Theo Trung tâm khí tượng và thủy văn Trung ương, 11h ngày 23/6, tâm bão cách Móng Cái (Quảng Ninh) khoảng 220 km về phía đông nam, sức gió cấp 8 vùng gần tâm (60 đến 75km một giờ), giật cấp 9-10.

Trước đó, đổ bộ lên đảo Hải Nam (Trung Quốc), bão Kijura đổi hướng di chuyển lệch hẳn sang phía tây (so với hướng di chuyển gần như chính bắc ngày 22/6). Với tốc độ di chuyển 10-15 km mỗi giờ, dự kiến bão đổ bộ Quảng Ninh đêm nay.

Vị trí và đường đi của cơn bão. Nguồn: NCHMF.
Vị trí và đường đi của cơn bão lúc trong bản tin phát đi lúc 11h ngày 23/6 của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương. Nguồn: NCHMF.

Khoảng 22h ngày 23/6, tâm bão sẽ ở trên vùng biển tỉnh Quảng Ninh. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 9-10. Khu vực Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Giang, Lạng Sơn sẽ có gió giật cấp 7-8. Rủi ro thiên tai cấp độ cao được cơ quan khí tượng đưa ra đối với các địa phương này.

Bắc Bộ sẽ có mưa to, tập trung ở khu vực Đông Bắc và vùng núi, trung du. Hệ quả, sông suối vùng núi phía Bắc có khả năng xuất hiện đợt lũ với biên độ 2-3m.

Đặc biệt, lũ ống, lũ quét và sạt lở đất có thể xảy ra ở Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Cạn, Bắc Giang, Thái Nguyên, Phú Thọ, Tuyên Quang, Hà Giang.

Bão Kijura đột ngột đổi hướng, nhắm thẳng Quảng Ninh
Ảnh mây vệ tinh chụp lúc tâm bão vừa quét qua đảo Hải Nam (Trung Quốc). Hoàn lưu bão đã gây mưa ở nhiều tình thành ven biển miền Trung. Ảnh: NRLMRY.

Trong công điện khẩn phát đi sáng 23/6, Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên thai và Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn yêu cầu triển khai phương án đảm bảo an toàn cho người sinh sống ven biển, trên các đảo, các lồng bè, khu nuôi trồng thủy sản; đảm bảo an toàn các hầm lò, cầu tầu, bến cảng, các khu du lịch.

Theo ông Lê Thanh Hải, Phó tổng giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của bão Kijura, Bắc Bộ sẽ đón những cơn mưa lớn nhất từ đầu mùa, lượng mưa khoảng 200-300 mm. Trên hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình sẽ xuất hiện đợt lũ với biên độ lên ở thượng lưu từ 3-6 m, ở hạ lưu từ 2-3 m.

Đặc biệt các tỉnh khu vực miền núi phía bắc như Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Cạn, Bắc Giang, Thái Nguyên, Hà Giang, Tuyên Quang có thể xảy ra lũ quét, lũ ống và sạt lở đất. “Sau khô hạn, mưa to sẽ dễ dàng cuốn đất khô đi và dẫn tới sạt lở đất, lũ ống và lũ quét”, ông Lê Thanh Hải cho biết.

Tàu, thuyền đang hoạt động trong vịnh Bắc Bộ cần gấp rút vào nơi trú, tránh bão; đồng thời, việc neo đậu cần đảm bảo an toàn.

Ban chỉ đạo cũng yêu cầu các tỉnh thành, đơn vị theo dõi diễn biến mưa lũ, cảnh báo thông tin kịp thời và chuẩn bị sẵn sàng phương án sơ tán dân ở các điểm có nguy cơ lũ quét, sạt lở bờ sông, suối, sạt lở núi, khu vực hầm lò khai thác khoáng sản.

Các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng chủ động cấm biển, không cho tàu thuyền ra khơi (kể cả tàu vận tải và tàu du lịch). Riêng tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo chằng chống nhà cửa, sẵn sàng phương án sơ tán dân ở những khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn.

Kijura là cơn bão đầu tiên trên Biển Đông trong năm 2015. Cơn bão được hình thành từ áp thấp nhiệt đới ngay trên vùng biển này.

Sáng 23/6, Chi cục Phòng chống thiên tai (PCTT) khu vực miền Trung - Tây Nguyên cho biết, một tàu cá gồm 11 ngư dân Quảng Ngãi đang gặp nạn ở vùng biển Hoàng Sa, nơi chịu ảnh hưởng của bão. Hai ngày trước, tàu QNg 98588 với 11 ngư dân hành nghề lưới vây bị hỏng máy, thả trôi. Lúc này, trên biển có gió cấp 6.

Chủ tàu là ông Nguyễn Ngọc Nga (55 tuổi), thuyền trưởng Nguyễn Đức Lợi (36 tuổi, ngụ xã Phổ An, huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi). Do không thể tự khắc phục được sự cố, thuyền trưởng đã phát thông báo đề nghị giúp đỡ khẩn cấp.

Nhận được thông tin, Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy PCTT - TKCN tỉnh Quảng Ngãi đề nghị Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi, các cơ quan liên quan thông báo cho các chủ tàu, thuyền đang hoạt động gần khu vực trên đến hỗ trợ.

Sáng 23/6, Cục Kiểm ngư đã kêu gọi 3 tàu cá đang ở gần khu vực tàu bị nạn đến hỗ trợ, song, do sóng to, gió lớn nên chưa thể tiếp cận.


Theo Tri thức