự thiếu vắng cô bạn thân là Son Dam Bi trong dàn khách mời cũng khiến khán giả xứ kim chi một lần nữa tranh luận. Họ cho rằng mối quan hệ giữa Son Dam Bi và Gong Hyo Jin đã rạn nứt.

Trước đó, vào giữa tháng 5, Gong Hyo Jin và Jung Ryeo Won cũng không đến chúc phúc cho Son Dam Bi tại lễ cưới diễn ra ở Hàn Quốc. Trước những phản ứng từ dư luận, Son Dam Bi đích thân phải lên tiếng để tránh hiểu lầm không đáng có.

Để thấy, việc một nghệ sĩ không dự lễ cưới của đồng nghiệp thân thiết bất kể vì nguyên do gì, đều là điều dễ gây tranh luận trong văn hóa tại các nước ở châu Á.

Bởi văn hóa Á Đông coi trọng lễ nghi, trong đó cưới xin là phong tục, tập quán đẹp, được cộng đồng xây dựng, vun đắp và bảo vệ qua từng thời kỳ. Ở mỗi quốc gia, lễ nghi, hình thức trong từng lễ cưới có những nét khác nhau.

Tại Nhật Bản thậm chí còn có một bộ quy tắc ứng xử khi tham dự lễ cưới. Đối với khách mời khi nhận được thiệp cưới từ cô dâu, chú rể phải chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng về việc chuẩn bị quà mừng, chọn trang phục, kiểu tóc, thậm chí là cách ăn uống, ứng xử trong bữa tiệc cưới.

Theo trang Tokyo Metro, đối với những vị khách được mời nhưng không thể tham dự lễ cưới, phải thông báo sớm cho cô dâu, chú rể hoặc gửi lời xin lỗi trực tiếp thông qua hình thức viết thư hoặc gọi điện thoại.

Văn hóa "lễ qua quà lại", "ăn đi trả về"

Ở Việt Nam, lễ cưới là khoảng thời gian đặc biệt, dấu ấn quan trọng trong cuộc đời của cô dâu, chú rể. Đây cũng là cơ hội để người thân, bạn bè và họ hàng đoàn viên trong bữa tiệc ấm cúng. Vì thế, nhiều người dù ở xa cũng tìm cách để được tới chung vui, sum họp và chúc phúc cho đôi uyên ương.

Cũng như nhiều nước láng giềng khác, để niềm vui của cô dâu, chú rể trở nên trọn vẹn, ý nghĩa, khách mời trong lễ cưới của người Việt thường tuân thủ theo những nghi thức cơ bản. Trong đó, câu chuyện “đáp lễ” được xem là “quy tắc ngầm” trong văn hóa người Việt.

Đặc biệt, lễ cưới của những người nổi tiếng ở Việt Nam nhiều năm qua được ví như một sự kiện giải trí, với mức độ đầu tư lớn cùng sự tham gia của hàng loạt nghệ sĩ tên tuổi.

Các nghệ sĩ trong vai trò khách mời dự lễ cưới thường có mối quan hệ gần gũi và gắn bó mật thiết với cô dâu, chú rể.

Đa phần các nghệ sĩ thường sắp xếp lịch diễn để có thể góp mặt trong ngày vui của đồng nghiệp. Họ cũng tuân thủ theo những nguyên tắc riêng của lễ cưới như dresscode, yêu cầu bảo mật thông tin, hình ảnh…

Thạc sĩ Lê Sĩ Hoàng – người có nhiều năm nghiên cứu về văn hóa truyền thống Việt Nam – cho biết lễ cưới là nghi lễ quan trọng nhất trong đời sống của người Việt. Theo thời gian, những quy tắc, nghi thức trong lễ cưới ngày càng giản lược.

Về phía khách mời đến dự lễ cưới, dựa trên sự thân quen, tình cảm đối với cô dâu, chú rể mà họ sẽ cân nhắc để tham dự.

Trong nhiều trường hợp, vì bận công việc hay vướng chuyện cá nhân mà khách mời không thể tham dự, cô dâu, chú rể cũng sẽ thông cảm.

Bản chất của ồn ào Đông Nhi không dự cưới Diệu Nhi-2

Nhắc đến sự việc của Đông Nhi khi bị phản ứng khi không dự lễ cưới đồng nghiệp, thạc sĩ Lê Sĩ Hoàng cho biết khán giả cũng không nên quá khắt khe, đẩy câu chuyện đi quá xa.

“Người trong cuộc là Diệu Nhi, Anh Tú sẽ hiểu được lý do mà Đông Nhi không đến tham dự được lễ cưới và sẽ thông cảm. Có nhiều câu chuyện mà người bên ngoài sẽ không thể hiểu được rồi buông lời phán xét.

Nghệ sĩ là những người dễ tổn thương. Nếu không phải sự vụ lớn lao, công chúng nên thông cảm cho họ”, chuyên gia văn hóa cho hay.

Nhà nghiên cứu Lê Sĩ Hoàng cũng cho biết trong trường hợp này Đông Nhi cần lên tiếng giải thích với khán giả để xoa dịu phản ứng của dư luận.

“Có thể Đông Nhi muốn đi hai tiệc cưới, của cả Diệu Nhi lẫn Liêu Hà Trinh nhưng vì sự cố bất khả kháng nào đó mà không thể góp mặt. Vì thế, chúng ta là người ngoài, không thể đưa ra nhận định gì”, ông Hoàng nêu quan điểm.

Chuyên gia văn hóa cũng nhận định những tranh cãi về chuyện dự đám cưới xuất phát từ văn hóa "ăn đi trả về", "lễ qua quà lại" của người Việt Nam. Nghĩa là "khi tôi đã dự đám cưới của anh, anh cũng nên và cần dự lại", đó là nghĩa tình.

Văn hóa này, ở một góc độ nào đó, là nét đẹp truyền thống. Tuy nhiên, trong nhịp sống hiện đại, đôi khi điều này cũng gây nên những áp lực không đáng có.

Cuộc sống hiện đại cần nhiều hơn những sự cảm thông.

Theo Zing