Bảo Thanh: Tôi phải uống thuốc an thần khi đóng Về nhà đi con-1

 "Khi đọc kịch bản, tôi đã khóc nhiều vì quá thương nhân vật của mình"

- Chị bị chi phối bởi cảm xúc của nhân vật ra sao khi thể hiện vai Anh Thư trong ''Về nhà đi con''?

Những phân cảnh sau khi Thư sinh con đều nặng và khó nên nhiều khi quay tôi thấy rất mệt. Những ngày phải diễn nhiều cảnh khóc, tôi bị stress và mất ngủ, đầu óc cứ nặng trĩu. Đặc biệt là thời gian quay tại bối cảnh nhà, ngày nào tôi cũng bị đau đầu và phải uống thuốc an thần thì mới ngủ được.

Tôi hay bị mất ngủ trong quãng thời gian đóthường thì 1-2h sáng vẫn chưa ngủ được nhưng 6h đã phải dậy để đi quay. Vì thế nên sức khỏe giảm sút và da dẻ cũng xấu. Khi làm Sống chung với mẹ chồng, tôi cũng phải đóng nhiều cảnh nặng về tâm lý nhưng không nặng bằng phim này.

Bảo Thanh: Tôi phải uống thuốc an thần khi đóng Về nhà đi con-2

- Trong thời gian đóng phim, chị đã tạo tâm lý cho nhân vật của mình thế nào?

Khi đọc kịch bản, tôi đã khóc nhiều vì quá thương nhân vật của mình. Nếu tôi không đồng cảm với Thư và gắn cảm xúc của nhân vật vào bản thân thì sẽ không diễn được. Nếu chưa đủ cảm xúc, tôi sẽ xin đạo diễn cho mình thêm thời gian để nhập tâm vào nhân vật chứ không cố gồng vì tôi không thích kiểu diễn như vậy.

Tôi hay nói chuyện với đạo diễn và biên kịch rồi hỏi đùa rằng sao biên kịch lại cho cái Thư khổ đến thế. Cuộc đời cô ấy trải qua biết bao nhiêu biến cố, thăng trầm. Cuối cùng, Thư lại là đứa khổ nhất trong nhà ông Sơn. Tôi tin rằng khán giả cũng đồng cảm được với nhân vật của mình, các bà mẹ bỉm sữa sẽ nhìn thấy bản thân ở đâu đó trong suốt quãng thời gian dài mang thai và làm mẹ của Thư.

Bảo Thanh: Tôi phải uống thuốc an thần khi đóng Về nhà đi con-3

"Bộ phim khiến tôi thấy rất nhớ bố, thèm được có gia đình đủ đầy, hạnh phúc như xưa"

- Chị đồng cảm gì với nhân vật Thư?

Thư là người bề ngoài nông nổi nhưng sâu thẳm trong tâm hồn lại là những khoảnh khắc sâu lắng với nhiều nỗi đau riêng. Thường những người hay cười nói lại suy nghĩ nhiều nhất. Tôi hay tếu táo "cười nhiều có phải vui đâu". Câu nói đó rất đúng với Thư. Tôi cũng là đứa ở ngoài mạnh mẽ nhưng bên trong yếu mềm nên khi vào vai này, tôi có rất nhiều đồng cảm với nhân vật.

Trong Về nhà đi con, Thư khóc rất nhiều và mỗi lần khóc lại là một cung bậc khác nhau. Nếu đồng cảm với những gì Thư phải trải qua thì khán giả ắt hẳn sẽ thấy việc cô ấy rơi nước mắt như vậy là điều hợp lý. Thư vốn dĩ mất mẹ từ bé nên lúc nào cũng cảm thấy thiếu thốn, tự ti và khao khát một gia đình trọn vẹn nhưng cuối cùng lại gặp phải biến cố lớn. Phụ nữ những lúc bụng mang dạ chửa, chăm con nhỏ cộng với tâm lý bất ổn thì chỉ biết khóc thôi chứ còn làm gì khác được nữa. Với người có nhiều cảm xúc và cá tính mạnh như Thư, khóc càng là chuyện bình thường. Trong những giọt nước mắt mà Thư dành cho Vũ, có cả tình yêu, sự ân hận, day dứt và căm ghét.

- Gia đình nói gì về vai diễn của chị trong ''Về nhà đi con''?

Mẹ tôi lúc nào xem phim cũng khóc vì nghĩ đến ngày xưa khi bố tôi còn sống. Mỗi khi ngồi xem lại tôi đều nghĩ ngợi rồi rơi nước mắt. Bộ phim khiến tôi thấy rất nhớ bố, thèm được có gia đình đủ đầy, hạnh phúc như xưa nhưng chẳng bao giờ dám nói ra vì sợ mẹ buồn.

- Nhiều đồng nghiệp nhận xét Bảo Thanh có nhiều điểm tương đồng với Anh Thư trong 'Về nhà đi con'. Chị nghĩ gì về điều đó?

Tôi thấy mình giống Anh Thư một vài phần nào đó, nhất là ở chỗ yêu bố, hay cười nói, luôn tạo bầu không khí vui vẻ trong gia đình và thích mang niềm vui cho những người xung quanh. Thư là đứa thực lòng quan tâm đến bố và mọi người, chỉ có điều cô ấy thể hiện chưa khéo mà thôi.

Mỗi khi đến đoàn, tôi thường cười nói bô lô ba la cho không khí thêm vui vẻ và giúp mọi người phấn chấn hơn khi làm việc. Tôi mang nụ cười, những câu nói vui của mình vào cả những cảnh quay để tạo cảm giác ấm áp, tự nhiên và gần gũi cho khán giả khi xem phim. Có lẽ vì thế mà anh Danh Dũng (đạo diễn) cứ hay bảo tôi giống cái Thư. Tuy nhiên, Thư và Thanh vẫn chẳng thể nào là một được.

- Thế còn câu nói ''nếu gặp Anh Thư ở ngoài đời thì tôi sẽ yêu luôn'' của Quốc Trường?

Tôi vẫn trêu anh Trường rằng: "Không có Thư ở ngoài đời đâu mà chỉ có Thanh thôi. Thế nhưng Thanh đã có chồng rồi" (cười).

Ông xã chăm sóc chị thế nào trong thời gian đóng ''Về nhà đi con''?

Ông xã tôi thường xuyên có mặt tại trường quay vì thỉnh thoảng tôi lại nhờ anh ấy giúp mình mang đồ để quên hoặc thuốc đến khi tôi mệt. Đôi khi tiện đường đi làm về, anh ấy cũng tạt qua đoàn chơi rồi chờ để đưa vợ về.

Anh ấy rất hiểu công việc của vợ và tạo điều kiện cho tôi được làm công việc mà mình thích. Có những hôm tôi phải quay đến 12h đêm nhưng anh vẫn ngồi chờ để đưa về. Tôi bị thiếu máu não, rối loạn tiền đình, hay chóng mặt và đã mấy lần bị ngất ở nhà nên anh ấy lo lắng, không muốn để tôi lái xe đường dài. Anh ấy thường bố trí công việc để đưa vợ đi làm hoặc chờ đến khi tôi được nghỉ. Biết vợ sức khỏe yếu nhưng vẫn tham công tiếc việc, làm đến mức lao lực nên anh ấy không muốn để tôi một mình.

Bảo Thanh: Tôi phải uống thuốc an thần khi đóng Về nhà đi con-4

"Lâu rồi mới có một đoàn phim giống gia đình đến thế!"

- NSƯT Trung Anh từng chia sẻ thấy thương Bảo Thanh vì phải khóc triền miên khi đóng 'Về nhà đi con'. Trên phim trường, chị cảm nhận thế nào về sự quan tâm của nghệ sĩ dành cho mình?

Bố Trung Anh chẳng bao giờ thể hiện thương đứa nào hay là quan tâm chăm sóc đặc biệt đến đứa nào. Thực lòng, tôi không biết bố lại thương "cái Thư" đến thế. Tôi vẫn cảm nhận được bố là người sống nội tâm, khép kín. Có những phân đoạn diễn cùng ba đứa nhưng mỗi lúc quay ra phía tôi, tôi thấy bố đều lặng đi vài giây rồi mới nói. Cùng là nghệ sĩ nên tôi cảm nhận được bạn diễn đang tương tác về cảm xúc với mình. Tôi và bố như có thần giao cách cảm, tôi biết khi nào bố nhìn mình và khi nào cảm xúc của bố dâng trào. Hai bố con khi đóng chung rất ăn ý, tung hứng tốt và chưa bao giờ bị khớp cả.

Bảo Thanh: Tôi phải uống thuốc an thần khi đóng Về nhà đi con-5

- Đâu là kỷ niệm mà chị nhớ mãi khi đóng với NSƯT Trung Anh? 

Trên phim trường, bố hay bảo phải diễn ông Sơn mạnh mẽ hơn kịch bản chứ yếu đuối quá thì ông ấy không thể nuôi nổi 3 cô con gái khôn lớn. Miệng nói thế nhưng khi diễn, bố không ngăn được cảm xúc. Tôi nhớ mãi phân đoạn bố thương Thư quá nhưng cố tình uống rượu để che giấu suy nghĩ thật. Trong khi hai người kia chỉ mơ hồ cảm nhận thì Thư đã tự thấy gợn trong lòng. Thế rồi hai bố con nhìn nhau mà khóc lặng người đi. 

Sau khi quay xong phân đoạn ấy, mọi người lục tục chuẩn bị quần áo để về thì tôi thấy bố vẫn ngồi một mình trong bếp. Tôi biết rằng bố lúc ấy chưa xả vai, vẫn còn buồn và nhiều cảm xúc lắm. Nhìn bố ngồi thu lu gác cả hai chân lên ghế rồi ôm gối, tôi thấy bố Trung Anh giống bố mình kinh khủng. Lòng rất thương nhưng miệng lại ngại nói lời cảm xúc nên tôi chỉ chạy vào ôm bố, thơm chụt vào má ông một cái rồi bảo "bố ơi, con đi về trước nhé". Trên đường trở về nhà hôm ấy, tôi cứ nghĩ mãi về dáng vẻ của bố và thực sự thấy bố Trung Anh như bố của mình ở ngoài đời vậy.

Bảo Thanh: Tôi phải uống thuốc an thần khi đóng Về nhà đi con-6

- Điều gì khiến chị cảm thấy đặc biệt nhất ở đoàn làm phim ''Về nhà đi con''?

Mọi thành viên trong đoàn đều sống với nhau rất tình cảm. Không chỉ tôi mà mọi người đều thấy rằng lâu rồi mới có một đoàn phim giống gia đình đến thế. Tất cả đều quan tâm, chia sẻ và lo lắng cho nhau từ những điều nhỏ nhặt nhất. Mọi người thậm chí còn sẵn sàng xắn tay vào làm những công việc không phải chuyên môn của mình để giúp đỡ những người khác. Ngày off đoàn, mọi người rất xúc động vì bao nhiêu kỷ niệm ròng rã với nhau trong suốt hơn 6 tháng làm việc chung, từ mùa đông sang mùa hè.

Bảo Thanh: Tôi phải uống thuốc an thần khi đóng Về nhà đi con-7

Trong đoàn có Bảo Hân lần đầu đóng phim và anh Quốc Trường lần đầu làm việc với một êkíp phía Bắc. Họ đều có những khó khăn nhất định nhưng bắt nhịp với mọi người rất nhanh. Chúng tôi hiểu rằng giúp đỡ những người chưa kịp thích ứng với công việc không chỉ là nhiệm vụ của tổ đạo diễn mà còn của cả diễn viên. Mọi thành viên đều có ý thức tạo không khí ấm áp cho đoàn phim.

Trước mỗi cảnh quay, đạo diễn Danh Dũng đều nói với chúng tôi "làm sao để cho nó ấm áp nhỉ?". Đây là bộ phim gia đình nên kể cả những cảnh cãi nhau, chúng tôi cũng phải cho thấy sự gần gũi của mấy bố con. Các nhân vật dù có to tiếng đi chăng nữa thì cũng chỉ vì muốn tốt cho người kia mà thôi.

Bảo Thanh: Tôi phải uống thuốc an thần khi đóng Về nhà đi con-8

 - Mối quan hệ của chị và Quốc Trường ra sao sau khi phim ''Về nhà đi con'' đóng máy?

Khi mới vào phim, chúng tôi mất một thời gian mới hiểu được phong cách diễn của nhau để phối hợp ăn ý. Khi phim đóng máy, 2 anh em vẫn thỉnh thoảng cùng nhau đi sự kiện và thường xuyên tương tác trên Facebook. Biết tôi thích uống cà phê vào buổi sáng nên anh ấy hay mua cho tôi uống cùng. Tôi cũng thỉnh thoảng mua cho anh ấy để "có đi có lại". Nếu nói là cực kỳ thân thiết thì chưa vì cả hai đều rất bận, chẳng có thời gian nào để giao lưu.

Theo Ngoisao.net