Không giống như các loại bánh mì thông thường, bánh mì nguyên cám được làm từ bột mì nguyên cám nên có thể giữ lại hầu hết các tinh chất từ lúa mì và thường được ưa thích hơn vì mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.

Tuy nhiên, loại bánh mì này cũng chứa hàm lượng kali và phốt pho tương đối cao, có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe đối với những người mắc bệnh thận.  Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), một lát bánh mì bình thường sẽ chứa 35,6 mg kali và 28,8 mg phốt pho. Trong khi đó, một lát bánh mì nguyên cám thương mại lại có tới hơn 81 mg kali và gần 68 mg phốt pho.

Bánh mì nguyên cám ngon, bổ, rẻ nhưng lại cực độc nếu bạn mắc căn bệnh này-1
Bánh mì nguyên cám không tốt cho người mắc bệnh thận. Ảnh: Getty Images

Medical News Today giải thích rằng, khi lượng kali tích lũy trong máu quá cao, những người mắc bệnh thận sẽ có thể đối mặt với nguy cơ nhịp tim không đều, liệt hoặc yếu cơ tim. Để giảm thiểu những rủi ro này, những người mắc bệnh thận thường được khuyên nên tuân thủ chế độ ăn ít kali.

Điều tương tự cũng xảy ra nếu cơ thể hấp thụ quá nhiều phốt pho trong khi thận của người bệnh lại không có khả năng lọc hết khoáng chất này. Theo Tổ chức Thận Quốc gia Mỹ, lượng phốt pho dư thừa trong máu có thể dần dần làm xương yếu đi hoặc làm suy giảm thêm chức năng thận.

Trong một số trường hợp, bệnh nhân chỉ cần hạn chế ăn bánh mì nguyên cám thay vì loại bỏ hoàn toàn loại thực phẩm này khỏi chế độ ăn hàng ngày. Tuy nhiên, nếu được chẩn đoán mắc bệnh thận mãn tính, bệnh nhân có thể được đội ngũ chăm sóc sức khỏe khuyên nên chỉ nên chọn bánh mì trắng có ít kali và phốt pho hơn.

Ngoài bánh mì nguyên cám, các loại thực phẩm giàu kali mà người mắc bệnh thận cần tránh còn bao gồm chuối, bơ, đậu, rau bina, gạo lứt và khoai. Ngược lại, thịt bò, thịt gà, quả nam việt quất, hành tây và ớt chuông là một số lựa chọn thực phẩm có hàm lượng kali thấp bạn có thể cân nhắc thêm vào chế độ ăn.

Ngoài ra, Tổ chức Thận Quốc gia Mỹ cũng nhấn mạnh rằng người mắc bệnh thận cũng nên hạn chế tiêu thụ các thực phẩm có chứa chất phụ gia phốt pho, thường là nước ngọt, thức ăn nhanh, đồ hộp…

Bệnh thận là một căn bệnh nguy hiểm ngày càng phổ biến, ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của nhiều người. Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong việc điều trị và kiểm soát bệnh.

Chế độ ăn uống cho người bệnh thận cần được cá nhân hóa dựa trên tình trạng sức khỏe, giai đoạn bệnh và mức độ chức năng thận của mỗi người. Do đó, người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để xây dựng chế độ ăn uống phù hợp.

Theo VOV