Shark Bình tên đầy đủ là Nguyễn Hoà Bình (SN 1981), hiện đang giữ chức vụ Chủ tịch Tập đoàn lớn.
Ông tham gia chương trình Shark Tank 2019 với vai trò là nhà đầu tư. Ông nổi tiếng với những phát ngôn gai góc, thẳng thắn khiến nhiều start-up "khóc ròng".
Cũng chính nhờ những phát ngôn thẳng thắn nhưng không kém phần hài hước, thú vị đã khiến Shark Bình được đông đảo mọi người quý mến, đặc biệt là các bạn trẻ đang nung nấu quyết tâm khởi nghiệp.
Mới đây, trên trang cá nhân của mình, vị "cá mập" quyền uy này đã đăng tải dòng chia sẻ và nhanh chóng nhận được sự quan tâm của mọi người.
Theo đó, Shark Bình cho biết: "80% người trưởng thành trong xã hội sống một cuộc đời 'làng nhàng' hoặc thất bại do 'dòng đời xô đẩy' (Phải làm một công việc và sự nghiệp không có đam mê) khiến họ như học sinh ngồi nhầm lớp".
Shark Bình cũng chia sẻ thêm, với người trẻ, làm việc không có đam mê, sống một cuộc đời quá ổn định, đổi lại sẽ là những chuỗi ngày lặp lại vô nghĩa.
Vì vậy, hãy cố gắng tìm cho mình một công việc thực sự đam mê, để không "chết ở tuổi 25 nhưng đến năm 75 tuổi mới được đem đi chôn cất".
Trước những chia sẻ sâu sắc của Shark Bình, nhiều bạn trẻ để lại bình luận thể hiện sự đồng tình: "Từng trải qua và thấy đúng Shark ạ, bầu trời tự do trước mặt mình rồi", "Người không trẻ sống vậy cũng chán và vô nghĩa ấy chứ", "Shark nói cực hay và chuẩn, thế hệ trẻ nên học và nghiên cứu kỹ những kinh nghiệm và ý nghĩa sâu xa của câu nói",…
Công việc làng nhàng, sự nghiệp dậm chân, cuộc sống vô vị!
Không ít người đang sống một cuộc đời làng nhàng. "Làng nhàng" là một từ láy giàu sức biểu đạt. Nó gợi lên một sắc thái bình bình, nhàn nhạt, tàm tạm, mọi thứ không rõ ràng, cũng chẳng dứt khoát.
Không chỉ người trẻ, mà nhiều người trung tuổi, ở bên kia sườn dốc cuộc đời vẫn đang duy trì lối sống này. Họ chẳng biết mình là ai, mục tiêu là gì, định hướng ra sao.
Đặc điểm nhận biết một người làng nhàng là không có gì nổi bật, không có gì khiến người khác chú ý.
Họ không hẳn thua kém, nhưng cũng chẳng phải xuất sắc – tức là không thành thạo trong lĩnh vực nào. Vì thế, những người này không biết nên gọi là thầy hay thợ. Họ thường ít bày tỏ quan điểm bản thân, hay nghi ngờ cái mới, dửng dung với vạn vật.
Họ "làng nhàng" ở trình độ, năng lực, thái độ sống, hành động. Một trình độ làng nhàng thường dẫn đến thái độ sống làng nhàng. Và một thái độ sống làng nhàng thì luôn song hành với trình độ làng nhàng tương ứng.
Làng nhàng là một điều hạn chế, kìm hãm sự phát triển của xã hội. Trong một xã hội làng nhàng, cái mới, cái đột phá thường ít cơ hội xuất hiện.
Người làng nhàng sẽ tạo nên môi trường làng nhàng, không bắt kịp với xu hướng, sự vận động của nhân loại.
Chính vì vậy, mỗi người nếu muốn thoát khỏi sự "làng nhàng" thì đầu tiên phải xác định học hỏi là một nhu cầu của bản thân, để mỗi người có thể giỏi hơn, hoàn thiện từng ngày. Một ngày trôi qua nếu không tiếp thu, tích lũy điều mới sẽ rất lãng phí!
Việc tích cực học hỏi có thể chưa mang lại ngay vị trí tốt hơn nhưng chắc chắn với tinh thần cầu tiến và thái độ sẵn sàng học hỏi, bạn sẽ làm tốt hơn công việc của mình.
Hơn nữa, chính kiến thức được tích lũy và những thành công nho nhỏ trong công việc sẽ giúp chúng ta tự tin và vui sống.
Luôn luôn có cơ hội thành công và làm giàu cho những người không ngừng học hỏi và nỗ lực vươn lên.
Cuộc sống vốn công bằng. Bạn sẽ nhận được những gì mình nỗ lực, cũng giống như có được quả ngọt nếu dày công vun xới cây trồng. Hãy đừng bằng lòng với cuộc sống đơn điệu, tẻ nhạt, làng nhàng mà hãy cố gắng tiếp thu những điều mới lạ.
Theo Phụ Nữ Việt Nam