Ngồi trên xe lăn, ông Vương Khắc Duy, 85 tuổi, người bạn tuổi thơ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, được con cháu đẩy tới lễ viếng tại làng Lại Đà sáng 25/7.

Ông nghẹn ngào: “Tôi và ông Trọng học cùng nhau hồi cấp 1 và cấp 2, ngồi cùng bàn với nhau nên trong lớp hai anh em thân nhau nhất. Ngày đó đi học chỉ có 2 củ khoai bỏ trong chiếc túi vải, tôi và ông Trọng thường chia nhau ăn, cứ thế trải qua những năm tháng tuổi thơ cùng nhau”.

Bằng giọng nói như sắp khóc, ông Duy cho biết, cả đêm qua ông không thể ngủ được, mỗi khi nhớ lại những kỷ niệm với bạn mình là nước mắt lại trào ra. Ngay từ khi trời chưa sáng, ông đã giục con cháu lấy ra bộ trang phục màu đen đã chuẩn bị sẵn để thay rồi đưa ông ra nhà văn hóa để thắp hương, viếng người bạn thời thơ ấu của mình.

Ông Ngô Bá Dục, 81 tuổi, người bạn học khác của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, phải chống gậy, nhờ người thân dìu ra nơi tổ chức lễ viếng. Mấy ngày trước, nghe tin bạn cũ từ trần, ông đã rất sốc và buồn.

Trong lòng ông, Tổng Bí thư là người anh em trong gia đình, vô cùng gần gũi. Vì thế, dù sức khỏe yếu đến mức bình thường không thể ra khỏi cổng, hôm nay ông vẫn chuẩn bị từ rất sớm, chờ người thân tới đưa ra khu vực tổ chức tang lễ.

Bạn thơ ấu đẫm lệ đến tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ở làng Lại Đà-1
Ông Ngô Bà Dục (trái) và Vương Khắc Duy (phải), ngồi xe lăn, chống gậy đến viếng người bạn học Nguyễn Phú Trọng. (Ảnh: Vietnamplus)

Bà Vương Thị Như, 84 tuổi, người làng Lại Đà, là một trong những người làng đầu tiên vào viếng. Khi về đến nhà, thấy hàng xóm là bà Ngô Thị Thu, 86 tuổi, vẫn chưa kịp đi, bà lại dắt bạn tới nhà văn hóa một lần nữa.

Bà Thu chia sẻ: "Khi nghe tin Tổng Bí thư từ trần, tôi bủn rủn tay chân. Cả làng đều đau buồn. Ông là một con người đức độ, sống tình nghĩa với người cùng làng cùng xóm, tôi thương lắm".

Không chỉ bạn bè và những người từng quen biết, nhiều người dân dù chưa một lần gặp Tổng Bí thư vẫn có cảm giác như mất đi một người thân.

Ôm trong lòng bó hoa sen trắng xếp hàng chờ đến lượt vào viếng, bà Nguyễn Thị Lý (64 tuổi, Yên Viên, Gia Lâm) nghẹn giọng tâm sự: “Lúc nghe tin Tổng Bí thư mất, tôi bật khóc. Những ngày vừa qua, tôi luôn chờ đợi, mong đến ngày được vào viếng Tổng Bí thư.

Đến đây rồi, cảm xúc của tôi rất khó tả, tôi như mất đi một người thân yêu vậy. Tôi quý ông Trọng và ngưỡng mộ ông về tính thanh liêm, hiền từ và giản dị”.

Bà Lý cho biết, để tỏ lòng thành kính với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sáng nay, bà ra chợ từ lúc 5h, chọn thật kỹ để mua bó hoa sen đẹp nhất đến thắp hương cho vị lãnh đạo mình kính yêu. 

Bạn thơ ấu đẫm lệ đến tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ở làng Lại Đà-2
Bà Nguyễn Thị Lý ra chợ từ 5h mua hoa sen trắng tới viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Đến từ huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, anh Nguyễn Văn Hiệp ôm theo di ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cùng gia đình xếp hàng. Người đàn ông này cho biết, lúc nghe tin Tổng Bí thư từ trần, anh đã chọn in tấm ảnh đẹp của ông, đóng khung lại để dự định mang tới lễ viếng.

“Tôi vô cùng xúc động khi trên tay nâng di ảnh, hòa vào dòng người đông đúc mang theo niềm tiếc thương vô hạn đến viếng bác Trọng, người vô cùng giản dị, cống hiến cho nhân dân, đất nước đến hơi thở cuối cùng.

Sau lễ viếng, di ảnh của Tổng Bí thư sẽ được tôi treo trang trọng trong nhà bên cạnh ảnh Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp", anh Hiệp nói.

Bạn thơ ấu đẫm lệ đến tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ở làng Lại Đà-3
Anh Nguyễn Văn Hiệp và gia đình mang theo di ảnh, xếp hàng chờ vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Cũng đến từ Hưng Yên, ông Đỗ Văn Chi (53 tuổi) xuất phát từ 2h40 và có mặt tại xã Đông Hội lúc chưa tới 4h. Thấy chưa có người dân nào tới, ông tìm tới UBND xã Đông Hội bày tỏ nguyện vọng được sắp xếp cho ghép đoàn vào viếng.

"Với tôi, bác Tổng Bí thư là một người rất yêu thương nhân dân. Tôi tiếc thương bác, dù không khóc trước mặt mọi người nhưng trong lòng tôi rất buồn. Từ 4 ngày trước tôi đã chuẩn bị cho mình một chiếc áo đen mới để mong đến ngày được vào viếng bác. Nếu hôm nay không được, tôi sẽ đợi đến ngày mai", anh Chi tâm sự.

Mắt vẫn còn ướt sau khi cúi mình tưởng niệm trước di ảnh của Tổng Bí thư, ông Phạm Xuân Thành (thôn 4, xã Lại Yên, huyện Hoài Đức, Hà Nội) chia sẻ, sợ con cái ngăn cản vì sức khỏe yếu, ông đã phải trốn gia đình để tìm về xã Đông Hội từ 16h hôm qua (24/7).

Ông được chính quyền sắp xếp lịch viếng cùng Hội Cựu Chiến binh của xã. Người dân làng Lại Đà cũng mời ông đến nhà họ ăn ngủ, khiến ông càng thêm xúc động. 

“Tôi rất kính trọng bác Trọng, một người vì nước vì dân. Vì thế tôi đã tìm về đây để mong được vào viếng bác. Đứng trước di ảnh của người, nước mắt tôi cứ thế tuôn rơi, tôi không kìm được cảm xúc”, ông Thành nói.

Bạn thơ ấu đẫm lệ đến tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ở làng Lại Đà-4
Hàng nghìn người xếp hàng chờ vào viếng Tổng Bí thư tại quê nhà.

Bạn thơ ấu đẫm lệ đến tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ở làng Lại Đà-5
Rất nhiều bó hoa sen được người dân mang tới viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Trên con đường chạy dọc làng Lại Đà, người dân từ khắp nơi đến chờ viếng càng lúc càng đông. Thời điểm gần trưa, hàng nghìn người vẫn nghiêm trang, thành kính xếp thành 2 hàng dài chờ đến lượt.

Trong dòng người lặng lẽ, nếu có lời nào thốt ra thì đều là những câu tiếc thương, là tình cảm yêu mến, kính trọng đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Theo VTC